Vào nội dung chính
HÀN QUỐC - NHẬT BẢN

Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn bất đồng về khu mỏ Sado

Từ vài tuần qua, Hàn Quốc và Nhật Bản đã xung đột ngoại giao về vấn đề mỏ vàng trên đảo Sado. Tokyo đã phát động một chiến dịch để các mỏ của mình được công nhận là Di sản Thế giới của UNESCO. Nhưng Seoul cảm thấy bị xúc phạm, vì đây là nơi người dân Hàn Quốc bị ép buộc lao động cưỡng bức trong thời gian quân đội Nhật chiếm đóng đất nước. 

Dấu vết mìn tại tàn tích của mỏ vàng và bạc Aikawa ở Sado trên đảo Sado, ngày 19/08/2021.
Dấu vết mìn tại tàn tích của mỏ vàng và bạc Aikawa ở Sado trên đảo Sado, ngày 19/08/2021. via REUTERS - KYODO Kyodo
Quảng cáo

Từ Seoul thông tín viên Nicolas Rocca tường trình : 

"Nhật Bản phớt lờ câu chuyện đau đớn về việc những người Hàn Quốc bị cưỡng bức lao động." Những cáo buộc của Seoul tóm tắt quan điểm hoàn toàn đối nghịch giữa hai nước. Được khai thác từ thế kỷ 17 và là biểu tượng cho tiến trình công nghiệp hóa, các mỏ vàng và bạc ở Sado, cũng là nơi diễn ra tình trạng lao động cưỡng bức trong thời kỳ Nhật Bản đô hộ Hàn Quốc từ năm 1910 đến năm 1945. 

780.000 người Hàn Quốc đã tham gia một cách tự nguyện hoặc bị ép buộc vào việc phát triển ngành công nghiệp Nhật Bản, trong đó có 2.000 người ở các mỏ Sado, chỉ tính riêng trong Thế chiến thứ hai. Đó là lý do tại sao quyết định của Nhật Bản khiến Seoul cảm thấy bị xúc phạm, vì Tokyo không đề cập đến các nạn nhân của lao động cưỡng bức trong hồ sơ gửi lên UNESCO.

Vào năm 2015, khoảng 20 địa điểm công nghiệp từng diễn ra các sự kiện tương tự đã được xếp vào danh sách Di sản Thế giới. Bất đồng mới này giữa hai đồng minh của Mỹ trong khu vực tiếp nối nhiều bất đồng về lịch sử khác, đặc biệt là trong hồ sơ "phụ nữ giải sầu". Một cách nói để chỉ những nô lệ tình dục của quân đội Nhật Bản trong thời kỳ thuộc địa. Về phần mình, Hoa Kỳ kêu gọi các đồng minh nhanh chóng giải quyết những bất đồng  để tập trung vào các mối đe dọa thực sự là Trung Quốc và Bắc Triều Tiên. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.