Vào nội dung chính
THÁI LAN - NHÂN QUYỀN

Thái Lan: Ân Xá Quốc Tế phản đối vụ khởi tố gần 300 thiếu niên đòi dân chủ

Hôm nay, 08/02/2023, tổ chức bảo vệ nhân quyền Amnesty International đã phản đối việc chính quyền Thái Lan khởi tố gần 300 người vị thanh niên, tham gia phong trào phản kháng bất bạo động hồi 2020, đòi thủ tướng từ chức và cải cách thể chế quân chủ. 

Ảnh minh họa: Người biểu tình đòi dân chủ phá rào chắn trong một cuộc biểu tình chống chính phủ gần trụ sở Quốc Hội ở Bangkok, ngày 17/11/2020.
Ảnh minh họa: Người biểu tình đòi dân chủ phá rào chắn trong một cuộc biểu tình chống chính phủ gần trụ sở Quốc Hội ở Bangkok, ngày 17/11/2020. AP - Sakchai Lalit
Quảng cáo

Theo AFP, ông Chanatip Tatiyakaroonwong, chuyên gia về Thái Lan của tổ chức Ấn Xá Quốc Tế, đã báo động các án tù nhắm vào những người trẻ này sẽ ‘‘để lại những hậu quả nghiêm trọng’’ đối với tương lai của họ. Ân Xá Quốc Tế cho biết cụ thể đã có 17 thiếu niên niên tham gia cuộc tranh đấu năm 2020 bị cáo buộc tội khi quân. Điều 112 đạo luật chống khi quân khắc nghiệt này cho phép phạt tù từ 3 đến 15 năm với ai bị khép tội báng bổ hoàng gia.

Vào đỉnh điểm của phong trào, hàng chục nghìn người đã tham gia các cuộc biểu tình, do giới sinh viên tổ chức, đòi thủ tướng Prayut Chan-O-Cha từ chức. Đa số bị khởi tố do các biện pháp đặc biệt cấm tập trung đông người, chủ yếu với lý do phòng dịch. Người biểu tình trẻ nhất bị bắt mới 11 tuổi.

Ngoài lo ngại về các án tù nặng nề nhắm vào các nhà tranh đấu trẻ, Ân Xá Quốc Tế cũng báo động về ‘‘các kỹ thuật hù dọa’’ mà cảnh sát sử dụng để gây áp lực lên cha mẹ các em nhỏ. Theo chuyên gia Chanatip Tatiyakaroonwong, một số người biểu tình trẻ có nguy cơ ‘‘bị cha mẹ từ bỏ hoặc ngược đãi, do áp lực của cảnh sát’’. 

Tư pháp Thái Lan tạm tha 2 thanh niên tuyệt thực chống luật khi quân

Trong một vụ án khác cũng liên quan đến đạo luật khi quân, tư pháp Thái Lan hôm qua, 07/02, đã chấp nhận tạm thả hai thanh niên tranh đấu, do việc tuyệt thực kéo dài có thể nguy hiểm đến tính mạng. Hai chị Tantawan Tuatulanon, 21 tuổi, và Orawan Phupong, 23 tuổi, tuyệt thực từ ngày 18/01, để yêu cầu xóa bỏ đạo luật chống khi quân.

Hai nhà tranh đấu nói trên đã tham gia vào hai cuộc biểu tình khác nhau tại Bangkok đầu tháng 12/2022, theo hiệp hội Lawyers for Human Rights (TLHR). Trước khi tuyệt thực, hai nhà tranh đấu đã từ chối được trả tự do có điều kiện, để thể hiện sự đoàn kết với các nhà tranh đấu đang bị giam giữ khác. Theo tổ chức luật sư bảo vệ nhân quyền TLHR, chỉ riêng từ năm 2020, đã có 224 nhà phản kháng bị khởi tố với tội danh khi quân.

Giới tranh đấu nhân quyền cáo buộc chính quyền sử dụng luật này để bóp nghẹt mọi phản kháng chính trị. Tháng 5/2023, Vương Quốc Thái Lan sẽ bầu lại Quốc Hội.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.