Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Biển Đông: Trung Quốc ngày càng hung hăng nhưng lại nói Mỹ cố tình khiêu khích

Ngày 26/05/2023 vừa qua, khi đang hoạt động trong không phận quốc tế trên Biển Đông, một chiếc phi cơ do thám RC-135 của Mỹ đã bất ngờ bị một chiến đấu cơ J-16 của Trung Quốc cắt ngang đường bay, gây ra vùng nhiễu động không khí khiến phi cơ Mỹ bị rung mạnh. Washington ngày 30/05 đã lên tiếng tố cáo một “hành động gây hấn không cần thiết” của Trung Quốc, và đã lập tức bị Bắc Kinh đáp trả với lời lên án Mỹ có các "hành vi khiêu khích" trên Biển Đông.

Tàu hải cảnh Trung Quốc chặn một tàu tuần duyên Philippines tại khu vực Bãi Cỏ Mây, Biển Đông, ngày 23/04/2023.
Tàu hải cảnh Trung Quốc chặn một tàu tuần duyên Philippines tại khu vực Bãi Cỏ Mây, Biển Đông, ngày 23/04/2023. AP - Aaron Favila
Quảng cáo

Theo giới quan sát, cho đến nay, Trung Quốc đã liên tục có những động thái hung hăng gây sự trên Biển Đông, không chỉ nhắm vào Mỹ, mà còn nhắm cả vào các nước bên trong hoặc bên ngoài khu vực khác bị Bắc Kinh cáo buộc là xâm phạm vùng biển của Trung Quốc, dựa trên chủ quyền mà chính Bắc Kinh tự nhận, bất chấp phán quyết ngược lại của quốc tế, cụ thể là của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye.

Về sự cố mới nhất hôm 26/05, Bộ Tư Lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Quân Đội Mỹ INDOPACOM đã khẳng định phi cơ trinh sát Mỹ RC-135 đang hoạt động một cách bình thường trong không phận quốc tế thì bị tiêm kích Trung Quốc sách nhiễu, “áp sát một cách nguy hiểm”.

Ngược lại, đối với phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Mao Ninh hôm 31/05, Mỹ đã thường xuyên triển khai phi cơ và chiến hạm áp sát Trung Quốc, gây tổn hại nghiêm trọng cho an ninh quốc gia của Bắc Kinh. Đối với phát ngôn viên này, bên gây nguy hiểm chính là Hoa Kỳ với các “hoạt động khiêu khích, nguy hiểm” vốn là nguyên do của các vấn đề an ninh trên biển.

Sự cố ngày 26/05 gần như là một kịch bản lập lại của một vụ đối đầu khác vào tháng 12/2022, khi cũng một chiến đấu cơ Trung Quốc áp sát một chiếc phi cơ do thám RC-135 của Mỹ, buộc phi cơ Mỹ phải "thực hiện các thao tác đổi hướng để tránh va chạm”.

Đối với giới phân tích, nếu trước đây tương đối hiếm hoi, thì trong thời gian gần đây, các sự cố trên không và trên biển ở Biển Đông do các hành vi “thiếu chuyên nghiệp” từ phía Trung Quốc ngày càng tăng.

Một quan chức quốc phòng Mỹ cao cấp vào hôm qua ghi nhận với hãng tin Pháp AFP là số vụ can thiệp và đối đầu nguy hiểm trên biển do máy bay và tàu thuyền Trung Quốc đã “gia tăng một cách đáng báo động”, với nguy cơ tiềm tàng là gây nên những “tính toán sai lầm hoặc sự việc không an toàn”.

Điều đáng nói là khi nhận xét về hành vi của phi công Trung Quốc, quan chức Mỹ cho rằng đó không phải là những hành động tự phát, mà xuất phát từ một chiến thuật rộng lớn hơn. Đây là một chiến thuật hù dọa được Trung Quốc áp dụng không chỉ với Mỹ, mà cả với những quốc gia khác.

Trong một bài phân tích công bố hôm qua (31/05), trang mạng chuyên về quân sự Pháp Opex360 nhắc lại vào tháng 7 năm ngoái, ông Ely Ratner, một quan chức Lầu Năm Góc đã lưu ý: “Chúng ta đang chứng kiến ​​sự gia tăng mạnh của các hành vi nguy hiểm và thiếu chuyên nghiệp của tàu và phi cơ [Trung Quốc] không chỉ đối với lực lượng Hoa Kỳ mà còn đối với cả các lực lượng đồng minh hoạt động trong khu vực.”

Theo Opex360, Hải Quân Pháp, cũng từng phải trực diện với lực lượng Trung Quốc khi tuần tra tại Biển Đông, có cùng một nhận định rằng Quân Đội Trung Quốc ngày càng tỏ ra hiếu chiến, đặc biệt là ở những khu vực mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.