Vào nội dung chính
ẤN ĐỘ - PHÁP

Ấn Độ cần Pháp để đa dạng hóa đối tác đầu tư và công nghệ

Nhân dịp Quốc Khánh 14/07/2023, Pháp trải thảm đỏ đón thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi để kỉ niệm 25 năm thiết lập « quan hệ đối tác chiến lược ». Ngoài các hợp đồng mới mua chiến đấu cơ Rafale và tầu ngầm Scorpène, Ấn Độ muốn Pháp hỗ trợ phát triển công nghệ dân sự nhằm đạt mục tiêu trở thành một nước phát triển vào năm 2047, tròn 100 năm lập quốc.

Lễ hạ thủy tàu ngầm lớp Scorpene INS Karanj tại xưởng đóng tàu Mazagon Dock ở Mumbai, Ấn Độ, ngày 31/01/2018.
Lễ hạ thủy tàu ngầm lớp Scorpene INS Karanj tại xưởng đóng tàu Mazagon Dock ở Mumbai, Ấn Độ, ngày 31/01/2018. REUTERS - SHAILESH ANDRADE
Quảng cáo

Theo nhật báo Pháp Le Figaro, ngoài hợp tác quốc phòng, thủ tướng Ấn Độ Modi cũng muốn thúc đẩy hợp tác công nghệ với Pháp nhằm giảm chất thải gây hiệu ứng nhà kính. Với hơn 1,4 tỉ dân, quốc gia đông dân nhất và cũng là nước phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính nhiều thứ 3 thế giới, quan tâm đến công nghệ « khí hydrogen xanh, quản lý rác thải, xử lý nước… », theo ông Mohan Kumar, đại sứ Ấn Độ tại Paris từ năm 2015-2017.

Ngoài ra, New Dehli cũng quan tâm đến dự án xây 6 lò phản ứng hạt nhân EPR tại Jaitapur (phía tây Ấn Độ), được kỳ vọng giúp giảm bớt lượng khí phát thải, vì nhiệt điện chiếm 77% sản lượng điện hiện nay tại Ấn Độ. Tuy nhiên, dự án này còn gặp nhiều trở ngại. Thông tín viên RFI Sébastien Farcis tại New Delhi giải thích :

« Năm 2010, New Dehli đã ký một thỏa thuận với Pháp để đàm phán việc xây dựng hai lò phản ứng hạt nhân EPR ở bờ tây Ấn Độ trong khuôn khổ dự án nhà máy điện nguyên tử gồm 6 lò phản ứng, có công suất gần 10 GW, mạnh nhất thế giới. Nhưng từ đó, các cuộc đàm phán tiến triển chậm. Các trở ngại liên quan đến hai mặt : Trước tiên là trách nhiệm dân sự, vì New Delhi muốn chính phủ Pháp và đối tác xây dựng là Công ty Điện lực Pháp EDF chịu trách nhiệm trong trường hợp xảy ra tai nạn hạt nhân. Thứ hai là vấn đề giá.

Có lẽ lý do thứ hai này đã khiến giao dịch bị hủy, theo nhà nghiên cứu Amit Bhandari, chuyên gia về các vấn đề năng lượng tại trung tâm nghiên cứu Gateway House. Ông cho biết : « Ấn Độ thấy lò phản ứng quá đắt. Chi phí sản xuất một megawat sẽ cao ít nhất là gấp đôi so với một lò phản ứng do Ấn Độ thiết kế và nhất là lại được sản xuất dưới sự giám sát của nước này, và như vậy sẽ không có các vấn đề về trách nhiệm. Vì thế tôi nghĩ rằng khả năng lò phản ứng EPR được xây dựng ở Ấn Độ là rất thấp ».

Công ty Điện lực Pháp EDF đã trình đề xuất công nghệ-thương mại cách đây hai năm và từ đó, chính phủ Ấn Độ cam kết là muốn giải quyết bất đồng về những vấn đề khó khăn này ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.