Vào nội dung chính
ASEAN - MIẾN ĐIỆN

ASEAN buộc phải ngả sang ngoại giao “mềm dẻo” với tập đoàn quân sự Miến Điện?

Đã hai năm rưỡi kể từ cuộc đảo chính Miến Điện lật đổ chính phủ dân sự, chặn đứng tiến trình dân chủ hóa, làm bùng lên nội chiến tại nước Đông Nam Á này.  Chiến lược ‘‘Đồng thuận 5 điểm’’ của ASEAN, được cộng đồng quốc tế ủng hộ, buộc tập đoàn quân sự chấm dứt bạo lực, đối thoại với đối lập dường như hoàn toàn bế tắc. Trong những tháng gần đây, trong nội bộ ASEAN, nổi lên một sách lược ứng xử khác với giới tướng lãnh Miến Điện, với Thái Lan là nước dẫn đầu.

Ngoại trưởng Thái Lan Don Pramudwinai (T) và cựu lãnh đạo Miến Điện Aung San Suu Kyi (P) : ảnh ghép ngày 12/07/2023. Theo ngoại trưởng Thái Lan, ông đã được tập đoàn quân sự cho phép gặp Aung San Suu Kyi hôm 09/07/2023.
Ngoại trưởng Thái Lan Don Pramudwinai (T) và cựu lãnh đạo Miến Điện Aung San Suu Kyi (P) : ảnh ghép ngày 12/07/2023. Theo ngoại trưởng Thái Lan, ông đã được tập đoàn quân sự cho phép gặp Aung San Suu Kyi hôm 09/07/2023. AFP - LILLIAN SUWANRUMPHA,YE AUNG THU
Quảng cáo

Phải chăng khối ASEAN đang dần dần gác sang một bên chiến lược ‘‘Đồng thuận 5 điểm'' cứng rắn, để chuyển sang một cách ứng xử linh hoạt hơn ? Việc thay đổi sách lược ứng xử liệu có mang lại kết quả ? RFI tổng hợp thông tin về chủ đề này.

***

Sách lược ngoại giao Thái Lan: Một vài biến chuyển ấn tượng

Chuyên gia Sebastian Strangio trong bài nhận định ‘‘Malaysia, Philippines Discuss More ‘Flexible’ ASEAN Approach to Myanmar’s Military’’ (Malaysis, Philippines thảo luận về lập trường mềm dẻo hơn của ASEAN với tập đoàn quân sự Miến Điện), đăng tải trên trang thời sự quốc tế The Diplomat, chú ý đến cuộc gặp giữa hai tổng thống Philippines Marcos Ferdinand Marcos Jr. và thủ tướng Malaysia, Anwar Ibrahim, hôm 26/07. Lãnh đạo hai quốc gia ASEAN – cho đến trước đó vốn thuộc nhóm duy trì quan điểm cứng rắn với tập đoàn quân sự Miến Điện – đã thừa nhận rằng khối ASEAN ‘‘nên trao quyền hạn nhất định cho các liên lạc không chính thức với tập đoàn quân sự Miến Điện, nhằm thúc đẩy một giải pháp cho xung đột đang lan rộng tại nước này’’.

‘‘Giao thiệp không chính thức’’ chính là sáng kiến của chính quyền Thái Lan kể từ cuối năm ngoái 2022, vốn bị nhiều chỉ trích. Kể từ sáng kiến của Thái Lan, đã có tới bốn cuộc họp được tổ chức, trong đó có hai cuộc họp ở cấp bộ trưởng. Khác với cách làm chính thức của ASEAN, loại trừ lãnh đạo cấp cao của chính quyền quân sự khỏi các hội nghị thượng đỉnh kể từ cuối năm 2021 (theo Đồng thuận 5 điểm), sáng kiến của Thái Lan mở ra cho sự tham gia của ngoại trưởng của chính quyền quân sự, cùng với đại diện một số quốc gia láng giềng, như Ấn Độ, Trung Quốc.

Chiến lược của Thái Lan dường như đã đạt được kết quả bước đầu, với việc lần đầu tiên giải Nobel Hòa bình Aung San Suu Kyi, lãnh đạo chính quyền dân sự bị lật đổ, được phép tiếp xúc với một nhà ngoại giao nước ngoài hồi giữa tháng 7/2023 (gặp ngoại trưởng Thái Lan Don Pramudwinai ngày 09/07). Hôm nay, 28/07/2023, tập đoàn quân sự đã quyết định chuyển cựu lãnh đạo Aung San Suy Kyi từ nhà tù ra quản thúc tại một nơi ở dành cho quan chức cao cấp.

Cảnh giác cao độ với Thái Lan

Các động thái mới của giới tướng lĩnh Miến Điện có thể mang lại hy vọng cho một số người, nhưng bị đối lập Miến Điện lên án kịch liệt. Chính phủ kháng chiến Miến Điện NUG tố cáo thủ đoạn ‘‘ngoại giao con tin’’, việc quân đội Miến Điện tận dụng quan hệ thân thiết với chính phủ mãn nhiệm Thái Lan để thao túng công luận quốc tế và trong nước. Hiệp hội các nghị sĩ ASEAN vì nhân quyền (ASEAN Parliamentarians for Human Rights) cũng cực lực lên án hành động gây chia rẽ khối ASEAN của chính quyền quân sự Thái Lan, vốn đang mất uy tín trầm trọng trong nước, sau thất bại trong cuộc bầu cử Quốc Hội.

Chuyên gia Sebastian Strangio tỏ ra dè dặt, khi ghi nhận, ‘‘hiện chưa rõ liệu các phương pháp tiếp cận không chính thức này chủ yếu mang lại lợi thế cho chính quyền quân sự hơn là vì hòa bình hay không’’. Tuy nhiên, một điều thấy rõ là quan điểm của hai lãnh đạo Philippines và Malaysia ‘‘phản ánh rõ ràng sự thất bại của ASEAN’’, và cho thấy cần phải có những cách làm mới để tìm giải pháp cho khủng khoảng Miến Điện. Hiện tại, nhóm nước chủ trương áp dụng triệt để Đồng thuận 5 điểm, tức lập trường cứng rắn với tập đoàn quân sự, chỉ còn lại Indonesia, chủ tịch luân phiên ASEAN và Singapore, nếu Philippines và Malaysia đổi ý.

Chính sách ‘‘Chiếc ghế trống’’: ‘‘Đồng thuận 5 điểm’’ bế tắc, ASEAN chia rẽ

Khối ASEAN hiện đang đứng trước áp lực thay đổi mạnh trong thái độ với cuộc khủng hoảng Miến Điện. Đây là điều thể hiện rõ trong cuộc họp cấp ngoại trưởng của khối hồi giữa tháng 7 vừa qua. Sau cuộc họp này, Viện Nghiên cứu Hòa Bình Mỹ (United States Institute of Peace - USIP) có bài phân tích ‘‘Four Takeaways from the ASEAN Summit’’ (Bốn điều rút ra từ hội nghị ASEAN), ghi nhận ‘‘các cuộc thảo luận của ASEAN về cuộc khủng hoảng ở Miến Điện đã cho thấy sự chia rẽ trong cách tìm ra giải pháp, về cuộc chiến của quân đội Miến Điện chống lại người dân, đang ảnh hưởng đến khối Đông Nam Á nhiều hơn là việc ASEAN có thể ảnh hưởng đến tình hình ở Miến Điện’’.

Mạng Ấn Độ Wion ngày 21/07 có bài phân tích đáng chú ý, mang tựa đề ‘‘Myanmar: An empty seat, ASEAN schism and India’s choices’’ (Miến Điện : Một chiếc ghế trống, sự chia rẽ của ASEAN và lựa chọn của Ấn Độ), của cựu đại sứ Ấn Độ tại Miến Điện, Rajiv Bhatia, tóm thuật vấn đề này. ‘‘Chiếc ghế trống’’ là ghế đại diện cấp cao của chính quyền Miến Điện (từ bộ trưởng trở lên) tại ASEAN bị bỏ trống, sau khi toàn khối thống nhất về Đồng thuận 5 điểm, hơn hai tháng sau cuộc đảo chính, buộc tập đoàn quân sự ‘‘chấm dứt ngay bạo lực, đối thoại với đối lập tìm giải pháp hòa bình, tiếp nhận một đặc phái viên của ASEAN, cung cấp các hỗ trợ nhân đạo và để phái đoàn ASEAN gặp gỡ tất cả các bên liên quan”. Đồng thuận 5 điểm là một hành động vượt bậc của ASEAN, khối quốc gia có truyền thống không can thiệp vào công việc nội bộ các nước thành viên.

Can thiệp của Trung Quốc

Chính tổng tư lệnh quân đội Miến Điện Min Aung Hlaing đã từng đến họp tại Jakarta tháng 4/2021, và thừa nhận Đồng thuận 5 điểm của khối. Báo Ấn Độ thừa nhận vai trò tích cực và xây dựng của chủ tịch luân phiên ASEAN, là Indonesia, đã cố gắng tổ chức đối thoại thận trọng với tất cả cả bên, bao gồm Chính phủ Đoàn kết Dân tộc (NUG), tức lực lượng đối lập chống chính quyền quân sự. Tuy nhiên, theo cựu đại sứ Ấn Độ Rajiv Bhatia, ‘‘những can thiệp ngày càng tăng của Trung Quốc, các ủng hộ của Bắc Kinh với chế độ quân sự kể từ tháng 12/2022’’ đã khiến tình hình thêm khó khăn. Giới tướng lĩnh từ chối đối thoại với các lực lượng đối lập, bị họ coi là những kẻ khủng bố.

Trung Quốc công khai chống lại chiến lược Đồng thuận 5 điểm của ASEAN. Một trong các động thái tiêu biểu là việc Bắc Kinh mời bộ trưởng khoa học và công nghệ của chính quyền quân sự, Myo Thein Kyaw, tham gia cuộc họp cấp bộ trưởng Trung Quốc- ASEAN về công nghệ, trùng với cuộc họp ngoại trưởng ASEAN vào ngày 12/7, làm lu mờ những nỗ lực của Indonesia với tư cách chủ tịch khối. Hội nghị các ngoại trưởng ASEAN lộ rõ sự phân hóa trong nội bộ ASEAN về khủng hoảng Miến Điện. Bản thông cáo chung của hội nghị thừa nhận có một số nước đi theo sáng kiến của Thái Lan.

Nhà nghiên cứu Đan Mạch Mikael Gravers, một chuyên gia về Miến Điện, ghi nhận xu thế siết chặt quan hệ giữa Bắc Kinh và tập đoàn quân sự Miến Điện những tháng gần đây, sau một giai đoạn giãn cách (East Asia Forum, 17/06/2023). Công chúng chắc không quên chuyến công du Miến Điện của ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, trung tuần tháng Giêng 2021, ít ngày trước cuộc đảo chính lật đổ chính phủ của Aung San Suu Kyi.

‘‘Ngoại giao thầm lặng’’ của Indonesia

Trang The Diplomat có một bài tổng hợp đáng chú ý khác về chủ đề này, với tựa đề ‘‘Regional Splits on Myanmar Are Becoming More Apparent’’ (Chia rẽ khu vực về Miến Điện ngày càng nổi rõ) (15/05), ghi nhận ba tiếp cận khác nhau của các nước ASEAN với khủng hoảng Miến Điện. Bên cạnh ‘‘Đồng thuận 5 điểm’’ được coi là chiến lược chính thức, còn có hai tiếp cận quan trọng khác. Một của Thái Lan nói trên, và một của Indonesia. Hai tiếp cận được triển khai song song gần như trong cùng một giai đoạn.

Tiếp cận của Indonesia rất ít được nói đến. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn Reuters hồi tháng 5, ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi tiết lộ là các nhà ngoại giao nước này đã có hơn ‘’60 cam kết’’ với các bên liên quan, bao gồm tập đoàn quân sự, các tổ chức vũ trang sắc tộc và chính phủ kháng chiến NUG. Theo ngoại trưởng Indonesia, ‘‘lối ngoại giao không loa phóng thanh” này được thiết kế với mục tiêu “xây dựng lòng tin với tất cả các bên liên quan”. Điểm khác biệt lớn giữa sách lược của Indonesia với sách lược của Thái Lan, là Jakarta đối thoại với tất cả các bên trong xung đột Miến Điện, bao gồm đối lập, còn Bangkok không (hoặc chưa). Chiến lược ngoại giao được thực thi kể từ khi Indonesia đảm nhiệm chức chủ tịch luân phiên ASEAN. Jakarta đã lập một ‘'văn phòng đặc phái viên’’ chuyên trách về việc này, đứng đầu là ngoại trưởng Retno.

Theo ghi nhận của hai nhà nghiên cứu Ấn Độ và Indonesia (chuyên gia Angshuman Choudhury, trung tâm CPR ở New Delhi, và Muhammad Waffaa Kharisma, CISI, ở Jakarta), ''đây là lần đầu tiên’’ một chủ tịch ASEAN có một nỗ lực như vậy về khủng hoảng Miến Điện, ‘‘thiện chí chính trị và sự kiên trì ngoại giao’’ của Indonesia có thể mang lại những tiến bộ. Cách tiếp cận này được coi là để bổ trợ cho chiến lược ‘‘Đồng thuận 5 điểm’’, được quốc tế công nhận. Vấn đề là nhiệm kỳ chủ tịch của Indonesia chỉ kéo dài một năm, và quốc gia tiếp nối chức chủ tịch luân phiên ASEAN không chắc đã tiếp nối.

Ấn Độ: Ủng hộ Thái Lan, nhưng cần bảo vệ đoàn kết ASEAN

Khủng hoảng Miến Điện rõ ràng không chỉ là vấn đề của riêng Miến Điện, và các quốc gia láng giềng tại Đông Nam Á và châu Á, trước hết là Thái Lan, Ấn Độ, Bangladesh, và kể cả Trung Quốc, chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất, cụ thể như di dân tị nạn, tội phạm xuyên biên giới…. Chính quyền Ấn Độ ngay từ sớm đã tham gia vào sáng kiến của Thái Lan. New Delhi cũng đăng cai tổ chức họp không chính thức với đại diện của tập đoàn quân sự Miến Điện, cùng với Thái Lan.

Bài nhận định của cựu đại sứ Ấn Độ tại Miến Điện nói trên đặt nhiều hy vọng vào một giải pháp mềm dẻo. Theo ông Rajiv Bhatia, hai tháng trước thượng đỉnh ASEAN, những diễn biến gần đây cho thấy cuộc khủng hoảng Miến Điện đang trở thành vấn đề trung tâm của các nỗ lực ngoại giao khu vực. Ngoại trưởng Ấn Độ lần đầu tiên tiếp xúc trực tiếp với ngoại trưởng của tập đoàn quân sự. Theo cựu đại sứ Ấn Độ, để có được đột phá, ‘‘ASEAN và các láng giềng chủ chốt phải đoàn kết và quân đội Miến Điện cần linh hoạt’’, ‘‘nếu không, ‘kẻ bệnh hoạn của Đông Nam Á’ (ngụ ý chỉ tập đoàn quân sự Miến Điện) sẽ tiếp tục gây khó khăn cho người dân nước này và gây lo lắng nghiêm trọng cho khu vực’’.

Về mặt lý tưởng, theo ghi nhận của hai nhà nghiên cứu Ấn Độ và Indonesia trên The Diplomat, ba tiếp cận (bao gồm ‘‘Đồng thuận 5 điểm’’ của ASEAN, sáng kiến ngoại giao không chính thức của Thái Lan, được Ấn Độ ủng hộ, và sách lược “ngoại giao thầm lặng” của Indonesia) về bản chất không đối kháng nhau, có thể bổ sung cho nhau, nếu cả ba ‘‘hoạt động phối hợp’’. Ngược lại, ‘‘nếu diễn ra riêng rẽ khép kín, rút cục chúng có thể hủy hoại lẫn nhau, gây tổn hại hơn là có lợi’’.

Nguy cơ Thái Lan ‘‘đi đêm’’ và ASEAN tê liệt

Lo ngại tập trung vào sách lược của Thái Lan. Nhiều nhà quan sát lo ngại thái độ đồng lõa của chính quyền quân sự Thái Lan với tập đoàn quân sự Miến Điện. Nhà nghiên cứu Sek Sophal ghi nhận: ‘‘(Chính quyền quân sự) Thái Lan đã nhắm mắt làm ngơ trước tình trạng bạo lực và tội ác của quân đội Miến Điện’’. Nhà nghiên cứu Ấn Độ Angshuman Choudhury, trung tâm CPR ở New Delhi, tỏ ra rất hoài nghi về sách lược của Bangkok, có thể được sử dụng như các biện pháp đi đêm, nhằm tìm kiếm thỏa hiệp giữa các quốc gia láng giềng với tập đoàn quân sự Miến Điện, bất chấp lợi ích của người dân Miến Điện. Chẳng hạn, để đáp ứng các đòi hỏi ngắn hạn về chống tội phạm xuyên biên giới, đang nở rộ do khủng hoảng tại Miến Điện, một số quốc gia có thể tăng cường hợp tác, đơn phương trao nhiều nguồn lực cho tập đoàn quân sự  Miến Điện, mà không tạo cơ hội để người dân tham gia. Tính chất ‘‘không minh bạch’’ trong quan hệ giữa các nước láng giềng với tập đoàn quân sự làm gia tăng tính chất độc tài của chế độ, ‘‘gây bất ổn cho toàn khu vực.’’

Việc chính quyền quân sự Thái Lan đơn phương hành động trong một vấn đề hệ trọng với khối, mà không bàn thảo với khối, bị chuyên gia Miến Điện Moe Thuzar (Viện ISEAS – Yusof Ishak Institute, Singapore), coi như một yếu tố có thể làm tan vỡ sự thống nhất của ASEAN về khủng hoảng Miến Điện. Cuộc đảo chính Miến Điện đã làm rung chuyển ASEAN. Lập trường thống nhất của ASEAN với Đồng Thuận 5 điểm, đã phải gian nan lắm mới xác lập được.Trong một bài viết trên báo Hồng Kông SCMP, mà bà là đồng tác giả, Moe Thuzar cảnh báo: ‘‘Việc loại bỏ Đồng thuận 5 điểm sẽ làm mất đi phương tiện hợp pháp duy nhất của ASEAN để can thiệp một cách tập thể và mang tính xây dựng vào cuộc khủng hoảng Miến Điện’’ (''Cách tiếp cận Miến Điện của Thái Lan phơi bày những vết nứt trong ASEAN mà bên ngoài có thể khai thác'') (20/07).

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.