Vào nội dung chính
ẤN ĐỘ - TRUNG QUỐC - TRANH CHẤP CHỦ QUYỀN

Trung Quốc không cấp visa cho 3 vận động viên Ấn Độ : New Delhi hủy chuyến đi của một bộ trưởng

New Delhi, vào hôm qua 22/09/2023, đã hủy chuyến đi của bộ trưởng Thể Thao đến Á Vận Hội Hàng Châu do Trung Quốc từ chối cấp visa cho 3 nữ vận động viên Ấn Độ đến từ bang Arunachal Pradesh, lãnh thổ mà Bắc Kinh cũng đòi chủ quyền.

Phía bên ngoài Sân Vận Động Hàng Châu, Trung Quốc, trước khi Á Vận Hội lần thứ 19 khai mạc ngày 23/09/2023.
Phía bên ngoài Sân Vận Động Hàng Châu, Trung Quốc, trước khi Á Vận Hội lần thứ 19 khai mạc ngày 23/09/2023. AP - Takumi Sato
Quảng cáo

Theo hãng tin AFP, hôm qua, báo chí Ấn Độ loan tin, do không được cấp visa, ba nữ vận động viên vô địch võ thuật của nước này đã không thể tham dự Á Vận Hội Hàng Châu. Trong một thông cáo, một phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Ấn Độ xem đây là một hành động « phân biệt đối xử » cố tình nhắm vào các nữ vận động viên Ấn Độ. Phát ngôn viên này thông báo hủy chuyến đi của bộ trưởng Thể Thao Ấn Độ đến Á Vận Hội Hàng Châu.

Nhưng trong cuộc họp báo hôm qua, một quan chức cao cấp của Ủy ban Thế vận châu Á khẳng định Trung Quốc không hề từ chối cấp visa cho các nữ vận động viên Ấn Độ, mà vấn đề là các nữ vận động viên này đã không chấp nhận loại visa được cấp.

Khi được hỏi về vụ việc, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Mao Ninh tuyên bố Bắc Kinh đón tiếp vận động viên của tất cả các nước có giấy tờ hợp lệ để đến Hàng Châu và dự Á Vận Hội. Bà Mao Ninh nói thêm: « Chính phủ Trung Quốc không công nhận cái gọi là vùng Arunachal. Vùng Nam Tây Tạng là lãnh thổ của Trung Quốc ».

Đáp lại tuyên bố đó, hôm qua, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Ấn Độ khẳng định Arunachal Pradesh « đang, đã và sẽ vẫn là bộ phận không thể tách rời khỏi Ấn Độ ».

Arunachal Pradesh nằm ở phía bên kia dãy núi Himalaya so với Tây Tạng và là một vùng có di sản văn hóa Phật Giáo giống như láng giềng phương Bắc. Vào năm 1962, trong một cuộc xung đột đẫm máu, Trung Quốc đã chiếm giữ một phần Arunachal Pradesh trước khi rút đi. 

Trong năm nay, New Delhi đã phản đối mạnh mẽ sau khi Bắc Kinh đặt lại tên của 11 địa điểm tại vùng lãnh thổ tranh chấp này. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.