Vào nội dung chính
TRUNG QUÔC - DỰ ÁN CON ĐƯỜNG TƠ LỤA

Dự án “Con đường tơ lụa” của Trung Quốc đã thất bại?

Hôm 06/12, dẫn các nguồn tin của chính phủ Giorgia Meloni, truyền thông Ý đồng loạt đưa tin Roma đã quyết định rút khỏi thỏa thuận với Bắc Kinh về dự án Con đường tơ lụa mới, sau bốn năm tham gia. Việc Ý rời bỏ dự án cơ sở hạ tầng trên bộ và hàng hải do Trung Quốc khởi xướng vào năm 2013 này là một đòn mạnh đánh vào tham vọng bành trướng kinh tế toàn cầu của Bắc Kinh.

Ảnh tư liệu ghi ngày 22/12/2017 :Một công trường hạ tầng cơ sở giao thông tại Haripur, Pakistan, trong khuôn  khổ dự án "Con đường tơ lụa " của Trung Quốc
Ảnh tư liệu ghi ngày 22/12/2017 :Một công trường hạ tầng cơ sở giao thông tại Haripur, Pakistan, trong khuôn khổ dự án "Con đường tơ lụa " của Trung Quốc AP - Aqeel Ahmed
Quảng cáo

Dự án đầy tham vọng trị giá 2.000 tỷ USD này, được khởi xướng cách đây 10 năm theo sự chỉ đạo của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nhằm mục đích cải thiện kết nối thương mại giữa châu Á, châu Âu, châu Phi và thậm chí xa hơn bằng việc xây dựng cảng, đường sắt, sân bay hay khu công nghiệp. Theo Bắc Kinh, chương trình này đã được hơn 150 quốc gia gia nhập cũng gây nhiều tranh cãi và thường xuyên bị quốc tế chỉ trích vì khoản nợ nguy hiểm mà nó áp đặt lên các nước nghèo.

Dự án có tên chính thức là “Sáng kiến Vành đai và Con đường”, bao gồm việc xây dựng các tuyến đường sắt cao tốc xuyên suốt Đông Nam Á và triển khai hệ thống giao thông, năng lượng và cơ sở hạ tầng quy mô lớn trên khắp Trung Á đồng thời phát triển một hệ thống kết nối giao thông đến khắp các vùng kinh tế trọng điểm của thế giới.

RFI tóm lược ý kiến phân tích của các chuyên gia Pháp xung quanh dự án "Con đường tơ lụa" của Trung Quốc được nhật báo La Croix đăng tải.

Bà Valérie Niquet, chuyên gia về Trung Quốc tại Quỹ Nghiên cứu Chiến lược Pháp nhận định:

Việc triển khai dự án “Con đường tơ lụa” quy mô toàn cầu này của Trung Quốc mang một mục tiêu kép. Trung Quốc muốn trở thành tác nhân không thể thay thế trên trường quốc tế, đồng thời cho mình là đối tác chủ chốt của nhiều quốc gia nhằm khẳng định sức mạnh ảnh hưởng của họ. Với công trình đầu tiên khởi công tại Kazakhstan vào năm 2013, dự án đầy tham vọng này ban đầu nhắm vào Trung Á nhằm cạnh tranh với ảnh hưởng lịch sử của Nga, sau đó dần dần mở rộng ra toàn thế giới.

Mục tiêu thứ hai là xuất khẩu năng lực xây dựng cơ sở hạ tầng của Trung Quốc trong khi thị trường nội địa đã bão hòa. Bắc Kinh cần mở rộng thị trường và tìm đầu ra cho hàng hóa của mình ở nước ngoài. Do đó, Trung Quốc muốn thể hiện hình ảnh một cường quốc thế giới và mang đến cho các công ty của mình những cơ hội làm ăn mới.

Trong nhiều năm qua, Trung Quốc đã thành công trong việc tạo được thương hiệu cho ảnh hưởng của mình qua cái tên “Con đường tơ lụa”, được thể hiện dưới nhiều hình thức: con đường Bắc Cực, con đường y tế, tuyến đường Thái Bình Dương. Trước hết đó là để gây ấn tượng hơn nữa về sức mạnh của Trung Quốc trong mắt thế giới.

Và nhiều quốc gia thuộc đang phát triển (Đông Nam Á, châu Phi, tiểu lục địa Ấn Độ hay châu Mỹ Latinh) đã hối hả nhảy vào cuộc tìm kiếm một đối tác kinh tế có thể cho họ vay tiền mà không áp đặt các điều kiện như tôn trọng nhân quyền, dân chủ hay thậm chí là khả năng tốt nền kinh tế của họ. Trên thực tế, nhiều dự án hấp dẫn và cần thiết đã được xây dựng, nhưng cũng có không ít các dự án khác lại hoàn toàn vô dụng.

Tất cả các thỏa thuận hợp tác đều được ký kết rất mù mờ. Kết quả hôm nay cho thấy mặt trái của tấm huy chương danh giá: thời điểm trả nợ đã đến, nhiều quốc gia không còn phương tiện và rơi vào bẫy nợ khổng lồ. Điều này đang bắt đầu làm tổn hại đến hình ảnh của “Con đường tơ lụa”. Trung Quốc được hoàn trả vốn đầu tư bằng cách tiếp quản quyền quản lý hoặc quyền sở hữu các cơ sở hạ tầng này như đường sá, bến cảng, sân vận động, các tuyến đường sắt ..v.v.

Bối cảnh kinh tế quốc tế đã thay đổi đáng kể trong những năm gần đây và Trung Quốc cũng đang phải gánh chịu những vấn đề kinh tế trong nước nghiêm trọng kể từ khi kết thúc Covid. Xây dựng, bất động sản, thanh niên thất nghiệp, đầu tư nước ngoài sụt giảm ồ ạt... Trung Quốc không còn có đủ phương tiện để tài trợ cho các dự án khổng lồ trên toàn thế giới và đang bắt đầu xem xét kỹ hơn các khoản đầu tư tốn kém và không mang lại lợi nhuận hoặc không được như dự kiến ban đầu.

Về vấn đề này, cũng phải nói thêm rằng những khó khăn tài chính của một số quốc gia đã khiến họ không còn quan thâm nhiều đến “Con đường tơ lụa” như thời ban đầu. Một số quốc gia cũng nhận ra rằng họ có nguy cơ bị phụ thuộc vào một quốc gia duy nhất, quốc gia đó có thể làm cho nền kinh tế của mình trở nên mong manh.  Đối với nhiều nước, những ảo tưởng với Trung Quốc đã hết. »

Trung Quốc đã không đạt được mục tiêu tại châu  Âu

Nhà kinh tế Christopher Dembik, cố vấn về chiến lược đầu tư tại văn phòng tư vấn Pictet AM tại Pháp phân tích:

Quyết định rút khỏi Con đường tơ lụa của Ý là một đòn mạnh đánh vào hình ảnh dự án Trung Quốc. Tuy nhiên, điều này không gọi nó vào câu hỏi. Nhưng đúng là ở châu Âu, tham vọng của Trung Quốc phải đối mặt với thái độ dè dặt ngày càng gia tăng trong những năm gần đây.

Ban đầu, các nước châu Âu tin rằng việc tăng cường quan hệ thương mại sẽ tránh được kịch bản đối đầu với Trung Quốc. Nước này đã cắm chân thành công ở vùng Balkan, Trung và Đông Âu thông qua đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông, hàng hải và công nghệ. Vì vậy, Trung Quốc đã trở thành một trong những đối tác thương mại chính của Serbia, cửa ngõ chiến lược vào châu Âu. Tại quốc gia này, Trung Quốc đã vượt qua Đức, quốc gia vốn có ảnh hưởng ở đó trong một thời gian dài. Trung Quốc biết cách tận dụng sự cạnh tranh giữa Serbia và Croatia để có được nhiều đầu tư.

Nhưng những quốc gia này, sau khi giang tay chào đón Trung Quốc  thì từ năm 2020 cũng đã tỏ ra kém hào hứng hơn. Tại Serbia, sự bất mãn ngày càng tăng trong người dân khi họ nhận ra rằng có một khoảng cách giữa lời hứa của Bắc Kinh và thực tế. Trung Quốc đã tuyên bố rằng đầu tư sẽ tạo ra của cải và thúc đẩy nền kinh tế. Trên thực tế, Bắc Kinh chủ yếu sử dụng các nhà thầu phụ Trung Quốc. Các chính trị gia và xã hội dân sự cũng hiểu rằng sự xuất hiện của người Trung Quốc trong cơ sở hạ tầng chiến lược là một rủi ro về vấn đề chủ quyền.

Trường hợp của Ba Lan cũng đặc biệt thú vị. Trung Quốc cung cấp tài chính nhưng không đi xa đến mức có thể thay thế Đức, một đối tác lịch sử của quốc gia này. Tuy nhiên, dưới áp lực của người Mỹ, Ba Lan vốn phụ thuộc vào Hoa Kỳ để phòng thủ sau đó đã chặn các đầu tư của Trung Quốc trong lĩnh vực mạng điện thoại 5G và hệ thống video giám sát. Một thất bại khác: Ở Cộng hòa Séc, các nỗ lực mua lại hệ thống tài chính ngân hàng nhanh chóng bị dừng lại.

Do đó, ở châu Âu, Trung Quốc đang không đi xa hơn được trong các mục tiêu của mình mà hơn thế nữa còn bị dừng lại ở Balkan và Đông Âu và không thể thâm nhập vào phần còn lại của lục địa. Vụ đầu tư vào cảng Pirée của Hy Lạp, đã từng là thắng lợi về thương mại của Trung Quốc nhưng không mang lại kết quả như mong đợi. Hiện tại, do căng thẳng với Bruxelles, sẽ rất phức tạp cho Bắc Kinh để tiến thêm. Nhưng điều này không làm suy yếu dự án trong tổng thể. Trên quy mô toàn cầu, chương trình này vẫn còn sôi động ở một số khu vực, điển hình là ở châu Phi: Trung Quốc tương đối tự do hoạt động do các cường quốc khác không muốn đầu tư vào đó.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.