Vào nội dung chính

Tòa án Tối cao Hồng Kông ra lệnh giải thể tập đoàn Trung Quốc Evergrande

Cổ phiếu của Evergrande đã mất 20% sáng 29/01/2024 ngay sau khi Tòa án Tối cao của đặc khu hành chính Hồng Kông ra lệnh thanh lý tập đoàn xây dựng khổng lồ của Trung Quốc, hiện bị nợ hơn 300 tỉ đô la. Tuy nhiên, Evergrande, có trụ sở chính tại Trung Quốc, khẳng định vẫn tiếp tục hoạt động.

Ảnh minh họa chụp  ngày 30/10/2023: Tòa án Tối cao Hồng Kông.
Ảnh minh họa chụp ngày 30/10/2023: Tòa án Tối cao Hồng Kông. AP - Vernon Yuen
Quảng cáo

Thông tín viên RFI Florence de Changy tại Hồng Kông tường trình :

Sáng 29/01 khi khai mạc phiên tòa mới ở Tòa án Tối cao Hồng Kông, thẩm phán Linda Chan tuyên bố : « Phiên tòa đã kéo dài 1 năm rưỡi và doanh nghiệp vẫn không thể trình một đề xuất cụ thể ». Bà nói thêm « Đã đến lúc Tòa phải nói là quá lắm rồi », đồng thời ra lệnh thanh lý tư pháp nhà thầu bất động sản khổng lồ, hoạt động ở 230 thành phố Trung Quốc với hơn 1.200 dự án bất động sản đang thi công. Trước đó, tập đoàn được gia hạn đến ngày 29/01 để trình bày kế hoạch tái cấu trúc.

Evergrande có trụ sở ở Thâm Quyến và niêm yết trên thị trường chứng khoán Hồng Kông. Nhà sáng lập Hứa Gia Ấn (Hui Ka Yan), từng là người giầu thứ hai Trung Quốc, đã bị bắt vào tháng 09/2023, cùng như nhiều lãnh đạo khác của tập đoàn.

Quyết định thanh lý Evergrande có nguy cơ gây ra nhiều rắc rối lớn, không chỉ đối với các ngân hàng Trung Quốc mà còn tác động đến vài triệu nhà đầu tư nhỏ đã chi cho những dự án chưa được xây hoặc chưa hoàn thiện. Vô số các nhà thầu phụ trong lĩnh vực này cũng có nguy cơ bị phá sản ».

Theo AFP, chiều 29/01, thẩm phán công bố chi tiết phán quyết và có thể chỉ định một nhà phụ trách thanh lý đối với Evergrande. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để phán quyết của một tòa án ở đặc khu hành chính có thể được áp dụng ở Hoa lục, nơi Evergrande đóng trụ sở và áp dụng luật khác.

Ban giám đốc Evergrande khẳng định quyết định của Tòa án Tối cao Hồng Kông sẽ không tác động đến hoạt động của họ tại Hoa lục. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc sẽ bị xói mòn. Từng là niềm tự hào của nền kinh tế Trung Quốc, Evergrande bắt đầu lao dốc năm 2021 khi lần đầu tiên thông báo mất khả năng thanh toán, tiếp theo là tuyên bố phá sản ở Mỹ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.