Vào nội dung chính
CHUYÊN MỤC TRÊN MẠNG

Miến Điện còn loạn, Thái Lan càng lo

Hơn ba năm nội chiến khiến khoảng 50.000 người thiệt mạng tại Miến Điện, trong đó có ít nhất 8.000 thường dân. Tập đoàn quân sự bị thu hẹp quyền lực khi chỉ kiểm soát được 1/2 lãnh thổ, không bảo đảm được an ninh, nạn tội phạm. Bất ổn gia tăng ở Miến Điện khiến các nước láng giềng lo ngại, đặc biệt là Thái Lan. Ngày 08/04/2024, thủ tướng Sretha Thasivin cho rằng đã đến lúc đàm phán với chính quyền Naypidaw vì tập đoàn quân sự « bị suy yếu ».

A camp for internally displaced people in Myanmar is seen across the Moei river from Mae Sot, Tak province Thailand Monday, March 25, 2024.
Một khu trại tị nạn ở Miến Điện, nhìn từ bên kia sông Moei phía Mae Sot ở tỉnh Tak của Thái Lan, ngày 25/03/2024. AP - Sakchai Lalit
Quảng cáo

Quân đội Miến Điện hiện chỉ kiểm soát được các thành phố lớn như Rangun, Mandalay, Naypyidaw. Thái Lan có 2.400 km biên giới với Miến Điện. Những bất ổn ở nước láng giềng gây rối loạn cho các dự án cơ sở hạ tầng và an ninh khu vực buộc chính phủ Thái Lan, lên nắm quyền từ tháng 08/2023, phải thay đổi chính sách với Naypiydaw.

Miến Điện bất ổn đến mức nào phải khiến Thái Lan lo lắng?

Thất bại gần đây của quân đội Miến Điện ở Kokang cho thấy chính các nhóm dân tộc có vũ trang, với sự hỗ trợ của Trung Quốc, đang trấn áp tình trạng tội phạm ở các vùng biên giới tại bang Shan miền bắc. Bangkok ngày càng lo lắng về việc tập đoàn quân sự Miến Điện không thể hoặc không muốn kiểm soát làn sóng di dân, tình trạng tội phạm, buôn lậu ma túy xuyên biên giới giữa hai nước.

Nạn lừa đảo viễn thông, vượt ngoài tầm kiểm soát của tập đoàn quân sự Miến Điện, liên tục được truyền thông Thái Lan đề cập từ đầu năm. Sau khi Trung Quốc và Cam Bốt thắt chặt luật pháp, các mạng lưới tội phạm tìm được miền đất hứa và nở rộ ở Miến Điện. Theo Liên Hợp Quốc, nạn lừa đảo viễn thông thu về hàng tỉ đô la mỗi năm. Nghiêm trọng hơn là rất nhiều người bị lừa bán vào những trung tâm này, trong đó có cả công dân Thái Lan. Ngày 17/01, thông tín viên RFI Carole Isoux tại Bangkok cho biết khoảng 500 người Thái làm việc trong những trung tâm như này được hồi hương, trong đó gần 200 người khẳng định là nạn nhân của mạng lưới buôn người.

Vấn nạn thứ hai là buôn bán ma túy. Theo Liên Hiệp Quốc, Miến Điện trở thành nhà sản xuất thuốc phiện lớn nhất thế giới năm 2023, vượt qua Afghanistan. Từ lâu, cây thuốc phiện nở rộ ở các vùng núi gần biên giới với Thái Lan và Lào, sau đó được các nhóm nổi dậy sắc tộc thiểu số và băng đảng tội phạm biến thành heroin trong khi lực lượng an ninh nhắm mắt làm ngơ cho hoạt động tội phạm mang lại hàng tỉ đô la. Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc được AFP trích dẫn ngày 14/03, Miến Điện sản xuất khoảng 1.080 tấn thuốc phiện trong năm 2023, so với 790 tấn năm 2022.

Kinh tế lao dốc sau cuộc đảo chính, nông nghiệp thất bát do chi phí gia tăng và vận tải ách tắc vì giao tranh nên người nông dân chuyển sang trồng cây anh túc, giúp họ có thu nhập. Thêm vào đó, người dân Miến Điện phải sơ tán vì xung đột tạo thành nguồn nhân lực dồi dào vì không còn công việc nào khác. Thu hoạch anh túc cũng nhiều hơn nhờ được đầu tư nhiều và cải thiện hệ thống tưới tiêu.

Các cuộc giao tranh kể từ khi tập đoàn quân sự đảo chính tháng 02/2021 đã buộc khoảng 2,8 triệu người phải sơ tán trong nước (chiếm gần 5% dân số Miến Điện), trong đó gần một triệu người sống ở biên giới với Thái Lan. Ngày 27/03, tướng Aung Min Hlaing thông báo muốn bắt buộc thời hạn nghĩa vụ quân sự ít nhất là hai năm đối với nam giới trong độ tuổi 18-35 và nữ giới từ 18-27. Điều này giải thích cho dòng người đằng đẵng trước đại sứ quán Thái Lan ở Rangun.

Thế nhưng, tại nước láng giềng đã có gần 3 triệu người Miến Điện sinh sống. Một dấu hiệu cho thấy Thái Lan lo lắng về làn sóng di dân Miến Điện là chính quyền Bangkok ban hành luật mới về nhập cư có hiệu lực từ ngày 01/01/2024, trong đó thắt chặt thủ tục xác định người xin tị nạn chính trị và giao cho cảnh sát phụ trách vấn đề này. Luật mới bảo đảm tiếp nhận, cấp chỗ ăn ở cho người tị nạn nhưng họ không được quyền làm việc. Trong khi đó, theo trang web của Hội Thừa Sai Paris, các hiệp hội nhân quyền lo ngại về định nghĩa giữa quy chế di dân kinh tế và tị nạn chính trị tại Thái Lan.

Tại sao và từ khi nào Thái Lan thay đổi thái độ đối với chính quyền Naypyidaw?

Chính phủ Thái Lan hiện nay muốn thay đổi hẳn cách tiếp cận về Miến Điện. Trang The Diplomat nhận thấy sự thay đối thái độ của chính phủ Thái Lan qua ba phương diện. Thứ nhất là thông qua những quyết định và phát biểu của các nhà lãnh đạo Thái Lan. Tháng 12/2023, thủ tướng Sretha Thasivin khẳng định quyết tâm đóng vai trò hàng đầu trong việc đối thoại với Tatmadaw. Ý định này được tái khẳng định trong buổi phỏng vấn với Reuters ngày 08/04 khi cho rằng tập đoàn quân sự Miến Điện « đang bị suy yếu » và đây là thời điểm để đàm phán với Naypyidaw.

Thứ hai, chính quyền Bangkok không ngừng nỗ lực đối thoại với các bên liên quan ở Miến Điện và các đối tác quốc tế, trong đó có Trung Quốc, Hoa Kỳ. Bên lề Diễn đàn Davos tháng 01/2024, thủ tướng và ngoại trưởng Thái Lan tuyên bố chính quyền Bangkok sẽ tìm cách phối hợp với ASEAN và các đối tác khác để thúc đẩy hòa bình trong vùng. Đến tháng 03, Quốc Hội Thái Lan đã tổ chức một buổi thảo luận về tình hình Miến Điện và mời nhiều nhà đối lập với tập đoàn quân sự tham gia.

Thứ ba, Thái Lan đã đóng vai trò lớn hơn trong việc hỗ trợ nhân đạo cho người tị nạn Miến Điện ở biên giới khi lập « một vùng an toàn nhân đạo » gần cửa khẩu Mae Sot (Thái Lan) - Myawaddy (Miến Điện). Được ASEAN ủng hộ, hội Chữ Thập Đỏ Thái Lan bắt đầu chuyển hàng cứu trợ cho hội Chữ Thập Đỏ Miến Điện từ ngày 25/03. Lô đầu tiên, được giao ở đồn biên phòng Mae Sot - Myawaddy, gồm hơn 4.000 túi hàng gồm gạo, thực phẩm khô và nhiều vật dụng cần thiết khác cho khoảng 20.000 người. Số hàng này được đưa đến ba khu vực thí điểm ở bang Kayin.

Thái Lan còn phải nỗ lực như thế nào?

Những nỗ lực hiện nay của Thái Lan là rất tích cực nhưng chưa đủ nếu thực sự muốn đối đầu với cuộc khủng hoảng trong khi người dân Miến Điện lại đang dồn sang biên giới Thái Lan sau khi Myawaddy - nằm trong hành lang nhân đạo - trở thành điểm giao tranh dữ dội giữa quân đội Miến Điện và các lực lượng nổi dậy.

Theo The Diplomat, chính quyền Bangkok cần phối hợp sâu sắc và trực tiếp hơn với các nước ASEAN, đặc biệt là với Indonesia, về khủng hoảng Miến Điện và vấn đề viện trợ nhân đạo vì có đến 12,9 triệu người Miến Điện (khoảng 25% dân số) bị thiếu lương thực trong năm 2024, theo thẩm định của Liên Hiệp Quốc.

Thái Lan có thể đạt được vai trò chiến lược trong vùng nếu điều phối thành công nỗ lực của ASEAN để đàm phán hòa bình cho nước láng giềng bởi vì ít có nước nào trong khu vực thông hiểu và được ưu ái tiếp xúc với Miến Điện như Thái Lan. « Nước được lợi nhất khi Miến Điện thống nhất, ổn định và thịnh vượng chính là Thái Lan ». Thủ tướng Sretha Thasivin đã không giấu mục tiêu của Thái Lan trong buổi phỏng vấn với Reuters ngày 08/04. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.