Vào nội dung chính
CHUYÊN MỤC TRÊN MẠNG

Kênh Funan Techo : Cam Bốt vuột khỏi Việt Nam, rơi vào tay Trung Quốc

Chính phủ Phom Penh chọn Trung Quốc để thực hiện dự án kênh Funan Techo trong năm 2024, dự kiến đi vào hoạt động năm 2028. Dự án này là một bước quan trọng để Cam Bốt khẳng định tự chủ về vận tải, giao thương đường thủy, phát triển nông nghiệp. Thế nhưng, đối với Hà Nội, dự án không chỉ tác động đến đồng bằng sông Mêkông mà còn làm giảm ảnh hưởng của Việt Nam đối với nước láng giềng, trong khi vai trò của Trung Quốc lại được nâng cao.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (T) và thủ tướng Cam Bốt Hun Manet (P) tại Cung Hòa Bình (Peace Palace), ở Phnom Penh, Cam Bốt, ngày 22/04/2024.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (T) và thủ tướng Cam Bốt Hun Manet (P) tại Cung Hòa Bình (Peace Palace), ở Phnom Penh, Cam Bốt, ngày 22/04/2024. © AP - Agence Kampuchea Press (AKP)
Quảng cáo

Cam Bốt bảo vệ lợi ích quốc gia

Tên gọi chính thức của dự án kênh Funan Techo là “Hệ thống Logistics và Điều hướng Tonle Bassac” được chính phủ Cam Bốt phê chuẩn ngày 19/05/2023. Theo trang VnExpress, kênh dự kiến dài 180 km, chảy qua 4 tỉnh gồm Kandal, Takeo, Kampot và Kep, nối từ Prek Takeo trên sông Mêkông đến Prek Ta Ek và Prek Ta Hing trên sông Bassac, sau đó đổ ra vịnh Thái Lan ở tây nam Cam Bốt. Tại thượng nguồn, kênh dự kiến có chiều rộng 100 mét và 80 mét ở hạ nguồn, sâu 5,4 mét, cho phép tàu hàng tải trọng toàn phần lên đến 3.000 tấn đi qua vào mùa khô, 5.000 tấn vào mùa mưa.

Việc xây dựng kênh ​​sẽ giảm đáng kể chi phí vận tải, giảm khoảng 16% tổng chi phí vận chuyển, theo số liệu được nhà nghiên cứu Yen Samnang nêu trên trang Modern Diplomacy ngày 24/04, cụ thể là giảm khoảng 170 đô la cho một container 20 feet và 223 đô la cho một container 40 feet. Hiệu quả chi phí này không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp mà còn cho người tiêu dùng, được hưởng giá phải chăng nhờ chi phí vận chuyển thấp hơn.

Đối với Cam Bốt, kênh Funan Techo bảo vệ lợi ích quốc gia trong khuôn khổ kế hoạch chỉ đạo logistic 2023-2033. Dự án sẽ giúp tăng cường khả năng kết nối thương mại và vận tải của Cam Bốt, giảm bớt phụ thuộc vào hải cảng nước ngoài, đặc biệt là Việt Nam. Song song đó, cảng Sihanoukville cũng đang được mở rộng giai đoạn một. Dự án do Nhật Bản tài trợ cũng sẽ giúp Cam Bốt hạn chế sử dụng cảng nước ngoài để xuất khẩu trực tiếp sang thị trường châu Âu hoặc Mỹ.

Việt Nam để vuột Cam Bốt ?

Quyết tâm nâng cao tự chủ được thủ tướng Hun Manet khẳng định rằng kênh Funan Techo giúp Cam Bốt “tự thở bằng chính mũi của mình”. Tuy nhiên, phát biểu này cũng được một số nhà quan sát hiểu theo nghĩa Cam Bốt muốn thoát khỏi thế bị Việt Nam “o ép”. Từ lâu, Cam Bốt đã quan ngại về việc phụ thuộc vào các cảng biển của Việt Nam, theo nhận định trên trang Fulcrum ngày 23/04 của nghiên cứu sinh Chansambath Bong, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc Phòng, Đại học Quốc gia Úc (ANU) và là nhà nghiên cứu tại Asian Vision Institute (AVI) ở Phnom Penh.

Năm 1956, chính phủ Việt Nam Cộng Hòa dùng cảng Sài Gòn để gây sức ép đối với thế trung lập của Cam Bốt và buộc nhà lãnh đạo lúc đó là Norodom Sihanouk đề nghị Pháp hỗ trợ xây cảng Sihanoukville, hoàn thành năm 1959. Một ví dụ khác về thời điểm Cam Bốt chưa thể “tự thở” là Việt Nam phong tỏa lưu thông hàng hải của Cam Bốt năm 1994. Ngoài ra, giữa hai nước láng giềng luôn xảy ra căng thẳng, đặc biệt là cuộc khủng hoảng chính trị nội bộ Cam Bốt năm 1997, tiếp theo là tình trạng người Việt nhập cư bất hợp pháp và những cáo buộc Việt Nam chiếm đất ở biên giới.

Nếu kênh Funan Techo đi vào hoạt động, Việt Nam sẽ mất thu nhập từ tầu thuyền đi đến Cam Bốt. Chính quyền Phnom Penh sẽ chuyển dần một phần lớn xuất khẩu khỏi cảng Cái Mép - Thị Vải (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), hiện là nơi trung chuyển của hàng hóa Cam Bốt để đến các tuyến hàng hải quốc tế. Chính sự phụ thuộc này khiến Cam Bốt bị lép vế, thập chí là “lệ thuộc”.

Việt Nam lo Trung Quốc gia tăng hiện diện ở phía tây nam

Cam Bốt dang tay với Trung Quốc một phần là do những căng thẳng với Việt Nam. Một số nhà quan sát cho rằng Phnom Penh muốn “thoát” Hà Nội nhưng lại “rơi” vào tay Bắc Kinh. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Chansambath Bong lưu ý, trái với Việt Nam, Cam Bốt không coi Trung Quốc là một thách thức nhãn tiền cho an ninh của nước này.

Vấn đề khiến Việt Nam cũng như Mỹ quan ngại là dự án kênh Funan Techo nằm trong khuôn khổ Sáng kiến Vành Đai và Con Đường của Trung Quốc. Bắc Kinh tài trợ dự án có trị giá 1,7 tỉ đô la, gồm 3 đập đường thủy, 11 cầu và 208 km đường hai bên. Tổng công ty Cầu đường Trung Quốc (CRBC) thực hiện theo hình thức xây dựng - vận hành - chuyển giao.

Ngoài ra, một số nhà quan sát nêu khả năng kênh Funan Techo có thể giúp Trung Quốc gia tăng hiện diện quân sự ở Cam Bốt. Lo ngại này không phải là không có cơ sở vì từ năm 2022, Trung Quốc đã “hất cẳng” Mỹ, giúp Cam Bốt nâng cấp căn cứ Hải Quân Ream ở tỉnh Sihanoukville ở miền nam, nhìn ra vịnh Thái Lan. Ngày 06/06/2022, báo chí Mỹ tiết lộ khả năng Bắc Kinh sẽ được Phnom Penh cho “độc quyền” sử dụng một phần căn cứ. Ngày 18/04/2024, trung tâm Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) cho biết hai tầu hải quân Trung Quốc đã neo ở căn cứ hải quân Ream trong hơn 4 tháng. Đây là “dấu hiệu rõ ràng cho thấy đặc quyền tiếp cận của Trung Quốc” tới Ream.

Cam Bốt trấn an Việt Nam và Mỹ

Để trấn an Việt Nam, ngày 09/04, cựu thủ tướng Hun Sen, hiện là chủ tịch Thượng Viện Cam Bốt, khẳng định kênh Funan Techo chỉ nhằm mục đích kinh tế-xã hội và không nhằm tạo điều kiện cho tàu quân sự Trung Quốc đi vào sông Mêkông. Trên trang Facebook, ông viết : “Tại sao Cam Bốt lại đưa quân Trung Quốc vào đất nước mình, vi phạm Hiến Pháp ? Và tại sao Trung Quốc lại đưa quân sang Cam Bốt, điều này trái với nguyên tắc tôn trọng nền độc lập của Cam Bốt ?”

Nhà nghiên cứu Cam Bốt Chansambath Bong cũng cho rằng Phom Penh phải suy nghĩ rất kỹ trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào có thể lôi kéo lực lượng nước ngoài vào và lặp lại quá khứ tang thương. Sự hiện diện quân sự của Trung Quốc sẽ vi phạm điều 53 của Hiến Pháp Cam Bốt cấm mọi lực lượng nước ngoài đồn trú trên lãnh thổ. Điểm này giống với chính sách “Bốn Không” của Việt Nam. Ngoài ra, tháng 12/2021, Phnom Penh và Hà Nội đã đưa ra tuyên bố chung tái khẳng định cam kết vững chắc của cả hai nước trong việc ngăn chặn bất kỳ thế lực thù địch nào lợi dụng lãnh thổ để phá hoại an ninh của bên kia.

Trong chuyến thăm chính thức Hà Nội năm 2023, thủ tướng Hun Manet, lên thay cha là Hun Sen, đã trấn an đồng nhiệm Việt Nam Phạm Minh Chính rằng dự án “sẽ không ảnh hưởng đến hệ thống nước sông Mêkông”. Đồng bằng sông Cửu Long vốn đã bị tình trạng biến đối khí hậu tác động nghiêm trọng, gây hạn hán, xâm nhập mặn, có lẽ sẽ phải đối mặt thêm với khó khăn về nguồn nước ở thượng nguồn.

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, giảng viên chính Khoa Môi trường và Tài Nguyên, Đại học Cần Thơ, nhận định với VnExpress “kênh Funan Techo khi vận hành, miền Tây Việt Nam sẽ gia tăng tình trạng thiếu nước ngọt trong sinh hoạt, canh tác, sản xuất ; mặn xâm nhập sâu và nhiều hơn ; các hệ sinh thái sẽ bị đảo lộn”.

Đằng sau những lo lắng về tác động đến môi trường và hệ sinh thái ở đồng bằng sông Cửu Long là quan ngại về địa chính trị của Việt Nam và Hà Nội chưa sẵn sàng để mất lợi thế sớm như vậy. Việc xây dựng kênh Funan Techo cũng sẽ là bài trắc nghiệm đầu tiên về chính sách đối ngoại của thủ tướng Cam Bốt Hun Manet.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.