Vào nội dung chính
MÔI TRƯỜNG

Các nước hạ nguồn sông Mêkông chất vấn Trung Quốc

Tại hội nghị quốc tế do Ủy Ban Sông Mêkông tổ chức từ 02 đến 05/04/2010 ở Thái Lan, tác hại các đập thủy điện của Trung Quốc sẽ là đề tài tranh luận gay go nhất. Theo giới phân tích, đại diện Bắc Kinh sẽ phủ nhận mọi trách nhiệm của các đập thủy điện trên thượng nguồn trong việc làm giảm lưu lượng nước tại hạ nguồn tác hại đến đời sống của 60 triệu dân Thái Lan, Lào, Cam bốt và Việt Nam. Vấn đề là các nước này có đoàn kết với nhau để đối phó với Trung Quốc tại bàn hội nghị hay không ?

Nước sông Mêkông tại tỉnh Chiang Rai (Thái Lan) xuống thấp đến mức trẻ em có thể nô đùa dưới lòng một hồ nước bị cạn. Ảnh chụp ngày 11/3/2010.
Nước sông Mêkông tại tỉnh Chiang Rai (Thái Lan) xuống thấp đến mức trẻ em có thể nô đùa dưới lòng một hồ nước bị cạn. Ảnh chụp ngày 11/3/2010. REUTERS/Chaiwat Subprasom
Quảng cáo

Theo AFP, mực nước sông Mêkông tại Lào và miền Bắc Thái Lan xuống thấp nhất kể từ 50 năm qua. Thuyền bè gần như không thể đi lại được trong khi cư dân hai bên bờ con sông có tiếng là nhiều tôm cá này lo âu cho tương lai. Theo giới bảo vệ môi trường thì các đập thủy điện của Trung Quốc xây trên dòng Lạn Thương Giang, thượng nguồn của sông Mêkông là thủ phạm làm giảm lưu lượng tại hạ nguồn.

Hội nghị quốc tế do Ủy Ban Sông Mêkông tổ chức là dịp để bốn nước hạ nguồn gồm Thái Lan, Lào , Việt Nam và Cam Bốt đặt vấn đề với Trung Quốc với quy chế « đối tác đối thoại ». Theo giới bảo vệ môi trường tại Thái Lan thì chính 8 đập thủy điện của Trung Quốc xây trên thượng nguồn đã chận nước sông Mêkông.

Tuy nhiên chính quyền Trung Quốc phủ nhận mọi trách nhiệm. Một ngày trước khi hội nghị khai mạc, hôm 01/04, phát ngôn viên sứ quán Trung Quốc tại Thái Lan, tuyên bố là Trung Quốc không làm gì gây thiệt hại cho quyền lợi các nước khác. Nhân vật này còn cho rằng, các đập thủy điện trên thượng nguồn giúp điều hòa lưu lượng của dòng sông và phóng ngừa lụt lội.

Thứ trưởng bộ Thủy Lực Trung Quốc Lưu Ninh cũng tuyên bố là không thể quy trách nhiệm cho các đập thủy điện lấy bớt nước gây khô hạn. Ngay Ủy ban Sông Mêkông cũng tuyên bố là không có bằng chứng khoa học quy trách nhiệm cho đập thủy điện. Phát ngôn viên Damian Kean còn ngụ ý là có thể do tác động của biến đổi khí hậu.

Bản thân Trung Quốc cũng cho biết là đang bị hạn hán trầm trọng . Bốn tỉnh miền Nam từ Vân Nam đến Tứ Xuyên, từ Quý Châu đến Quảng Tây , 24 triệu nông dân và hơn 23 triệu hecta đất không có nước canh tác. Tình trạng này sẽ làm cho hạ lưu sông Mêkông trong đó có hai dòng sông Tiền và sông Hậu chảy ngang Việt Nam thiếu nước thêm vì chính quyền Trung Quốc đang chuyển nước từ sông Mêkông cung cấp cho nông dân của họ.

Theo chuyên gia Anond Snidvong , giám đốc trung tâm nghiên cứu môi trường Start, hội nghị thượng đỉnh tổ chức tại Hua Hin vào cuối tuần này là cơ hội để các nước thành viên trong Ủy ban Mêkông đòi Trung Quốc trợ giúp tài chính.Theo chuyên gia này, sẽ không có tranh chấp lộ liễu, nhưng trong phòng kín, cuộc tranh luận sẽ rất sôi động.

Tổng thư ký của Ủy Ban Sông Mêkông gần đây đã hoan nghênh quyết định của bắc Kinh chia sẻ thông tin về mực nước với các quốc gia lân cận. Tổng thư ký Jeremy Bird cho đây là « dấu hiệu thiện chí đối thoại » của Bắc Kinh. Tuy nhiên, tâm lý nghi ngờ Trung Quốc vẫn cao sau khi thứ trưởng Lưu Ninh tuyên bố tiếp tục xây thêm đập trên thượng nguồn.

Giới quan sát nhận định là bầu không khí chính trị trong quan hệ giữa Trung Quốc và các nước lân cận sẽ ảnh hưởng đến khả năng các bên tranh chấp tìm ra được giải pháp đồng thuận. Đó là chưa kể đến xung khắc chính trị giữa Thái Lan và Cam Bốt có thể làm hội nghị về nước sông Mêkông bị xáo trộn.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.