Vào nội dung chính
QUAN HỆ MỸ - NHẬT

Khoảng 100.000 người Nhật biểu tình chống căn cứ Mỹ tại Okinawa

Hôm 24/04/2010, khoảng 100 nghìn người đã biểu tình trên quần đảo Okinawa để phản đối sự hiện diện của căn cứ không quân Hoa Kỳ. Cuộc biểu tình diễn ra gần Kadena, căn cứ không quân quan trọng nhất của Mỹ tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Hơn ba mươi thị trưởng, trong đó có thống đốc Okinawa, Hirokazu Nakaima, tham gia vào cuộc biểu tình.

Dân Okinawa biểu tình ngày 25/04/2010 quanh khẩu hiệu "Dời căn cứ Futenma đi khỏi Okinawa và Nhật Bản"
Dân Okinawa biểu tình ngày 25/04/2010 quanh khẩu hiệu "Dời căn cứ Futenma đi khỏi Okinawa và Nhật Bản" REUTERS/Kyodo
Quảng cáo

Người dân trên hòn đảo này bực bội vì tiếng ồn, ô nhiễm và những phiền toái mà họ phải chịu đựng do sự hiện diện của các căn cứ quân sự Mỹ. Theo thỏa thuận 2006 ký kết giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản, căn cứ quân sự Futenma sẽ được di dời ra khỏi khu vực đông dân hiện nay đến vùng ven biển Henoko cũng thuộc đảo Okinawa. Tuy nhiên, người dân địa phương đã phản đối mạnh mẽ lại quyết định này. Theo chủ tịch các hợp tác xã đánh cá ở vùng này, việc đặt căn cứ quân sự mới tại đây sẽ gây thiệt hại cho nghề cá. Trong lúc đó, Washington vẫn muốn giữ nguyên kế hoạch ban đầu.

Thủ tướng cánh trung tả Yukio Hatoyama, từ khi nắm quyền vào tháng 9 năm ngoái đến nay, gặp rất nhiều khó khăn trong vấn đề nan giải này. Thủ tướng Nhật đã hứa vấn đề Futenma sẽ phải được giải quyết từ đây đến cuối tháng năm.

Hôm qua, trước cuộc biểu tình, tờ Washington Post nhận định chính phủ Nhật đã chấp nhận thoả thuận 2006. Tờ báo Mỹ trích dẫn một nguồn tin không xác định danh tính, cho biết ngoại trưởng Nhật đã chuyển cho đại sứ Mỹ tại Nhật một số đề nghị điều chỉnh dự án Futenma. Tuy nhiên chính phủ Nhật đã bác bỏ ngay điều này. Thủ tướng Nhật nói rằng chưa bao giờ chính phủ của ông chấp nhận thỏa thuận kể trên.

Là nước bại trận trong Thế chiến đệ nhị, thể theo Hiến pháp sau chiến tranh, được gọi là "Hiến pháp chủ hòa", Nhật Bản chấp nhận sự hiện diện của quân đội Mỹ trên lãnh thổ nước này để duy trì an ninh của đảo quốc.

Nhật xây dựng căn cứ quân sự tại vùng Vịnh Aden

Bên cạnh vấn đề căn cứ không quân của Mỹ tại Futenma, một vấn đề gây chú ý khác, đó là việc Nhật xây dựng căn cứ quân sự tại vùng Vịnh. Với lập luận là để hỗ trợ các chiến dịch chống hải tặc, hành động này có thể coi là đi ngược lại Hiến pháp Hòa bình của Nhật Bản. Sau đây là phân tích của thông tín viên Frédéric Charles từ Tokyo : 

« Chính phủ Nhật Bản tiến hành xây dựng căn cứ quân sự tại Djibouti một cách hết sức kín đáo. Họ không đưa ra bất cứ bình luận nào, đặc biệt, không muốn tạo cơ hội để mở ra bất cứ cuộc tranh luận nào về chủ đề này, vì hành động kể trên có thể đi ngược lại Hiến pháp Hòa bình, vốn không cho phép Nhật Bản phát triển sức mạnh quân sự.

Trên thực tế, hiện nay Nhật Bản tham gia vào cuộc chiến quốc tế chống lại nạn cướp biển tại vùng vịnh Aden, một trong các trục giao thông đường thủy tấp nập nhất thế giới. Theo một sĩ quan hải quân Nhật, 80% xuất khẩu của Nhật đi theo con đường này. Nhiều tàu của Nhật Bản đã bị cướp biển tấn công. Chính vì vậy, Tokyo đã quyết định thành lập căn cứ tại Djibouti.

Những lý do khác là, các cường quốc như Pháp, Mỹ, cũng đã có căn cứ tại Djibouti. Các cơ sở hạ tầng của cảng biển và sân bay ở đây rất tốt. Nhật Bản triển khai nhiều máy bay tuần tra dọc theo bờ biển Somalia và vùng eo biển. Quân đội Nhật có 150 binh sĩ thường trực tại vùng biển Somalia.

Nhật đã quyết định chọn Djibouti làm căn cứ sau khi điều tra một loạt các địa điểm trong vùng, như Yemen, Oman và Kenya. Chính phủ Nhật Bản trả cho Cộng hòa Djibouti tiền thuê 12 hecta đất. Việc xây dựng căn cứ này sẽ kết thúc vào đầu năm 2011 với số tiền là 40 triệu đô la. »

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.