Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - TRIỀU TIÊN

Trung Quốc bị áp lực ngày càng nặng trong vụ chìm tàu Hàn Quốc

Trung Quốc sẽ không bảo vệ những kẻ đã gây ra vụ đắm tàu Hàn Quốc. Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã tuyên bố như trên khi gặp tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak tại Seoul hôm qua. Seoul đang gia tăng áp lực lên Bắc Kinh, và trước tình hình ngày càng căng thẳng giữa hai nước Triều Tiên, Bắc Kinh khó mà né tránh trách nhiệm của mình đối với đồng minh Bình Nhưỡng.

Thủ tướng Ôn Gia Bảo tại hội nghị Jeju, Hàn Quốc ngày 29/5/2010.
Thủ tướng Ôn Gia Bảo tại hội nghị Jeju, Hàn Quốc ngày 29/5/2010. Ảnh: Reuters
Quảng cáo

Trung Quốc sẽ không bảo vệ những kẻ đã gây ra vụ đắm tàu Hàn Quốc. Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã tuyên bố như trên khi gặp tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak tại Seoul hôm qua 28/5. Theo phát ngôn viên phủ tổng thống Hàn Quốc, ông Ôn Gia Bảo còn nói thêm là chính phủ Trung Quốc sẽ lấy một lập trường « đúng đắn » sau khi xem xét một cách « khách quan và công bằng » kết quả điều tra quốc tế về vụ Bắc Triều Tiên bị tố cáo bắn thủy lôi làm chìm chiến hạm Cheonan ngày 26/3 khiến 46 thủy thủy Hàn Quốc thiệt mạng.

Seoul đang gia tăng áp lực để Bắc Kinh, đồng minh thân cận nhất của Bình Nhưỡng, ủng hộ, hay ít ra là không phủ quyết, những biện pháp trừng phạt mới của Hội đồng Bảo an đối với Bắc Triều Tiên. Hôm nay, nhân hội nghị thượng đỉnh Jeju, Hàn Quốc sẽ lại gây áp lực lên Trung Quốc theo hướng này. Phát ngôn viên của tổng thống Lee Myung Bak hôm nay đã nói rằng trong cuộc họp thượng đỉnh cuối tuần này, Hàn Quốc « sẽ dồn mọi nỗ lực ngoại giao trên việc buộc Bắc Triều Tiên nhận trách nhiệm » về vụ chìm tàu. Trước cuộc họp thượng đỉnh ba bên, thủ tướng Nhật Hatoyma đã tuyên bố ủng hộ Hàn Quốc và hứa là Tokyo sẽ « đóng vai trò hàng đầu » trong việc vận động quốc tế ủng hộ Seoul tại Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc.

Khác với nhiều nước, Trung Quốc đã không công khai lên án Bắc Triều Tiên về vụ bắn chìm tàu Hàn Quốc và cũng chưa công nhận kết quả điều tra của quốc tế về vụ này. Trong khi đó, Nga vừa thông báo sẽ gởi một êkíp đến Hàn Quốc xem xét các bằng chứng do các nhà điều tra quốc tế thu thập. Các giới chức Hàn Quốc tin rằng Matxcơva sẽ chấp nhận các kết quả điều tra. Nếu như vậy thì Trung Quốc bây giờ là thành viên thường trực duy nhất trong Hội đồng Bảo an còn đặt nghi vấn về kết quả điều tra quốc tế.

Nhưng trước tình hình ngày càng căng thẳng giữa hai nước Triều Tiên, Bắc Kinh khó mà né tránh trách nhiệm của mình đối với đồng minh Bình Nhưỡng. Những tuyên bố hôm qua của thủ tướng Ôn Gia Bảo tuy vẫn còn mang tính chất chung chung, nhưng cũng đã cho thấy sự thay đổi đáng kể trong lập trường của Trung Quốc đối với Bắc Triều Tiên. Về phần Hàn Quốc, theo lời Ngoại trưởng Yu Myung Hwan, cũng cần phải tỏ ra thận trọng với Trung Quốc trên vấn đề này, tức là thúc ép Bắc Kinh nhìn nhận trách nhiệm của Bắc Triều Tiên trong vụ bắn chìm tàu, nhưng tránh không làm tổn thương « quan hệ rất tốt » giữa hai nước. Nên nhớ rằng Trung Quốc hiện là đối tác thương mại quan trọng nhất, là nguồn đầu tư chủ yếu và là địa điểm du lịch hàng đầu của Hàn Quốc.

Hiện giờ, theo lời một giáo sư về bang giao quốc tế tại trường Đại học Bắc Kinh trả lời RFI hôm nay, Trung Quốc vẫn còn đang chờ xem. Theo vị giáo sư này, nếu tác giả vụ bắn chìm tàu Hàn Quốc là một cá nhân hay một tổ chức của Bắc Triều Tiên, Bắc Kinh sẽ yêu cầu Bình Nhưỡng trừng trị cá nhân hay tổ chức đó. Còn nếu đúng là chính phủ Bắc Triều Tiên đã gây ra vụ chìm tàu và đặc biệt nếu đây là một hành động cố tình, Trung Quốc sẽ ủng hộ cộng đồng quốc tế trừng phạt Bình Nhưỡng.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.