Vào nội dung chính
CAM BỐT - MẠI DÂM

Mại dâm trá hình làm nguy cơ SIDA lại gia tăng ở Cam Bốt

Cam Bốt vốn là một điển hình thành công trong nỗ lực phòng chống SIDA, với tỉ lệ nhiễm bệnh từ 2% giảm xuống còn 0,7% trong thập niên qua. Tuy nhiên, nạn mại dâm "ngoài luồng" đang có nguy cơ làm bệnh dịch thế kỷ này gia tăng trở lại. 

Gái mại dâm đang chờ khách trong một công viên ở Phnom Penh, ngày 20/7/2010.
Gái mại dâm đang chờ khách trong một công viên ở Phnom Penh, ngày 20/7/2010. Reuters
Quảng cáo

Thông tín viên Phạm Phan từ Phnom Penh phân tích:

Nguy cơ SIDA tái phát

"Sau những cố gắng tích cực của chính quyền và sự hỗ trợ của quốc tế, dịch bệnh SIDA thâm nhập vào Cam Bốt từ bên ngoài, đặc biệt từ Thái Lan, trong thời gian qua có phần suy giảm nhiều. Vào năm 1998 tỷ lệ nhiễm bệnh trong giới trung niên là trên 2%, đến năm 2009 giảm xuống còn 0,7%. Nếu cứ theo chiều hướng như thế này, Cam Bốt sẽ đạt được yêu cầu của các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ vào năm 2015 trong công tác ngăn chận bệnh SIDA lây lan.

Vào năm 1996, tỷ lệ lây nhiễm bệnh SIDA trong giới nữ hoạt động mại dâm tăng trên 40%. Mười năm sau, con số này rơi xuống còn 14% theo các dữ kiện điều tra của cơ quan chuyên môn quốc gia hồi năm 2009.

Nhân đây chúng tôi thấy cần lược sơ lại cơn dịch bệnh đã làm chấn động và gây thiệt hại cho xã hội Cam Bốt.

Từ sau năm 1993, khi Thái Lan đã bùng phát mạnh bệnh SIDA thì tại Cam Bốt, đặc biệt ở Phnom Penh, SIDA bắt đầu được nghe nói nhiều đến. Sau đó nó hoành hành dữ dội, rồi phá hủy cuộc sống ấm êm của nhiều gia đình. Có gia đình mất chồng, có gia đình chết luôn hai vợ chồng vì chồng đi chơi mang bệnh và khi về nhà lại truyền bệnh qua cho vợ, để lại các con bơ vơ.

Riêng trong cộng đồng người Việt, theo chỗ chúng tôi quen biết, có hai anh em làm nghề thợ sơn xe hơi đều mang bệnh và chết rất sớm khi mới ở tuổi 30. Có cặp vợ chồng trẻ, chồng vướng bệnh nặng phải chạy về VN tìm thuốc trị nhưng rồi vô vọng quay trở lại Phnom Penh nằm chờ chết, may mắn người vợ trẻ tuy bị lây nhiễm nhưng thoát chết và tiếp tục sống nuôi hai con nhỏ ,nhưng trong cơ thể cho đến nay vẫn chưa trị dứt mầm bệnh. Dĩ nhiên đây chỉ là vài trường hợp nhỏ nhoi được nêu lên ở đây.

Mại dâm trá hình làm tăng rủi ro lây nhiễm

Có nhiều lời chỉ trích cho rằng các cuộc tấn công bố ráp bắt gái mại dâm hay ngăn chận tệ nạn mua bán phụ nữ đã làm cho nguy cơ gia tăng bệnh SIDA trở lại, vì nhiều cô gái bán dâm bị buộc phải tìm cách hành nghề lén lút. Vì thế Cam Bốt khó đạt được yêu cầu đã đề ra trong chiến dịch kiềm chế sự lây lan bệnh SIDA.

Theo Tea Phauly, một cố vấn của Chương trình Phòng chống SIDA của LHQ tại Cam Bốt, càng có nhiều cuộc bố ráp lại càng có nhiều phụ nữ né tránh, biến mất và đi bán dâm trá hình bằng nhiều hình thức. Điều này khiến gây khó khăn cho giới chức hữu quan khi đi tìm hiểu, ghi nhận hay hỏi thăm những nạn nhân mắc bệnh.

Các dữ kiện của chính quyền trưng ra cho thấy, giới nữ hành nghề mại dâm trong các nhà chứa thường sử dụng bao cao su khi ngủ với khách, trong khi đó các cô gái hoạt động bán dâm ngoài luồng lại ít sử dụng bao cao su hơn vì phải làm vui lòng khách.

Từ năm 2008 khi chính quyền tỏ ra cương quyết mạnh tay trong chiến dịch bài trừ nạn buôn người và thanh toán các ổ chứa gái chuyên nghiệp, bộ mặt thủ đô Phnom Penh và một số địa phương có khởi sắc. Các nhà chứa không còn hoạt động công khai, ồn ào như trước đây. Tuy nhiên lại sinh ra chuyện bệnh SIDA có điều kiện bùng phát trở lại. Hiện nay, ở Phnom Penh mọc lên nhiều nhà đấm bóp với giá chỉ có 5.000 riel một giờ, nhiều cô gái trẻ hành nghề tại đây từ dưới quê lên kiếm việc, hoặc mới thất nghiệp do hãng may mặc đóng cửa, hay tránh né các cuộc bố ráp của cảnh sát nhắm vào các nhà chứa gái chuyên nghiệp hoạt động lâu nay. Không ai bảo đảm các cô gái trong những nhà đấm bóp sẽ không bán dâm với khách để kiếm tiền độ nhật.

Song song bên đó là những quán nhậu, quán hát karaoke, quán bán bia… những cô gái trẻ phục vụ tại đây có thể vừa trốn ra khỏi nhà chứa vì bị cảnh sát bố ráp. Việc đi hành nghề mại dâm tại những chỗ ăn chơi trá hình như thế này khiến các tổ chức xã hội không theo dõi hay thống kê được tình trạng phụ nữ bán dâm và họ có sử dụng bao cao su khi hành nghề hay không.

Có cầu nên mới có cung. Thành phần nam giới trẻ hay trung niên có chút đỉnh tiền lại thường vào quán bia, karaoke vào chiều tối để giải trí, thư giãn. Đây là nguồn thu hút mạnh khiến nhiều cô gái tìm đến chốn ăn chơi trá hình để mưu sinh, bất kể nguy hiểm đang chực chờ vì khách đòi hỏi họ phải bỏ bao cao su khi quan hệ tình dục.

Chưa có chương trình giúp đỡ gái mại dâm chuyển nghề

Thật ra khi chính quyền với sự giúp đỡ của những cơ quan y tế chuyên môn của LHQ tiến hành hoạt động bài trừ vấn nạn buôn bán phụ nữ đều không muốn bị phản tác dụng. Tuy nhiên trong thực tế xã hội tại đây, phần lớn do sinh kế, con người ta bị cuốn theo cuộc sống hàng ngày không thể suy nghĩ xa hơn được. Nếu chính quyền ra lệnh đóng cửa nhà chứa không cho hành nghề bán dâm thì đồng lúc phải có những chương trình xã hội như hướng nghiệp, trợ cấp xã hội… để những cô gái đang hành nghề mại dâm có cơ hội và điều kiện chuyển đổi cuộc sống họ. Hiện nay chính quyền chỉ làm một mặt, đó là bố ráp và đóng cửa chứ không có chương trình giúp đỡ họ tìm con đường sống khác.

Ông Bith Kimhong, Giám đốc Văn phòng Chống buôn người trả lời với báo chí rằng, cơ quan ông cho đóng cửa các hộp đêm liên hệ đến kinh doanh tình dục, để chấm dứt điều được nhiều người vẫn nói Cam Bốt là địa điểm du lịch sex. Dù ông biết rằng việc làm như thế sẽ dẫn đến hậu quả có nhiều người thất nghiệp, nhưng không thể tránh được điều này. Ưu tiên hàng đầu hiện nay theo ông Kimhong là sự an toàn và an ninh cho quốc gia.

Hiện tại các cơ quan chuyên môn trong lĩnh vực phòng chống SIDA đang có chương trình hướng dẫn phụ nữ hành nghề bán bia ôm, trong quán karaoke biết gìn giữ không để lây bệnh, bằng cách chủ động dùng bao cao su".

06:59

Thông tín viên Phạm Phan - Phnom Penh

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.