Vào nội dung chính
NOBEL HÒA BÌNH 2010

Nobel Hòa Bình sẽ được trao cho một nhà ly khai Trung Quốc ?

Hôm nay là ngày khởi đầu cho tuần lễ giải Nobel 2010 và từ nhiều tháng qua, giới truyền thông quốc tế đã nêu ra một câu hỏi rất thú vị : Liệu nhà ly khai Trung Quốc nổi tiếng Lưu Hiểu Ba có được giải Nobel Hòa Bình năm nay hay không ? 

Vợ nhà ly khai Lưu Hiểu Ba giơ tấm hình chồng trong một cuộc phỏng vấn tại Bắc Kinh hôm 3/10/2010
Vợ nhà ly khai Lưu Hiểu Ba giơ tấm hình chồng trong một cuộc phỏng vấn tại Bắc Kinh hôm 3/10/2010 Ảnh:REUTERS/Petar Kujundzic
Quảng cáo

Năm ngoái, Ủy ban Nobel đã gây trấn động công luận qua việc trao giải Nobel Hòa Bình cho tổng thống Mỹ, Barack Obama, người vừa nhậm chức chưa đầy chín tháng và phải đối mặt với hai cuộc chiến tranh ở Afghanistan và Irak. Chính vì vậy, một số nhà quan sát không loại trừ khả năng năm nay, Ủy ban Nobel lại gây bất ngờ nếu quyết định trao giải thưởng cho ông Lưu Hiểu Ba, hiện đang bị cầm tù tại Trung Quốc.

Ông Asle Sveen, chuyên nghiên cứu lịch sử Nobel, được AFP trích dẫn, nhận định, «nếu Ủy ban Nobel dũng cảm và tôi nghĩ Ủy ban sẽ có thái độ như vậy, thì Ủy ban nên trao giải thưởng cho nhà đối lập Lưu Hiểu Ba », vì « đã từ rất lâu, mọi người nói đến việc trao giải này cho các nhà ly khai Trung Quốc ».

Nếu điều này xẩy ra, thì chắc chắn chính quyền Bắc Kinh sẽ rất tức giận. Thư ký Ủy ban Nobel Geir Lundestad cho biết là ngay từ hồi tháng sáu vừa qua, nhân chuyến công du Na Uy, một nhà ngoại giao cao cấp Trung Quốc đã gặp đại diện Ủy ban Nobel và tuyên bố rằng việc trao giải thưởng cho một nhà ly khai là « một hành động không hữu nghị, có thể gây ra những hậu quả tiêu cực cho quan hệ giữa Na Uy và Trung Quốc ». Về phần mình, ông Lundestad nói rằng Ủy ban Nobel là một tổ chức độc lập và không chịu áp lực khi ra các quyết định.

Nhà ly khai Lưu Hiểu Ba, năm nay 54 tuổi. Trong phiên tòa ngày 25 tháng 12 năm ngoái, ông đã bị tư pháp Trung Quốc kết án 11 năm tù với tội danh hoạt động lật đổ chính quyền Nhà nước. Ông là một trong số đồng tác giả bản Hiến chương 08, kêu gọi dân chủ hóa tại Trung Quốc.

Theo AP, ông Lưu Hiểu Ba đã được một số nhân vật đoạt giải Nobel Hòa Bình đề cử, như lãnh đạo tinh thần Tây Tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma, cựu tổng thống cộng hòa Séc và cũng là đồng tác giả Hiến chương 77, Vaclav Havel, mục sư Desmond Tutu. Bên cạnh đó, giới nghiên cứu, giảng dạy đại học ở trong và ngoài Trung Quốc cũng phát động một chiến dịch ký tên ủng hộ ông Lưu Hiểu Ba.

Có một thực tế là ông Lưu Hiểu Ba không nổi tiếng trong phong trào đấu tranh vì dân chủ tại Trung Quốc, thậm chí có người còn cho rằng không nên so sánh ông Lưu với nhà lãnh đạo Nam Phi Nelson Mandela. Thế nhưng, nhà ly khai Lưu Hiểu Ba lại được công luận bên ngoài biết đến nhiều hơn. Giáo sư Andrew Nathan, thuộc đại học Columbia, New York cho biết là giới trí thức và sinh viên Trung Quốc ở nước ngoài kính trọng ông Lưu Hiểu Ba và việc trao giải Nobel cho ông nên nhìn nhận như là một hành động hữu nghị với Trung Quốc.

Nhà sử học Asle Sveen lập luận rằng việc chọn ông Lưu Hiểu Ba sẽ được lòng người tại phương Tây và đồng thời làm quên đi một thực tế là ông Obama, người được trao giải năm ngoái, đã không đáp ứng được các mong đợi.

Trong khi đó, vợ ông Lưu Hiểu Ba cho biết là hai vợ chồng bà không bao giờ tưởng tượng nổi là ông Lưu sẽ được trao giải. Bà cay đắng nói : « Tôi luôn luôn có thể dự báo trước được những điều xấu sẽ xảy ra nhưng tôi lại hoàn toàn không bao giờ có thể nghĩ được rằng những điều tốt đẹp sẽ trở thành hiện thực ».

Năm nay, Ủy ban Nobel chắc chắn vất vả lựa chọn và cân nhắc trong việc trao giải bởi vì có tới 237 ứng viên cho giải Nobel Hòa Bình. Vào thứ sáu tới, 08/10, giải Nobel Hòa Bình sẽ được công bố.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.