Vào nội dung chính
MÊKÔNG - MÔI TRƯỜNG

Ủy ban Sông Mêkông cảnh báo về tác hại của đập thủy điện

Các quốc gia ở hạ nguồn sông Mêkông nên đình hoãn các dự án xây dựng đập thủy trong vòng 10 năm. Lời kêu gọi trên đây đã được Ủy hội Sông Mêkông MRC đưa ra ngày 15/10/2010 vừa qua nhân dịp công bố bản Đánh giá Môi trường Chiến lược của Thủy điện trên dòng chảy chính của sông Mêkông.

Quảng cáo

Đối với Uỷ hội Sông Mêkông, 10 năm là thời gian tối thiểu cần có để nghiên cứu kỹ lưỡng ảnh hưởng của các con đập này đối với hệ sinh thái và cư dân sinh sống dọc theo con sông, trước khi tiến hành xây các đập thủy điện. Lý do là vì các nghiên cứu sơ bộ đã cho thấy, các công trình này có thể tạo ra nhiều nguy cơ đối với hệ sinh thái trong khu vực do các công trình thủy điện gây ra.

Là một cơ quan có tính chất tham vấn liên chính phủ bao gồm bốn nước hạ nguồn là Việt Nam, Cam Bốt, Lào và Thái Lan, MRC đã cho tiến hành công trình nghiên cứu trong bối cảnh các nước Cam Bốt, Lào và Thái Lan có ý định muốn xây dựng 12 con đập trên dòng chảy chính của sông Mêkông để khai thác tiềm năng thủy điện được cho là rất to lớn.

Kết luận của bản báo cáo rất rõ ràng : Nếu cả 12 con đập dự trù được hoàn thành, điều đó chắc chắn sẽ mang lợi ích về điện năng cho các nước trong vùng. Nhưng nguồn lợi này sẽ không được chia sẻ đồng đều. Nếu Lào là quốc gia được hưởng đến 70 % mối lợi nhờ có thêm thủy điện và không phải chi phí cho nhiệt điện, thì ba nước còn lại không được hưởng bao nhiêu : Thái Lan và Cam Bốt được chừng 11-12%, trong lúc Việt Nam được ít nhất, chỉ khoảng 5% mà thôi.

Thế nhưng, điều đáng nói là tác hại về môi trường. Bản báo cáo cho rằng các con đập có thể gây hại đến các loài cá nước ngọt và có thể gây mất ổn định về an ninh lương thực trong một khu vực có hàng triệu cư dân sống nhờ nông và ngư nghiệp. Liên quan đến tổn hại đối với loài cá nước ngọt, Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới WWF từng cảnh báo là nhiều loài cá trên sông Mêkông có nguy cơ tuyệt chủng nếu các dự án đập thủy điện được tiến hành. Nguyên nhân là các đập nước này sẽ ngăn dòng chảy và làm mất điều kiện sinh sản của loài cá nước ngọt lớn nhất thế giới này.

Báo cáo của MRC nêu bật : Nếu toàn bộ các con đập được xây dựng, thiệt hại cho ngành ngư nghiệp có thể lên đến 476 triệu đô la mỗi năm, riêng cho các hoạt đông đánh bắt trên sông. Còn thiệt hại cho ngành ngư nghiệp ở những vùng châu thổ và ven biển, tức là tại Việt Nam thì chắc chắn sẽ đáng kể, cho dù đến nay chưa có nghiên cứu chính xác về vấn đề này.

Trong lãnh vực nông nghiệp cũng vậy, Ủy hội Sông Mêkông báo động là 54% các khu vườn dọc theo hai bên bờ con sông sẽ bị mất đi. Kết hợp với do việc mất đất trồng trọt để dành chỗ cho các hồ chứa nước và các đường truyền tải điện, thì các thiệt hại lên đến 25,1 triệu đô la mỗi năm.

Nhìn dưới góc độ sinh thái, báo cáo của MRC lo ngại rằng các con đập nằm trên dòng chảy chính của sông Mêkông có thể gây ra những tổn hại môi trường không phục hồi được, làm mất tính toàn bộ của hệ sinh thái trên con sông này. Trong thời gian qua, các tổ chức bảo vệ môi trường luôn phản đối việc xây đập trên sông Mêkông vì cho rằng điều này sẽ gây thiệt hại cho các hệ sinh thái.

Tóm lại, như bà Tiffany Hacker, người phụ trách báo chí của Ủy hội Sông Mêkông đã nhấn mạnh “Việc các nước hoãn xây dựng đập thủy điện trong 10 năm là điều cần thiết hiện nay”.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.