Vào nội dung chính
CAM BỐT

Dư luận lo ngại tác hại của đập thủy điện trên sông Mekong

Sau một thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng, tháng qua,  Ủy ban sông Mêkông đã đưa ra báo cáo về môi trường sôgn Mêkông, trong đó cảnh báo về những tác động nguy hại về việc các quốc gia vùng hạ lưu xây các đập thủy điện. Nhân hội nghĩ cấp cao các nước Tiểu vùng gồm Cam Bốt , Lào, Miến Điện đang nhóm họp tại Phnom Pênh và sẽ bàn đến vấn đề liên quan đến phát triển xung quanh khu vực hạ lưu sông MeKong, thông tính viên Phạm Phan tại Phnom Pênh cho biết thêm thông tin:

Mực nước sông Mêkông xuống thấp kỷ lục ảnh hưởng đến hàng triệu người dân sống bằng nghề chài lưới
Mực nước sông Mêkông xuống thấp kỷ lục ảnh hưởng đến hàng triệu người dân sống bằng nghề chài lưới
Quảng cáo

 

Theo nhận định của các chuyên gia đúc kết trong báo cáo (của Ủy ban sông Mekong) thì Cam Bốt là quốc gia chịu tổn thất nặng nề về sản lượng cá. Tài liệu viết: hơn một triệu người dân sống tùy thuộc vào cá và ngư trường cũng thiệt hại rất nhiều ngay cả sẽ mất đi nguồn sống hàng ngày do tác động của đập thủy điện gây nên một khi nó được hoàn thành. Các dữ kiện trong báo cáo còn cho công luận biết thêm rằng: Cam Bốt rất khó khăn khi đi tìm các nguồn chất đạm khác thay thế cho cá do vì phải mất đi 300.000 tấn cá mỗi năm.

Eric Baran, nhà khoa học nghiên cứu lâu năm về cá tại Trung Tâm Cá Thế Giới có văn phòng tại Phnom Penh, ông cũng là chuyên gia tư vấn chủ chốt về sự lượng định môi trường đã đưa ra nhận định như sau: Sự tổn thất về lượng cá là nghiêm trọng cho nhiều gia đình sống lệ thuộc vào con cá và giòng sông, và còn có thể tạo ra nguy hại cho chương trình an ninh thực phẩm của cả quốc gia bởi vì hơn 50% chất đạm tiêu thụ tại Cam Bốt có nguồn gốc từ con cá sinh sống trong giòng sông Mekong.

Các dự án xây đập trên sống Mekong của Cam Bốt

Hiện tại có 12 dự án xây đập thủy điện ở vùng hạ lưu sông Mekong nằm ở 3 nước Thái - Lào và Cam Bốt. Riêng ở Cam Bốt, chính quyền đang bàn bạc có thể tiến hành thực hiện xây dựng hai đập thủy điện, một là đập Sambor thuộc huyện Sambor tỉnh Kratie (người Việt tại đây gọi là Cần Ché), hai là đập Stung Treng thuộc địa phận tỉnh Stung Treng ở Đông Bắc sát Nam Lào.

Do có thể gây nên các hiểm họa trong tương lai nên nhiều chuyên gia về môi trường đã đề nghị với các quốc gia thuộc khu vực hạ nguồn Mekong nên trì hoãn trong thời hạn 10 năm bất cứ quyết định nào liên hệ đến dự án xây dựng đập để có thời gian nghiên cứu thêm ảnh hưởng đến môi trường sống.

Khi đến Hà Nội cuối tháng 10/2010 trong tư cách khách mời của Diễn Đàn Đông Á, Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton đồng ý với các các khuyến cáo trong tài liệu nghiên cứu về ảnh hưởng của đập và bà nói nên tạm ngưng xây dựng để có thời giờ khảo sát thêm cho chắn chắc.

Tuy nhiên nhiều người vận động tích cực bảo vệ môi trường sông Mekong phát biểu là chương trình xây bất kỳ con đập nào trên giòng sông Mekong đều ngầm chứa sự phá hủy các nỗ lực của khu vực trong chương trình giảm bớt nghèo khó và nạn thiếu ăn, đặc biệt Cam Bốt sẽ hao tốn chi phí đáng sợ khi phải tìm kiếm nguồn cung cấp chất đạm chính yếu khác cho xã hội.

Bà Ame Trandem, người vận động cho sông Mekong thuộc tổ chức "Các Con Sông Quốc Tế" kêu gọi toàn khu vực tạm ngưng xây dựng các đập thủy điện, bởi vì các công trình này sẽ làm thay đổi giòng chảy tự nhiên và là bức tường ngăn chận tuyến đường di thực của nhiều loài cá quan trọng đang sinh sống. Bà Ame Trandem còn cho biết cố gắng thay thế nguồn đạm kiếm được từ cá bằng các nguồn dinh dưỡng khác là việc làm hết sức tốn kém và phức tạp. Cạnh đó khi xây dựng đập có thể tạo ra một số lợi nhuận nhất định nhưng tiếc thay nó lại khống đến tay dân nghèo.

Ông Alan Brooks, Giám đốc văn phòng "Trung Tâm Cá Thế Giới" ở Phnom Penh nói các sáng kiến đưa ra nhằm giảm bớt tác động tiêu cực gây ra từ các đập thủy điện sẽ đòi hỏi vốn đầu tư rất nhiều. Ngay cả nếu sự cung cấp cá được gia tăng bằng cách nhập cảng với giá rẽ hay bằng các phương cách khác thì người nghèo từ trước đến nay sống tùy thuộc vào cá và giòng Mekong cũng không hưởng được lợi ích.

Châu thổ Mekong là một vùng nước vừa có môi trường thiên nhiên tươi đẹp vừa có nguồn cung cấp cá và thủy sản dồi dào lại rẽ, nay nếu xây dựng đập thủy điện tương tự như hành động hủy diệt nhiều loài cá và buộc dân cư phải chọn một sinh kế khác mà họ không thích, không quen như làm ruộng, chăn nuôi gia cầm.

 Phản ứng của chính quyền Cam Bốt 

Ông Nao Thouk, Giám đốc Tổng cục Ngư nghiệp nói cơ quan ông đã nghiêm chỉnh đón nhận bản báo cáo của Ủy Ban Sông Mekong và chính quyền cũng đã cho thành lập nhóm nghiên cứu tất cả ảnh hưởng do các đập gây nên một khi tiến hành xây dựng. Ông cũng nói chính quyền đã tổ chức một hội nghị thảo luận về tác động của dự án đập thủy điện.

Ông Chea Narun, Trưởng văn phòng Hoạch định Thủy điện thuộc Bộ Năng lượng, Quặng mỏ và Kỹ nghệ cho biết chính quyền cố gắng làm giảm xuống thấp nhất có thể được các tác động xấu của đập thủy điện, tuy nhiên ông không nói cụ thể là biện pháp giảm như thế nào để không gây xáo trộn và tạo khó khăn cho cuộc sống dân cư.

Phản ứng của các tổ chức xã hội dân sự

Chhith Sam Ath, Giám đốc diễn đàn phi chính phủ ở Cam Bốt nói rất khó để kiếm phương tiện sinh sống khác cho dân miền quê bởi vì đa số họ không được đến trường lớp để có hiểu biết căn bản. Bên cạnh đó, nói đến Mekong là phải nói đến Biển Hồ, một hồ nước ngọt nổi tiếng tại Đông Nam Á. Và nói đến sông nước tại xứ Chùa tháp thì phải kể đến cuộc sống của hàng trăm ngàn cư dân Việt trôi nổi trên sông nước Mekong.

Cũng như nhiều người Khmer bản xứ khác, người Việt sinh sống dọc theo sông Mekong đều lấy con cá, giòng nước làm phương tiện sinh sống chính yếu. Người Việt đánh bắt cá thiên nhiên cũng có, rồi có sáng kiến dùng tre nứa làm bè nuôi cá trên sông, hay lợi dụng lượng nước dồi dào tuôn vào đồng, đồng bào lại đào ao nuôi cá bán hoặc gây dựng nhiều giống cá thịt ngon cung cấp cho thị trường địa phương, thứ nữa là làm cá khô, cá sấy, nước mắm…

Đời sống năng động như thế đã hình thành nên sinh hoạt Làng nổi gây chú ý và tạo nhiều thích thú cho du khách bốn phương. Tất cả những hình ảnh tiêu biểu cho lối sống truyền thống lâu đời này sẽ bị mất dần đi nếu trên giòng Mekong mọc lên nhiều đập thủy điện. Thực tế nó đang bị tổn hại không ít từ các đập thượng nguồn do Trung Quốc xây dựng.

06:29

Thông tín viên Phạm Phan -Phnom Pênh

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.