Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC

Dân chủ và các giá trị Tây phương : Bắc Kinh dị ứng

Dù Trung Quốc đã làm mọi cách để ngăn cản lễ trao giải Nobel Hòa bình 2010 cho nhà ly khai Lưu Hiểu Ba, thế nhưng, hôm qua, ngày 10/12, lễ trao giải chính thức vẫn diễn ra tại Oslo, thủ đô Na Uy. Đa số các tờ báo Pháp hôm nay đều tập trung phân tích sự kiện này.

Trung Quốc bưng bít thông tin về Nobel. Hồng Kông biểu tình đòi thả các nhà ly khai (REUTERS)
Trung Quốc bưng bít thông tin về Nobel. Hồng Kông biểu tình đòi thả các nhà ly khai (REUTERS)
Quảng cáo

Liberation có bài viết đáng chú ý với tựa đề « Trung Quốc dị ứng với dân chủ và các giá trị phương Tây ». Bài viết phân tích sự giận dữ bất thường của nước này, một sự giận dữ chưa từng thấy kể từ sau sự kiện Thiên An Môn 1989.

Một nhà xã luận đã nêu quan điểm trên phương tiện truyền thông chính thức của nhà Nước rằng, « Một vài người tưởng mình có sứ mạng khiến cả thế giới phải theo các giá trị phương Tây. Các nước phương Tây không dám dùng bạo lực với Trung Quốc như đã từng làm ở Afghanistan và Irak, vì thế họ đành thực hiện phương án 2 là ủng hộ những người mà theo họ là đại diện cho những giá trị của họ ».

Trong khi đó, Tân Hoa Xã dẫn lời một chuyên gia cho rằng, trường hợp Lưu Hiểu Ba là một hiểm họa cho Trung Quốc, vì nếu người dân nghe theo đề nghị của họ Lưu, đất nước chắc chắn sẽ chìm trong chiến tranh loạn lạc. Theo Liberation, lập luận này không chính xác, bởi đại đa số người Trung Qu ốc không hề biết Lưu Hiểu Ba là ai, lại càng không biết cái gì gọi là "bản hiến chương 08". Thế thì tại sao chính phủ lại mất nhiều công sức tuyên truyền chống lại ông Lưu trong khi ông này chỉ là một giảng viên triết học bình thường, một nhà văn ngẫu hứng. Hơn nữa, chỉ một lượng nhỏ giới trí thức biết cách lách sự kiểm duyệt Internet của chính quyền để tiếp cận những bài viết trên mạng của ông ?

Giải đáp cho câu hỏi này, tác giả nhận định, 9 ủy viên bộ chính trị Trung Quốc chắn chắn tán thành mạnh mẽ lý thuyết cho rằng có âm mưu chống lại nước họ. Khẩu hiệu của họ là « ổn định » và « hòa hợp ». Trật tự xã hội hiện tại rất có lợi cho quyền lực tuyệt đối của họ, vì thế, bất cứ bất cứ hành vi nào có nguy cơ ảnh hưởng đến thực trạng này cũng làm họ lo ngại. Từ đó, Bắc Kinh đã chi những khoản tiền khổng lồ để kiểm duyệt và « bóp chết từ trong trứng nước » mọi sự phản kháng hay bất mãn.

Tác giả nhắc lại việt trước kia ông Đặng Tiểu Bình ra lệnh tiến hành vụ đàn áp phong trào dân chủ tại Thiên An Môn. Ông này đã thiết lập một đường lối bất di bất dịch cho Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Đường lối đó là « cải cách kinh tế chứ không cải cách chính trị ». Bản hiến chương 08 của Lưu Hiểu Ba được tung lên mạng và đã thu thập được hơn 10 000 chữ ký. Vì thế Bắc Kinh lo ngại đây sẽ là « một tia lửa có thể thiêu rụi cả khu rừng ».

Chia sẻ quan điểm này, Le Figaro cho biết, Lưu Hiểu Ba kêu gọi phải cải tổ chính trị mới có thể xây dựng nhà nước pháp quyền. Lập luận này gây lo ngại cho chính phủ vì nó diễn ra lúc người dân đang ngày càng bất mãn trước những bất công của xã hội. Giới lãnh đạo Trung Quốc chỉ muốn phô trương với thế giới hình ảnh một đất nước Trung Quốc với Thế vận hội Bắc Kinh, với Hội chợ Triển lãm toàn cầu Thượng Hải 2010, thế nhưng lịch sử sẽ ghi nhận lại hình ảnh một đất nước Trung Quốc với chiếc ghế trống ở lễ trao giải Nobel Hòa bình tại Oslo.

Những mối nghi ngờ về hạt nhân của Miến Điện

Báo Le Figaro cho biết Miến Điện nước này có thể đang bí mật xây dựng một cơ sở hạt nhân quân sự với sự giúp đỡ của Bắc Triều Tiên. Theo tài liệu do Wikileaks tiết lộ, từ năm 2000, Hoa Kỳ đã nghi ngờ Miến Điện bí mật xây dựng một cơ sở hạt nhân quân sự với sự hỗ trợ và hợp tác của Bình Nhưỡng. Cơ sở này dài 152 m, được xây dưới lòng đất bằng bê tông cốt thép.

Tháng 6 vừa rồi, kênh truyền hình của người Miến Điện lưu vong tại Na Uy đã dẫn nhiều bằng chứng về sự tồn tại của cơ sở hạt nhân này. Hình ảnh vệ tinh cũng cho thấy sự hiện diện một nhà máy hạt nhân tọa lạc gần thủ đô Naypyidaw. Ông Robert Kelley, cựu giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế khẳng định, chắc chắn nước này đang lao vào một chương trình hạt nhân bí mật. Rồi vừa qua, báo cáo của Liên Hiệp Quốc cũng cho biết Bình Nhưỡng đã xuất khẩu thiết bị hạt nhân và tên lửa đạn đạo cho nhiều nước, trong đó có Miến Điện. Tiết lộ trên của Wikileaks càng củng cố thêm tính chính xác của những nghi ngại này.

Le Figaro nhận định, giống như « người anh » Bắc Triều Tiên của mình, Miến Điện là một quốc gia Châu Á bị cô lập, được điều hành bởi một chế độ quân phiệt, là bạn thân của Trung Quốc và Pakistan. Trong tương lai, nước này có thể trở thành cường quốc mạnh nhất vùng Nam Á nhờ vào vũ khí nguyên tử.

Hội nghị Cancun : thành công nửa vời 

Đúng như dự đoán của nhiều người, Hội nghị Cancun đã không thành công trọn vẹn bởi tồn tại nhiều bất đồng giữa các quốc gia. Một trong những vấn đề gai góc, gây chia rẽ nhiều nhất là việc tìm giải pháp chống nạn phá rừng. Le Monde phân tích sự việc này với nhận định « Rừng nhiệt đới, miền đất hứa của thị trường carbone ».

Rừng được xem là những « giếng carbone » bởi nó tíc1h trữ 50% lượng carbone trên Trái đất. Ở vùng nhiệt đới, một hecta rừng có thể tích trữ 350 tấn carbone. Vì thế, các quốc gia tập trung vào chủ đề hạn chế khí thải carbone bằng biện pháp chống phá rừng.

Theo cơ chế phát triển sạch hiện tại, những nước giàu tài trợ các hoạt động giảm thải khí carbone cho các nước nghèo, đổi lại họ được hưởng những khoản tín dụng gọi là tín dụng carbone. Nhiều tập đoàn đã lao vào thị trường này để đánh bóng hình ảnh của mình. Hiện tại, đã có khoảng 434 chương trình đầu tư như vậy trên thế giới.

Cuộc chạy đua tìm tín dụng carbone có nguy cơ làm hại đến phong trào chống nạn phá rừng, bởi vì các nước sẽ không phá rừng ở nước mình, mà nhập gổ từ nước khác. Theo một nghiên cứu gần đây, Việt Nam đã có nhiều tiến bộ trong việc mở rộng diện tích rừng. Thế nhưng, 50% trong những tiến bộ này có được là do nước này nhập gỗ từ các nước lân cận, những nước không coi trọng việc bảo vệ rừng. Le Monde cảnh báo nếu không có giải pháp kịp thời, thì những người « săn tín dụng carbone » sẽ có tương lai tươi sáng.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.