Vào nội dung chính
HÀN QUỐC

5 hải tặc Somalia sắp bị đưa về Hàn Quốc xét xử

Từ nơi tạm giữ ở Oman, châu Phi, 5 hải tặc Somalia bị biệt kích Hàn Quốc bắt sống hồi thứ sáu tuần trước sẽ bị áp giải về tới thành phố Busan bằng phi cơ vào ngày mai. Seoul chuẩn bị truy tố họ ra trước tòa án Hàn Quốc về tội cướp tàu. Năm người Somalia này có thể bị kết án tù chung thân.

Hải tặc Somalia đang bị tạm giam, chờ ngày ra toà (Reuters)
Hải tặc Somalia đang bị tạm giam, chờ ngày ra toà (Reuters)
Quảng cáo

Theo hãng tin Yonghap và đài truyền hình YTN, toán hải tặc bị bắt trong vụ cướp tàu chở hóa chất của Hàn Quốc sẽ bị đưa về Hàn Quốc trên một chuyến bay đặc biệt. Chuyến bay này sẽ đáp xuống phi trường Gim Hae, gần thành phố cảng Busan ở phía nam Hàn Quốc.

Một phát ngôn viên hải quân Hàn Quốc cho hãng tin AFP biêt thêm chi tiết là toán cướp biển này sẽ bị giam tại Tổng hành dinh vùng Nam Duyên hải của Hàn Quốc nơi 50 nhà điều tra đang chờ để thẩm vấn họ. Do tình trạng hải tặc lộng hành trong vùng vịnh Aden mà quốc tế chưa có một cơ chế luật pháp trừng phạt, hầu hết hải tặc bị bắt đều được trả tự do sau đó. Quốc gia Somalia nơi xuất phát các tàu cướp biển cũng đang ở trong tình trạng vô pháp luật.

Theo luật Hàn Quốc, các hải tặc này có thể bị kêu án chung thân hoặc tử hình nếu tội bắn vào thuyền trưởng được xác định. Khi biệt kích Hàn Quốc giải cứu tàu Samho Jewelry hồi tuần trước, hải tặc đã bắn vào thuyền trưởng Seok Hae-Kyun ba lần gây thương tích trầm trọng. Ông đang được điều trị tại Oman. Nếu thuyền trưởng qua đời thì toán hải tặc khó thể tránh khỏi bản án tử hình.

Theo một viên chức hải quân Hàn Quốc, thì cuộc giải cứu thành công mỹ mãn là nhờ công nghệ cao cấp. Chiến hạm truy đuổi hải tặc được trang bị hệ thống nhiễu sóng tối tân làm cho toán hải tặc và tàu mẹ không liên lạc được với nhau. Do vậy hải tặc không hay biết gì khi 15 biệt kích Hàn Quốc từ trực thăng nhảy xuống tàu bị cướp. Các cấp chỉ huy từ Hàn Quốc có thể theo dõi trực tiếp diễn tiến cuộc đột kích trong vịnh Aden qua hệ thống ống kính thu hình cực nhỏ gắn trên nón sắt và trên súng của mỗi người lính biệt kích.

Cuộc đột kích vào ban đêm hoàn tất trước khi mặt trời mọc, giải cứu toàn bộ 21 thủy thủ, bắn chết 8 hải tặc và bắt sống 5 người. Thành công này làm lên tinh thần quân đội Hàn Quốc đang bị công luận chỉ trích gay gắt vì phản ứng bị xem là rụt rè trong vụ pháo kích của Bắc Triều Tiên hồi tháng 11 năm ngoái.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.