Vào nội dung chính
LÀO - MÔI TRƯỜNG - THỦY ĐIỆN

Lào vẫn muốn xây đập thủy điện Xayaburi trên dòng chính Mêkông

Bất chấp lo ngại của Việt Nam về việc Lào muốn xây dựng đập thủy điện Xayaburi trên dòng chính sông Mêkông, vừa qua, chính quyền Viên Chăn đã chuyển một bức thư giải thích tới các chuyên gia của Ủy hội sông Mêkông. Theo báo trên mạng Inter Press Service – IPS, trong bức thư, chính phủ Lào khẳng định là đập thủy điện Xayaburi sẽ không gây tác động đáng kể đối với dòng chính sông Mêkông.

Vị trí dự định xây đập Xayaburi
Vị trí dự định xây đập Xayaburi INTERNATIONAL RIVERS
Quảng cáo

Đập Xayaburi, với công suất 1260 megawatt, là dự án đầu tiên trong kế hoạch xây dựng 11 đập thủy điện dọc theo sông Mêkông. Đập thuộc địa phận tỉnh Xayaburi, ở phía bắc Lào, có chiều cao 32 mét, dài 820 mét. Tổng mức đầu tư lên tới 3,5 tỷ đô la và sẽ do một đối tác Thái Lan thực hiện. Chính quyền Bangkok hy vọng sẽ mua tới 95% sản lượng điện của đập này.

Nằm ở hạ nguồn Mêkông, Việt Nam không chấp nhận dự án này và cảnh báo thảm họa về môi trường.

Báo chí Việt Nam nhấn mạnh, đập thủy điện Xayaburi sẽ làm giảm khối luợng nước, hạ thấp mực nước dòng chính và làm cạn kiệt nguồn thủy sản. Xayaburi. Trong một cuộc gặp với các chuyên gia của Ủy hội Sông Mêkông, ông Nguyễn Thái Lai, thứ trưởng bộ Tài nguyên & Môi trường Việt Nam cảnh báo, nếu được xây dựng, đập Xayaburi của Lào sẽ tác hại nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản của Việt Nam.

Theo bà Ngụy Thị Khanh, phó giám đốc Trung tâm bảo tồn và phát triển tài nguyên nước, những chỉ trích đối với dự án phản ánh mối lo ngại của công luận và chính phủ Việt Nam. Các nhà khoa học Việt Nam cũng cho rằng cần phải dừng việc xây đập. Việt Nam không thể tiếp tục im lặng đối với dự án này.

Theo giới quan sát, bất đồng giữa Việt Nam và Lào về dự án này có thể đe dọa mối quan hệ song phương đặc biệt, đi ngược lại tinh thần hiệp định hữu nghị và hợp tác Việt-Lào, được ký kết năm 1977.

Cuối tháng ba này, chuyên gia của bốn nước, Cam Bốt, Lào, Thái Lan và Việt Nam sẽ gặp nhau để thảo luận về dự án đập thủy điện Xayaburi.

Dự án được coi là bài toán trắc nghiệm về ngoại giao môi trường đối với bốn quốc gia ở hạ nguồn, đồng thời là thành viên Ủy hội Sông Mêkông.

Ông Jeremy Bird, thuộc ban điều hành Ủy hội nói với báo Inter Press Service rằng đây là lần đầu tiên các nước tiến hành tham khảo ý kiến của nhau trước khi xây đập thủy điện. Theo chuyên gia này, không một quốc gia thành viên nào được quyền phủ quyết một dự án ở một nước láng giềng, nhưng cũng không một nước nào có thể tiến hành xây dựng đập mà không cần tham khảo các nước liên quan.

Đại diện phong trào « Hướng tới việc phục hồi môi trường và Liên minh khu vực » - TERRA nhận định rằng dự án đập thủy điện Xayaburi không có được sự ủng hộ mạnh mẽ bởi vì chính quyền Lào không công bố những thẩm định, đánh giá về tác động đối với môi trường của con đập. Viên Chăn coi đây là tài liệu mật.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.