Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - MÔI TRƯỜNG

Trung Quốc : Đập Tam Hiệp xả nước chống hạn

Kể từ thứ Sáu tuần trước, đập Tam Hiệp đã xả hàng trăm ngàn mét khối nước về phía vùng hạ lưu sông Dương Tử, theo lệnh chính phủ. Đây là lần thứ hai, đập thủy điện lớn nhất thế giới đã phải xả nước khẩn cấp trong vòng 5 năm qua, nhằm chống lại nạn hạn hán ở miền trung Trung Quốc, được đánh giá là thuộc loại khắc nghiệt nhất từ nửa thế kỷ nay.

Một người đánh cá cố dùng thuyền di chuyển trên những lạch nước đang cạn dần, nơi vốn là hồ Hồng (Honghu), tỉnh Hồ Bắc, 20/5/2011.
Một người đánh cá cố dùng thuyền di chuyển trên những lạch nước đang cạn dần, nơi vốn là hồ Hồng (Honghu), tỉnh Hồ Bắc, 20/5/2011. REUTERS/Stringer
Quảng cáo

Tại một số khu vực ở An Huy, Giang Tô, Hồ Bắc, Hồ Nam, Giang Tây, Chiết Giang, và tại thành phố Thượng Hải, lượng mưa dưới mức bình thường đến 80%. Mực nước của hơn 1.300 hồ nước ở Hồ Bắc xuống quá thấp, không thể cung ứng nước cho nông nghiệp.

Nạn hạn hán tại miền trung Trung Quốc đang đe dọa vụ mùa, có nguy cơ làm tăng lạm phát, đặc biệt là đối với giá lương thực thực phẩm vốn đang tăng cao. Bên cạnh đó, còn làm nguồn điện thêm thiếu thốn, vì thủy điện là nguồn cung ứng điện thứ hai sau than đá. Từ hồi tháng Ba, đã phải cúp điện luân phiên tại nhiều tỉnh như Quảng Đông, Giang Tô, Chiết Giang.

Từ Bắc Kinh, thông tín viên RFI, Stéphane Lagarde tường trình :

"Đập Tam Hiệp há hốc cả miệng để xả nước. Kể từ thứ Tư cho đến ngày 10/6 tới, lưu lượng nước từ cống xả năm tầng của đập thủy điện lớn nhất thế giới sẽ tăng lên 12.000 mét khối mỗi giây. Nhà chức trách khẳng định số lượng này đủ để lấp đầy hai triệu hồ bơi thế vận. Đã đến lúc rồi !

Dòng sông dài nhất Trung Quốc cũng là một trong những kênh tưới nước chủ yếu. Thế nhưng từ đầu năm nay, lượng nước mưa mà sông Dương Tử nhận được đã giảm đến 40% so với mức trung bình quan sát được trong cùng thời kỳ, trong vòng 50 năm qua. Việc trồng trọt, chăn nuôi, cũng như cuộc sống thường ngày của dân chúng đều bị ảnh hưởng. Gần 4,5 triệu người tại miền trung Trung Quốc không còn có được nước sạch để uống.

Hạn hán đã biến hồ Bà Dương (Poyang) thành một chiếc khăn lau nhà bẩn thỉu. Hồ chứa nước ngọt lớn nhất nước chỉ còn có 1 phần 10 diện tích, theo các chuyên gia ở Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc. Tờ China Daily cho biết, đến lượt loài cá heo trên sông Dương Tử đang bị đe dọa. Để tưới cho ruộng đồng, nông dân đã lấy nước từ sông bơm vào, và cá heo không còn đủ nước để vùng vẫy. May mắn là các nhà dự báo thời tiết đã loan báo từ ngày mai, sẽ có mưa trở lại."

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.