Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC

Vợ của Giải Nobel Hòa bình lại không có hòa bình

Tại Trung Quốc, nhiều nhân vật có tiếng tăm đã ký một bản kiến nghị kêu gọi trả tự do cho ông Lưu Hiểu Ba, giải Nobel Hòa bình năm 2010. Cũng trong lúc này, vợ của ông cũng đang phải hứng chịu cảnh quản thúc tại gia. Liên quan đến chủ đề này, báo Libération có bài đề tựa hóm hỉnh « Tại Trung Quốc, không có hòa bình cho vợ của giải Nobel Hòa bình ».

Bà Lưu Hà, vợ của ông Lưu Hiểu Ba, giải Nobel Hòa bình 2010 (REUTERS)
Bà Lưu Hà, vợ của ông Lưu Hiểu Ba, giải Nobel Hòa bình 2010 (REUTERS)
Quảng cáo

Nhật báo Libération cho biết, vào hôm thứ năm 06/12/2012 vừa qua, sau khi đã thành công qua mắt được sự giám sát của các viên công an canh giữ tòa nhà, hai nữ ký giả của hãng Associated Press đã tiếp xúc được với bà Lưu Hà, vợ của ông Lưu Hiểu Ba, giải Nobel Hòa bình năm 2010, bị quản thúc tại gia kể từ cuối năm 2010.

Ngay khi nhìn thấy hai nữ nhà báo, bà Lưu Hà tuôn trào nước mắt, luôn miệng hỏi làm cách nào mà họ có thể vào được tòa nhà. Theo tâm sự của bà với hai cô ký giả, mặc dù đã chuẩn bị tinh thần cho hậu quả của việc được trao giải Nobel, nhưng bà chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ bị cấm cửa, không được ra khỏi nhà.

Libération nhắc lại là ông Lưu Hi ểu Ba bị kết án 11 năm tù vào năm 2009 vì tội đã ký vào bản « Hiến chương 08 », một bản kiến nghị kêu gọi tôn trọng Hiến pháp Trung Quốc. Là một họa sĩ, nhà thơ và là nhiếp ảnh gia, bà đã bị cách ly hoàn toàn với thế giới bên ngoài.

Không điện thoại, không Internet, và bà chỉ được phép đi thăm chồng dưới sự tháp tùng của các viên công an. Thậm chí, bà Lưu Hà cũng không được hé một lời nào cho chồng biết về gia cảnh hiện tại của bà. Hôm qua, sau khi phát hiện ra sai sót của khoảng 40 viên công an tại chỗ, chính quyền đã tăng cường thêm nhân viên an ninh .

Theo Libération, cũng trong ngày thứ năm, tiếp nối lời kêu gọi trả tự do cho Lưu Hiểu Ba của 134 giải Nobel Hòa bình trên toàn thế giới đưa ra hôm thứ ba, 04/12/2012, khoảng 40 nhân vật nổi tiếng của Trung Qu ốc đã ký một bản kiến nghị đề nghị ông Tập Cận Bình trả tự do cho Lưu Hiểu Ba, cũng như các tù nhân khác bị giam giữ dưới tội danh chính trị hay tôn giáo.

Báo Libération lấy làm tiếc rằng ông Mạc Ngôn, Giải Nobel Văn học năm 2012 đã không tham gia ký bản kiến nghị. Thậm chí, khi đến Stockholm nhận giải hôm thứ năm rồi, ông cũng đã từ chối bày tỏ chính kiến về truờng hợp Lưu Hiểu Ba.

Libération thêm rằng, với tư cách là đảng viên và là quan chức cao cấp của Hội nhà văn Trung Qu ốc, ông Mạc Ngôn tuyên bố ủng hộ sự kiểm duyệt và cho là rất cần thiết.

Mỹ và Phương Tây thận trọng trước khủng hoảng Ai Cập

Tình hình bất ổn tại Ai Cập là chủ đề chính trên các trang báo Pháp cuối tuần. Trang nhất báo Libération chạy tựa « Ai Cập chống Ai Cập ». Bất chấp bài diễn văn của tổng thống Mohamed Morsi trên đài truyền hình hôm 06/12/2012 vừa qua, hàng ngàn người dân Ai Cập đã tụ tập trước dinh tổng thống vào ngày hôm qua 07/12/2012, lên án vị tổng thống Hồi giáo đầu tiên « lại nhấn chìm đất nước trong sự độc tài ».

Bài xã luận của tờ báo bình luận rằng dường như có « hai đất nước Ai Cập đang cùng tồn tại, một Ai Cập của Facebook và một của các thánh đường Hồi giáo, một Ai Cập của các phụ nữ tự do và một cho luật charia ». Tuy nhiên, Libération vẫn giữ vững niềm tin khi cho rằng « Cho đến hiện tại, hai mặt đối kháng đó cũng tồn tại chung được với nhau, dù có những khó khăn, những xung đột, nhưng vẫn tránh được một cuộc nội chiến ».

Còn theo nhận định của tờ Le Parisien – Aujourd’hui en France « cơn thịnh nộ của những người chống Morsi » phản ảnh cảm giác bị phản bội của những người tham gia phong trào cách mạng « Mùa xuân Ả rập » trước đây, góp phần làm sụp đổ chế độ độc tài Hosni Moubarak. Họ e sợ sẽ lại phát sinh một chế độ độc tài và mang đậm tính tôn giáo của vị tổng thống Hồi giáo Morsi. Tờ báo cảnh báo rằng, sau buổi cầu nguyện hôm qua, những người ủng hộ phe Hồi giáo Huynh đệ « đã lên tiếng » và căng thẳng đã « lên đến cao trào ».

Nghiêm trọng hơn, báo Le Figaro cảnh báo « Bạo động lại lan ra tại Ai Cập ». Tờ báo tự hỏi liệu « dưới chiêu bài ‘ổn định’, phương Tây từ lâu hay ủng hộ các chế độ mà giờ đây họ cho là độc tài. Liệu giờ đây họ có đến củng cố cho phe Hồi giáo cực đoan hay để rồi ‘mọi thứ thay đổi, nhưng thật ra chẳng có gì đổi thay? »
Le Figaro nhắc lại rằng Ai Cập là quốc gia Ả rập đông dân nhất và vì đó là quốc gia đã mở ra ngay từ những năm 1970, « con đường hòa bình với Israel ». Đây quả thật là điều khó xử cho phương Tây.

Hoa Kỳ cẩn trọng trước cái bẫy Ai Cập

Đồng quan điểm với Le Figaro, Libération cũng nhận định rằng « Hoa K ỳ thận trọng trước cái bẫy Ai Cập ». Trong khủng hoảng lần này, Washington đã giữ thái độ « trung lập ». Điều này được thể hiện rõ trong tất cả các lời bình luận công khai, vì Nhà Trắng luôn e ngại chuyện khơi dậy « chủ nghĩa bài Mỹ » nhất là ở những người thuộc phe Huynh đệ Hồi giáo.

Libération viết, sau khi tán dương Mohamed Morsi hết lời nào là « tỉ mỉ như một viên kỹ sư », « có sáng kiến », « trọng lời hứa »… giờ đây chính quyền Washington có lẽ đang quay trở lại vị trí « trung lập ». Ông Obama đã quá vội vã mở rộng cánh tay với « thế giới Hồi giáo » trong suốt quá trình « mùa xuân Ả rập », giờ đây một lần nữa Ai Cập lại đang đi ngược với ý muốn của Hoa K ỳ.

Câu hỏi đặt ra là liệu trong đợt khủng hoảng chính trị lần này tại Ai Cập, cũng có phần trách nhiệm của ông Obama, khi đã sai lầm tạo cho ông Morsi cảm giác rằng, sau những gì làm được trong vụ xung đột tại dải Gaza, ông ta có thể có được sự ủng hộ của Mỹ khi thực hiện bất cứ chuyện gì.

Theo phân tích của ông Wayne White , cựu chuyên gia tình báo của chính phủ, hiện là chuyên gia phân tích của Viện Trung Đông , nếu tổng thống Ai Cập có suy nghĩ như thế quả thật ông đã nhầm lẫn. Ông nói : « Morsi có lẽ đã không nhận thấy rằng Hoa K ỳ không chút tin tưởng ở ông như là đối với Moubarak ».

Giải thích cho thái độ trung lập của Washington lần này, ông William Quandt , cựu cố vấn của Nhà Trắng đưa ra giả thuyết “chúng ta đang dấn thân vào một cuộc chơi phức tạp. Ở đó, có khả năng quan đội đang đẩy ông Morsi đến chỗ thất bại, với hy vọng gậy ông đập lưng ông trong các kỳ bầu cử tiếp theo ».

Cũng theo ông William Quandt , thì quân đội vẫn còn là thế lực ảnh hưởng chính của Mỹ tại Ai Cập. Nếu đối với các sự kiện chính trị đang diễn ra, Hoa K ỳ cảm nhận không có nhiều ảnh hưởng, thì đối với giới quân sự điều đó lại trái ngược hoàn toàn. Đây là một mối quan hệ mà cả hai bên đều muốn lưu giữ. Bởi một lẽ rất hiển nhiên là « giới quân sự Ai Cập hiểu rất rõ họ sẽ nhận được viện trợ trang thiết bị từ phía Hoa K ỳ ».

Về điểm này, ông Wayne White còn nhấn mạnh thêm rằng giới quân sự Mỹ quan sát rất kỹ diễn biến tại Cairo. Bản thân họ cũng rất dè chừng ông Morsi. « Nếu như phong trào phản đối ông Morsi lan rộng hơn nữa, thì rất có thể họ cũng sẽ lật đổ ông ta như họ đã từng đối xử với Moubarak ».

Dân Pháp biểu tình phản đối hôn nhân đồng tính

« Kêu gọi chống hôn nhân đồng tính ngày càng gia tăng » là tít trên tờ nhật báo thiên hữu Le Figaro. Cuối tuần này, nhiều cuộc biểu tình sẽ diễn ra tại nhiều thành phố lớn của Pháp phản đối dự thảo luật hôn nhân đồng tính của chính phủ do đảng Xã hội lãnh đạo. Tờ báo còn dự đoán sẽ có một đợt « biểu tình khổng lồ » vào ngày 13/01/2013 sắp đến. Theo các dữ liệu do cảnh sát Pháp thu thập được, rất có thể ngày 13/01/2013 sắp đến, tại Pháp sẽ diễn ra một đợt « siêu biểu tình » trên toàn quốc chống lại dự thảo luật công nhận hôn nhân đồng tính.

Căn cứ vào các thông tin có được từ SNCF (hãng đường sắt quốc gia Pháp), từ các tập đoàn xe chở khách, các nhà tổ chức, các trang blog, mạng xã hội v.v… cảnh sát Pháp ước tính trong lần biểu tình sắp đến số người tham gia có thể lên đến một triệu người. Le Figaro cho rằng đây có thể sẽ là một đợt biểu tình lớn nhất kể từ năm 1984. Đợt biểu tình năm đó, diễn ra dưới thời ông François Mitterand , đã quy tụ đến 850 ngàn người nhằm ủng hộ hệ thống trường tư (chủ yếu là các cơ sở đào tạo giáo dục của Giáo hội).

Le Figaro cũng nhắc lại rằng trong đợt biểu tình phản đối hôn nhân đồng tính hôm 17/11/2012 vừa qua tại Paris đã có đến 70 ngàn người tham gia. Nếu đúng như dự đoán của Le Figaro, có lẽ một lần nữa ông François Hollande khó mà giữ được lời hứa của mình.

Tăng trưởng èo uột, nước Đức lo âu

Xuất khẩu, sản xuất công nghiệp giảm, thất nghiệp bắt đầu tăng trở lại là quang cảnh nền kinh tế Đức hiện nay. Ngân hàng trung ương Đức còn hạ thấp dự đoán tăng trưởng từ 1,6% xuống còn 0,4% cho năm 2013. Trong tình hình khủng hoảng kéo dài, nước Đức bắt đầu có dấu hiệu hụt hơi. Về chủ đề này, báo Le Figaro có bài nhận định đề tựa « Tăng trưởng èo uột, nước Đức lo âu ».

Tờ báo viết, nước Đức đã sai lầm khi nghĩ rằng mình được miễn dịch chống lại khủng hoảng. Giờ đây, khủng hoảng từ các nước láng giềng bắt đầu lan sang Đức. Trước tình hình lượng đơn đặt hàng công nghiệp và sản xuất giảm, cũng như xuất khẩu, các nhà kinh tế Đức e ngại rằng mức GDP sẽ bị thu hẹp lại trong quý tư này và tăng trưởng trong quý I năm 2013 sẽ rất ì ạch.

Giới chủ Đức bắt đầu tỏ ra bi quan. Nhiều tập đoàn dẫn đầu chỉ số Dax, chỉ số chứng khoán của Đức trên sàn giao dịch đã công bố kết quả doanh thu tụt giảm và các kế hoạch tiết kiệm kèm theo việc sa thải công nhân. Các hãng sản xuất xe ô-tô buộc phải bán tống bán tháo nhiều kiểu xe nhằm bù đắp cho lượng bán bị sụt tại châu Âu.

Tờ báo còn ghi nhận thất nghiệp một phần có hiện tượng tăng mạnh trở lại. Nhà sản xuất xe tải MAN thông báo cho nghỉ việc một phần vô thời hạn 5300 nhân viên kể từ ngày 14/01/2013. Bên cạnh đó, một khó khăn khác mà chính phủ Đức phải đối diện đó là kể từ năm 2014, chính phủ Đức phải triển khai một cơ chế đền bù vì giá điện tăng cho toàn bộ các ngành công nghiệp, do có liên quan đến việc cho ngưng hoạt động tất cả các lò phản ứng hạt nhân. Như vậy, Đức mới bảo tồn được tính cạnh tranh và tránh được tình trạng di dời nhà xưởng. Tổng cộng có tất cả đến 13 lãnh vực trong đó có ngành nhôm, thép, đồng, giấy… những ngày tiêu hao nhiều năng lượng.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.