Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC

Bắc Kinh muốn loại Bạc Hy Lai vĩnh viễn khỏi chính trường

Như vậy là tư pháp Trung Quốc đã ra phán quyết : Cựu lãnh đạo Trung Quốc bị thất sủng Bạc Hy Lai đã phải lãnh án tù chung thân vào hôm nay, 22/09/2013, và toàn bộ tài sản sẽ bị tịch thu, và nhất là « bị tước quyền chính trị vĩnh viễn ». Cho dù đã được chờ đợi, nhưng bản án công bố hôm nay đã khiến nhiều quan sát viên ngạc nhiên do tính chất nặng nề hơn dự kiến.

Ông Bạc Hy Lai tại phiên tòa ở Tế Nam, Sơn Đông, Trung Quốc, 08/2013
Ông Bạc Hy Lai tại phiên tòa ở Tế Nam, Sơn Đông, Trung Quốc, 08/2013 Reuters
Quảng cáo

Theo Stéphane Lagarde, thông tín viên thường trú của RFI tại Bắc Kinh, giới phân tích thời sự Trung Quốc vào hôm nay vẫn chưa nhất trí với nhau về tính chất nặng nề hay khoan hồng của bản án.

Những người cho rằng dẫu sao chính quyền Trung Quốc vẫn nhẹ tay đối với bị cáo Bạc Hy Lai, thì bản án tù chung thân trong trường hợp không phạm tội sát nhân đã mở ra khả năng nhà cựu lãnh đạo này được ân xá, vì hạnh kiểm tốt sau khi thọ án tù 10 năm.

Nguyên do khiến ông Bạc Hy Lai được « khoan hồng » là vì nhân vật đứng đầu Trung Quốc hiện nay là Tập Cận Bình – đang trong giai đoạn củng cố quyền lực - không muốn gây xung khắc quá độ với cánh gọi nôm na là « thái tử đỏ » trong guồng máy lãnh đạo mà Bạc Hy Lai là thành viên.

Trong chiều hướng ngược lại, giới cho rằng bản án này rất nghiêm khắc đã nhận thấy rằng tầng lớp hiện lãnh đạo đất nước, tập hợp trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã chủ trương thẳng tay loại bỏ đối thủ đáng ngại này ra khỏi đời sống chính trị Trung Quốc.

Hãng tin Pháp AFP có vẻ thiên về giả thuyết này khi nhấn mạnh đến một đoạn trong bản án đối với Bạc Hy Lai, theo đó nhân vật này bị « tước bỏ một cách thường trực các quyền chính trị ». Đối với AFP, bản án rất nặng nề này kể như đã xóa bỏ hoàn toàn sự nghiệp tương lai của nhân vật lãnh đạo chính trị cao nhất bị điệu ra tòa từ 15 năm nay. Cho tới trước lúc bị thất sủng vào năm ngoái, Bạc Hy Lai còn là Ủy viên Bộ Chính trị đầy quyền thế tại Trung Quốc.

Theo ông Trịnh Vũ Thạc (Joseph Cheng), một chuyên gia về chính trị Trung Quốc tại Đại học City University of Hồng Kông, sở dĩ bản án đối với ông Bạc Hy Lai khắc nghiệt như vậy, đó là vì ông này đã công khai tỏ thái độ thách thức chính quyền trong phiên tòa xét xử ông.

Trả lời hãng tin Pháp, ông Trịnh Vũ Thạc giải thích : « Chính thái độ thách thức và từ chối thừa nhận tội lỗi bị coi là hành vi xấu đã khiến ông Bạc Hy Lai bị một bản án nặng nề hơn dự kiến ».

Theo chuyên gia này, nhân vật Bạc Hy Lai chắc chắn muốn có cơ hội quay trở lại đời sống chính trị, nhưng một bản án nặng nề hơn từ phía Nhà nước đã cho thấy là giới lãnh đạo hiện tại đã không cho bị cáo bất kỳ cơ hội nào. Ông Trịnh Vũ Thạc thẩm định : « Việc tước bỏ vĩnh viễn quyền chính trị là câu trả lời ngầm cho ý muốn (quay trở lại đời sống chính trị) đó ».

Câu hỏi mà giới quan sát đặt ra vào hôm nay là liệu ông Bạc Hy Lai có chịu thúc thủ trước bản án khắc nghiệt về mặt chính trị như vậy đối với ông hay không ? Phát biểu nhân một cuộc họp báo hôm nay, phát ngôn viên tòa án Tế Nam xác định là ông Bạc Hy Lai chưa cho biết là ông có kháng án hay không.

Vấn đề đối với ông Bạc Hy Lai chỉ là sự nghiệp chính trị tương lai mà thôi. Chứ trong lãnh vực thọ án thì dù bị tù chung thân, ông Bạc Hy Lai có thể sẽ không phải ngồi trong tù trong suốt quãng đời còn lại. Theo thông lệ tại Trung Quốc, các chính khách cao cấp bị án trước đây thường được thả ra sau một thời gian với lý do y tế và được cho về sống với gia đình dưới sự giám sát nghiêm ngặt của chính quyền.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.