Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - ĐÔNG NAM Á

Trung Quốc lấy lòng các đối tác Đông Nam Á

Tuần báo kinh tế Anh The Economist số ra tuần này quan tâm đến các chuyến công du vừa qua vào đầu tháng Mười, của hai nhà lãnh đạo tối cao Trung Quốc là Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường tại các quốc gia Đông Nam Á nhân Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và Thượng đỉnh Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) qua bài viết : « Trung Quốc khẳng định sự hiện diện của mình tại Đông Nam Á ».

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (T) và đồng nhiệm Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng trong cuộc họp báo tại Hà Nội, 13/10/2013
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (T) và đồng nhiệm Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng trong cuộc họp báo tại Hà Nội, 13/10/2013 REUTERS
Quảng cáo

Tuần báo nhận định, các chuyến công du này mang ý nghĩa quan trọng đối với Trung Quốc, nhằm khẳng định vị trí của mình trong khu vực và nhằm xoa dịu mọi căng thẳng gần đây giữa Trung Quốc với các quốc gia trong khu vực về vấn đề tranh chấp biển đảo.

Bài viết nhắc lại chuyến công du gần đây của Thủ tướng Lý Khắc Cường vào ngày 13/10/2013 đến Việt Nam, khi đất nước đang chìm trong lễ quốc tang dành cho đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bài báo mỉa mai, hàng trăm nghìn người đứng xếp hàng ở thủ đô Hà Nội, cùng lúc Thủ tướng Lý Khắc Cường đến Hà Nội, nhưng không phải để đón ông mà để đợi đón linh cữu của đại tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp đi qua. Một số người Việt Nam cho rằng, ông Lý Khắc Cường lẽ ra nên hoãn chuyến viếng thăm để đợi cho tang lễ qua đi. « Thiếu tôn trọng », « Kiêu ngạo », là những tính từ để chỉ chuyến viếng thăm này.

Cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Lý Khắc Cường với đồng nhiệm Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tại Hà Nội, được xem như một « bước đột phá », kết thúc hai tuần hoạt động ngoại giao cấp cao của Trung Quốc trong khu vực Đông Nam Á, nhằm mục đích sửa chữa mối quan hệ bị sứt mẻ trong những năm gần đây do các yêu sách lãnh thổ và tranh chấp chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông.

Tập Cận Bình, Chủ tịch nước và lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã đến thăm Indonesia, Malaysia và dự Thượng đỉnh của Diễn đàn Hợp tác châu Á-Thái Bình Dương kinh tế (APEC). Ông Lý Khắc Cường đã tham dự Thượng đỉnh ASEAN ở Brunei với các nhà lãnh đạo của Hiệp hội mười thành viên Đông Nam Á (ASEAN) và đi thăm Thái Lan. Về phía Mỹ, đối tác cũng khá nặng cân trong khu vực, Tổng thống Barack Obama đã không đến dự được Thượng đỉnh APEC và ASEAN do khủng hoảng ngân sách tại Washington, đã tạo điều kiện cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc tỏa sáng hơn.

Việt Nam là thành viên ASEAN nghi ngại Trung Quốc nhiều nhất. Sau nhiều thế kỷ thù địch và một cuộc chiến tranh ngắn đẫm máu vào năm 1979, tranh chấp lãnh thổ vẫn sục sôi. Đồng thời, Trung Quốc cũng tranh chấp lãnh thổ hàng hải với các nước ASEAN khác trong biển Hoa Nam (tên gọi Biển Đông của Trung Quốc) là Brunei, Malaysia và Philippines. Các cuộc đối đầu khi đánh bắt cá và khai thác dầu khí cũng thường xuyên xảy ra trên biển.

Tuy nhiên, vào tháng Sáu vừa qua, trong chuyến công du của Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang tại Trung Quốc, cả hai nước đã ký kết với nhau một « đối tác chiến lược ». Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Đó là chưa kể đến buôn bán trái phép nở rộ qua biên giới, cũng như đối với các nước ASEAN nói chung. Bước đột phá của ông Lý Khắc Cường là đã không để cho các tranh chấp lãnh thổ ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế khác. Ông thậm chí còn đồng ý « hợp tác hàng hải », làm việc cùng nhau trong khu vực.

Còn nhớ vào năm 2010, tại một cuộc họp tại Hà Nội, bà Hillary Clinton, Ngoại trưởng Mỹ vào thời điểm đó, đã nêu vấn đề tranh chấp Biển Đông và tuyên bố Mỹ có « lợi ích quốc gia » trong việc bảo đảm tự do lưu thông hàng hải. Trung Quốc đổ lỗi cho sự can thiệp của Mỹ đã làm cho Việt Nam và Philippines dũng cảm đứng lên tranh chấp trên biển. Nhật báo Trung Quốc China Daily, đã dẫn lời một nhà phân tích Trung Quốc như sau : « Hà Nội đã nhận thấy là trên thực tế, không cậy dựa được vào Washington để có được sự ủng hộ của công chúng về các tuyên bố chủ quyền trên một số đảo ».

Bài báo nhận định, ở khắp mọi nơi, Trung Quốc biểu thị sức mạnh kinh tế của mình. Tại Thái Lan, ví dụ, Trung Quốc mua thêm gạo và cao su. Ông Tập Cận Bình đã đưa ra ý tưởng về một « ngân hàng cơ sở hạ tầng Châu Á » mà Trung Quốc lãnh đạo, để giúp đáp ứng một trong những nhu cầu cấp bách nhất của khu vực.

Tuy nhiên, bài báo cũng nhận định, Trung Quốc vẫn không ve vãn được Philippines, nước cũng có tranh chấp biển đảo với Trung Quốc. Đây là một thách thức lớn đối với Trung Quốc vì Philippines đưa hồ sơ này ra trước Tòa án Trọng tài Liên Hiệp Quốc. Tuy nhiên, các học giả Việt Nam cho rằng, họ ý thức được điều đó và không loại trừ khả năng tham gia vào hành động pháp lý của Philippines.

Trung Quốc đang cố gắng lấy lòng các đối tác làm ăn tại Đông Nam Á. Rất ít người muốn thấy một trật tự quốc tế do Mỹ đứng đầu phải nhượng bộ cho sự thống trị của Trung Quốc.

Koreatown không bao giờ ngủ

Trên thế giới, ai cũng biết đến cộng đồng người Hoa và các Chinatown mọc ra khắp nơi. Thế nhưng, tạp chí L’Express số ra tuần này dẫn độc giả đến với cộng đồng người Hàn Quốc tại NewYork qua bài viết : « Koreatown không ngủ bao giờ ».

Theo bài viết, các cửa tiệm ở Chinatown, New York thì đóng cửa sớm. Thế nhưng, tại khu Koreatown, các cửa hàng ăn, karaoke,…khu phố người Hàn luôn sáng điện thâu đêm. Đó là thành công trông thấy của một cộng đồng dân cư vốn rất kín đáo, không giống như người Do Thái, Ý, Trung Quốc. Do đó, không có một lời đùa cợt hài hước nào về dân tộc này.

Tại Hoa Kỳ, có 1,7 triệu người Hàn Quốc trong đó, 150 000 người sống tại New York. Đa số theo đạo Thiên Chúa, họ được xếp vào hàng thứ 5 cộng đồng Á Châu tại Hoa Kỳ, sau Trung Quốc, Philippines, Ấn Độ và Việt Nam. Dân Hàn Quốc di dân đến Mỹ là do chiến tranh hai miền Triều Tiên. Với cải cách nhập cư vào năm 1965, luồng người di cư đã tăng nhanh chóng. Khi vừa đặt chân đến Mỹ, họ chỉ mở các cửa hiệu nhỏ, giặt ủi ở đầu đường, chỉ mới bập bõm tiếng Anh. Thế nhưng, thế hệ thứ hai người Hàn Quốc tại Mỹ đã thành công khá nổi trội giữa các cộng đồng Châu Á khác. Ngày nay, họ là kỹ sư, bác sĩ, luật sư, nhiều bằng cấp và chủ các nhà hàng nổi tiếng.

Những năm gần đây, người Hàn Quốc được thế giới biết đến nhiều hơn nhờ thành công của các nhãn hiệu lớn như Samsung, LG, Huyndai, cũng như « nhờ vào điệu nhảy huyền thoại Gangnam Style của ca sĩ Psy », theo nhận định của giáo sư Denis Hong, dạy đại học Virginia Tech, một nhân tài chế tạo robot.

Jeannie Kim, một nhà xã hội học gốc Hàn nhận xét : « Thậm chí cộng đồng chúng tôi có được xem như một kiểu mẫu đi chăng nữa thì chúng tôi vẫn bị xem như người nước ngoài, bởi vì tại đây, chỉ có người da trắng và da đen mới được xem là dân bản xứ ».

Ngày nay, khu phố người Hàn trở nên sầm uất, nào là các câu lạc bộ võ taekwondo, tiệm làm móng tay, các tiệm mỹ phẫm, massage với giá cả phải chăng. Đặc biệt, Hàn Quốc nổi tiếng về ẩm thực mà càng ngày càng có nhiều người Mỹ chính gốc đến các nhà hàng Hàn Quốc tại NewYork để thưởng thức các món ăn truyền thống. 

Internet có làm cho ta điên ?

Trong cuộc sống hàng ngày, con người kết nối liên tục với Internet qua màn hình : Trong công việc, đặt hàng trên mạng, kết bạn, giải trí…Thế nhưng có khi nào ta tự hỏi liệu mình có quá lạm dụng internet hay không. Tạp chí Le Nouvel Observateur quan tâm đến đề tài này qua một hồ sơ dài đề tựa : « Internet có làm cho ta điên ? ».

Ngày nay, với sự ra đời của điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy vi tính xách tay, mọi nơi, mọi lúc, chúng ta đều kết nối với thế giới. Cuồng nhiệt, thiếu kiên nhẫn, bị phụ thuộc…Già trẻ, lớn bé đều bị màn hình máy tính làm biến đổi và chúng ta ôm lấy chúng cả ngày lẫn đêm.

Tạp chí dẫn trường hợp một số nhân chứng thuật lại tầm quan trọng và ảnh hưởng to lớn của các công cụ này trong cuộc sống của họ. Trẻ em mới hai tuổi đã nghiện chơi Ipad, khi cha mẹ không cho sử dụng thì đập đầu ăn vạ. Người lớn cũng không thoát khỏi cơn nghiện này, cứ ôm lấy smarthphone, máy tính bảng mà kết nối facebook hay lướt nét. Con cái đi học về muốn khoe điểm học tập mà cha mẹ cũng thờ ơ. Thanh niên hàng ngày gửi trung bình 60 tin nhắn trên điện thoại.

Các kết quả nghiên cứu cho thấy Internet có hại cho trí nhớ và sự tập trung. Các chuyên gia khuyến cáo không nên cho trẻ tiếp xúc với màn hình. Trẻ em đánh máy thay vì viết tay cũng bị mắc chứng loạn đọc. Khi viết bằng tay, trẻ em nhớ lâu hơn mặt chữ.

Về đề tài này, tạp chí Le Nouvel Observateur phỏng vấn bác sĩ, giáo sư dạy hóa sinh Bernard Sablonnière. Ông cảnh báo không nên lạm dung, sử dụng quá nhiều các loại máy vi tính, điện thoại thông minh. Các giáo viên đều phàn nàn rằng học sinh thiếu tập trung trong giờ học do ôm lấy máy tính hay điện thoại sử dụng không ngừng nghỉ. Theo ông, đối với não bộ của trẻ, nên hạn chế nhồi nhét các cảm xúc thuộc về thị giác. Ở trẻ em, não bộ vẫn đang trong trạng thái xây dựng, nên khi một loạt các hình ảnh thông tin đến quá nhanh, não bộ chưa kịp xử lý đầy đủ và ghi nhớ các thông tin. Điều đó có thể gây hại đến mối quan hệ con người. Ngoài ra, thiếu vận động thể chất sẽ gây hại đến quá trình oxy hóa não bộ, đặc biệt là để xả stress. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, ở mọi lứa tuổi, cần phải bỏ máy tính bảng sang một bên để hoạt động thể thao.

Còn theo nhận định của một triết gia thì khi ta kết nối qua các màn hình, chúng ta cứ nghĩ là đang trao đổi với cả thế giới nhưng không phải, chúng ta đang thu minh lại và mất mối quan hệ với con người. Do đó, nên ưu tiên quan hệ trao đổi giữa người với người, chứ không phải là thông qua bức tường ngăn cách của màn hình máy tính.

Pháp : Đàn ông lục tuần muốn được tự do

Độ tuổi tứ tuần vốn vẫn được xem là giai đoạn khủng hoảng ở một số người và họ thường muốn ly hôn để đi tìm tự do mới. Thế nhưng, tạp chí M của báo Le Monde lại quan tâm đến cánh mày râu độ tuổi lục tuần. Ở tuổi hưu trí, ngày càng nhiều đàn ông đòi ly hôn. Lý do đẩy họ tớ quyết định này sau nhiêù năm chung sống vợ chồng là vì ham muốn quyến rũ người khác, sợ bị già hóa nhưng cũng mong muốn được thanh thản.

Theo số liệu từ l’INSEE, tại Pháp, 13 569 đàn ông từ độ tuổi 60 trở lên đã ly dị vào năm 2011, trong khi con số này chỉ là 6 144 vào năm 2000. Tại Vương Quốc Anh cũng vậy, đa số là đàn ông độ tuổi 60 đòi ly dị trước. Đây là một hiện tượng đáng chú ý, bởi vì ở những độ tuổi trước, đa phần là phụ nữ đòi ly hôn. Nguyên nhân ly hôn là do sự nhàm chán.

Theo nhận định của Geneviève Djénati, chuyên gia tâm lý trị liệu các cặp vợ chồng và gia đình, thì hành vi đòi ly hôn là « hậu quả của khủng hoảng ở giữa cuộc đời. Một phần, thanh niên ngày càng gia nhập vào thị trường việc làm trễ hơn cộng với tuổi thọ kéo dài, nên đã đẩy lui độ tuổi khủng hoảng trước kia là 40, ngày nay là 60. Đàn ông muốn tìm lại nguồn sinh lực, không muốn bị lu mờ và muốn khám phá một tuổi trẻ thứ hai ».

Bài báo cũng dẫn ra nhiều ví dụ. Đơn cử là Fabien, 58 tuổi, chỉ muốn có những sở thích đơn giản như đi uống nước, thăm bạn bè, đọc sách hàng giờ mà không có ai bên cạnh làm phiền, kêu réo khi đến bữa ăn. 

Iran, cái bẫy và mưa mẹo

Gần đây, Tổng thống Rohani đã thay đổi thái độ và thể hiện thiện chí đàm phán nhằm giải trừ hạt nhân tại Iran. Thế nhưng, thế giới vẫn bán tín bán nghi về thái độ được xem là bước đột phá của ông Rohani. Bàn về hồ sơ này, tạp chí l’Express có bài viết đề tựa : « Iran, cái bẫy và mưa mẹo ».

Cú điện đàm giữa nguyên thủ hai nước được xem như một bước ngoặt lớn, chưa từng thấy trong mối quan hệ căng thẳng giữa hai nước. Những dấu hiệu này làm thế giới nghĩ rằng tảng băng giữa hai nước sắp được phá đi. Thế nhưng, tạp chí cũng thận trọng cho rằng, phải từ từ xem thực tế diễn tiến đến đâu. Bài viết nhắc lại, những dấu hiệu cởi mở của Iran cũng đã chớm thấy dưới thời Tổng thống Mỹ Bill Clinton hay Georges W.Bush, nhưng vô ích. Sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001, Téhéran đã thể hiện thiện chí của mình khi cung cấp thông tin cho CIA về tổ chức Al-Qaeda, trước khi hai nước Iran và Mỹ gặp nhau tại Genève, nhưng quan hệ song phương cũng chẳng tiến triển gì.

Tuy nhiên, hiện nay, kinh tế Iran đang trì trệ, do các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran, cộng với sức ép của dân chúng Iran muốn thoát khỏi thế cô lập để phát triển kinh tế cho phép ta hy vọng, lần này, Iran sẽ nghiêm túc trong đàm phán để giải trừ hạt nhân.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.