Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC

Một trí thức Duy Ngô Nhĩ nổi tiếng bị Trung Quốc kết án chung thân

Hôm nay 23/09/2014, theo AFP, nhà trí thức Duy Ngô Nhĩ nổi tiếng, Giáo sư Ilham Tohti, đại biểu cho quan điểm chỉ trích nhưng ôn hòa đối với chính quyền Trung Quốc, đã bị một tòa án ở Urumqi, Tân Cương kết án tù chung thân vì tội hậu thuẫn cho các hoạt động « ly khai lãnh thổ ». 

Giáo sư Ilham Tohti trong phiên tòa tại Urumqi, Tân Cương. Ảnh chụp màn hình ngày 17-18/09/2014.
Giáo sư Ilham Tohti trong phiên tòa tại Urumqi, Tân Cương. Ảnh chụp màn hình ngày 17-18/09/2014. REUTERS/CCTV via Reuters TV
Quảng cáo

Theo các nhà quan sát, hình phạt đối với ông Ilham Tohti là bản án khắc nghiệt nhất từ nhiều năm nay mà chính quyền Trung Quốc nhắm vào một người chỉ trích chế độ. Nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế và trí thức Trung Quốc lên án Bắc Kinh đàn áp người bất đồng chính kiến ôn hòa.

Sau hai ngày diễn ra phiên xét xử hồi tuần trước, dưới sự kiểm soát nghiêm ngặt của an ninh, hôm nay, một tòa án của thành phố Urumqi đã ra phán quyết kết án tù chung thân đối với Giáo sư Ilham Tohti. Khoảng 10 nhà ngoại giao nước ngoài cũng như nhiều phóng viên quốc tế đã có mặt tại Urumqi để tham dự phiên tòa, nhưng đều không được phép vào. 

Trả lời AFP từ Bắc Kinh, hơn ba giờ sau khi phiên xử kết thúc, luật sư Li Fangping của ông Ilham Tohti cho biết chắc chắn ông sẽ kháng cáo. Một luật sư khác của nhà trí thức Duy Ngô Nhĩ thuật lại câu nói duy nhất của ông Ilham Tohti : « Tôi không chấp nhận phán quyết này. Tôi phản đối ». Bên cạnh việc bị tù chung thân, tòa án Trung Quốc còn ra quyết định tịch thu toàn bộ tài sản của ông, vì tội ủng hộ việc « ly khai lãnh thổ ». 

Bảy sinh viên của ông bị bắt và các lời khai của họ được sử dụng để làm chứng chống lại ông. Theo luật sư Li Fangping, bên công tố đã trưng ra một số video về các bài giảng của ông Tohti và các bình luận được đưa lên trang mạng của ông, để khép ông vào tội lãnh đạo một nhóm ly khai. 

Giáo sư Tohti đã lập ra một trang mạng tin mang tên Uighurbiz.net, bằng tiếng Trung và tiếng Duy Ngô Nhĩ, nhưng trang mạng bị ngăn chặn sau các bạo động giữa các sắc tộc hồi 2009. 

Phản ứng trước bản án vừa tuyên, ông Raphael Droszewski, Thư ký thứ nhất của phái đoàn Liên hiệp Châu Âu tại Bắc Kinh, tuyên bố : « Ilham Tohti thực thi các hoạt động phù hợp với luật pháp Trung Quốc và chúng tôi cho rằng ông ấy phải được trả tự do ». 

Đại diện Ngoại giao của Liên Hiệp Châu Âu vừa ra tuyên bố chính thức kêu gọi chính quyền Bắc Kinh trả tự do cho ông Ilham Tohti, và tất cả những người bị bắt trong vụ án này. Thông cáo của Liên Âu chỉ rõ, thủ tục tư pháp trong vụ này đã không được bảo đảm, đặc biệt quyền bào chữa của người bị cáo buộc.

Người chống chính sách đồng hóa sắc tộc Duy Ngô Nhĩ 

Giáo sư Ilham Tohti, 44 tuổi, là một nhà kinh tế có uy tín, giảng viên trường Đại học các Dân tộc Bắc Kinh. Ông đồng thời cũng là một nhà quan sát độc lập, được các cơ quan đại diện ngoại giao quốc tế tại Bắc Kinh lắng nghe về những diễn biến hiện nay tại Tân Cương, nơi bạo động bùng phát trở lại từ năm ngoái. 

Ông Ilham Tohti có quan điểm đối lập với chính sách đồng hóa người Duy Ngô Nhĩ và các sắc tộc thiểu số khác của chính quyền Bắc Kinh. Là một tín đồ Hồi giáo, nhưng Giáo sư Ilham Tohti phản đối hoàn toàn việc chia cắt Tân Cương ra khỏi Trung Quốc, cũng như phong trào Hồi giáo cực đoan. Theo chính quyền Trung Quốc, phong trào Hồi giáo cực đoan là thủ phạm của một loạt các vụ tấn công đẫm máu ở Tân Cương và tại nhiều nơi khác ở Trung Quốc từ hơn một năm nay. 

Giáo sư Ilham Tohti bị bắt tại Bắc Kinh vào tháng 1/2014, và bị giam giữ tại một nơi bí mật. Theo gia đình, nhà bất đồng chính kiến Duy Ngô Nhĩ đã bị cùm và bị bỏ đói trong những giai đoạn dài trong thời gian bị giam giữ. 

Một « Mandela người Duy Ngô Nhĩ » 

Bình luận về sự kiện này, tiểu thuyết gia Trung Quốc Vương Lực Hùng (Wang Lixong), người nổi tiếng về các phê phán nhắm vào chính sách của Bắc Kinh tại Tây Tạng, nhận xét : « Ngày 23 tháng 9 năm 2014, chính quyền (Trung Quốc) đã tạo ra một Mandela người Duy Ngô Nhĩ ». 

Amnesty International lên án phiên tòa « ô nhục », « biến những lời kêu gọi của Chủ tịch Tập Cận Bình về sự thông hiểu và đoàn kết giữa người Duy Ngô Nhĩ và người Hán trở thành một trò hề ». Tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch tố cáo phiên tòa « mạo danh công lý », chỉ càng khẳng định thêm tình trạng bị kỳ thị của người Duy Ngô Nhĩ. 

Theo Giáo sư Joseph Cheng, Đại học Hồng Kông, bản án này gửi đi « một tín hiệu rất xấu » cho mối quan hệ giữa hai dân tộc Hán và Duy Ngô Nhĩ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.