Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC

Trung Quốc : Mô hình phát triển hụt hơi

Chuyện nội tình chính trị Pháp sôi động xung quanh việc thông qua  bộ luật cải cách kinh tế đầy tranh cãi chiếm trang nhất các báo. Liên quan đến châu Á, báo Les Echos chú ý đến Trung Quốc với bài viết về mô hình phát triển Trung Quốc đang đối mặt với nhiều vấn đề, chứ không đơn giản như hình ảnh bên ngoài của một cường quốc kinh tế thứ 2 thế giới.

Reuters
Reuters
Quảng cáo

Les Echos đặt câu hỏi : Trung Quốc sẽ đi tới đâu ? Sau hơn ba thập niên phát triển rầm rộ, đất nước này đã làm cả thế giới phát choáng, với việc bước lên vị trí thứ nhì trong bảng xếp hạng các cường quốc kinh tế thế giới. Tuy nhiên trong một cuốn sách mới xuất bản mang tiêu đề : « Trung Quốc, bước đại nhảy vọt vào trong sương mù », tác giả Grabriel Grésillon, thông tín viên của les Echos tại Trung Quốc từ bốn năm nay, cảnh báo không nên quá lạc quan vào phần hậu của kịch bản phát triển Trung Quốc. Les Echos trích đăng một số nội dung trong cuốn sách trên để cho thấy đất nước này đang lộ rõ những biểu hiện rối loạn, bất cập trong mô hình phát triển hiện nay.

Về kinh tế, hai động cơ chính là công nghiệp xuất khẩu và đầu tư không còn có thể tiếp tục thăng hoa được nữa. Nợ nần không ngừng tăng theo tỷ lệ đang lo ngại với mức độ phát triển. Cuốn sách phác họa nét chính của mô hình phát triển của Trung Quốc hiện nay là : Ô nhiễm tràn lan, tăng trưởng dưới sức ép kích thích nợ nần, chính quyền trương ương thì luôn ám ảnh bị tư bản nước ngoài lấn chiếm và không hề có sự độc lập của tư pháp khiến cho giới đầu tư nước ngoài lúc nào cũng nơm nớp lo có thể bị đánh bất cú lúc nào.

Tờ báo kinh tế nhận định :  Trước những thách thức khổng lồ hiện nay, Bắc Kinh không ngừng hứa hẹn cải cách và mở cửa. Nhưng trên thực tế chính quyền Cộng sản dường như vẫn toan tính bằng chiến lược trấn áp đáng lo ngại.

Làn sóng theo Thiên chúa giáo tại Trung Quốc

Lật qua trang báo Le Figaro, vẫn là liên quan đến Trung Quốc nhưng trong lĩnh vực xã hội và nhân quyền. Tờ báo có bài viết chạy tựa bằng lời phát biểu của nhà văn Liệu Diệc Vũ nói : « Chúng ta đang chứng kiến làn sóng đi theo Thiên chúa giáo tại Trung Quốc ».

Le Figaro cho biết : Sau sự kiện Thiên An Môn, Liệu Diệc Vũ đứng vào hàng ngũ những người ly khai. Đã hơn hai chục năm qua, nhà văn này luôn bày tỏ phẫn nộ với chế độ Bắc Kinh.

Nhà văn phải lưu vong tại Đức từ năm 2011sau 4 năm bị chính quyền cộng sản giam bỏ tù. Ông vừa ra một cuốn nói về tình trạng những người Thiên chúa giáo ở Trung Quốc bị ngược đãi, sách nhiễu.

Le Figaro đã có cuộc phỏng vấn nhà văn Liệu Diệc Vũ xung quanh chủ đề nhân quyền nhân ông ra mắt cuốn sách « Chúa trời đỏ ».

Trong cuộc phỏng vấn này, nhà văn Liệu Diệc Vũ khẳng định « ở Trung Quốc, từ cuối thế kỷ 20 đến nay người ta đang chứng kiến một làn sóng rộng lớn các trí thức đi theo đạo Thiên chúa ». Theo con số chính thức của chính quyền thì Trung Quốc hiện có khoảng 6 triệu tín đồ Công giáo và 18 triệu tín đồ Tin lành. Nhưng thực tế phải có 100 triệu người theo Thiên chúa giáo ở Trung Quốc trong cả hai giáo hội chính thống do Nhà nước quản lý và giáo hội « thầm lặng » bị Nhà nước cấm hoạt động.

Theo ông, trong những vùng hẻo lánh xa xôi ở Trung Quốc, quyền năng của Chúa trời là cái duy nhất những người khốn khổ có được ngoài quần áo. Tôn giáo của họ là nguồn an ủi. Còn ở thành phố, giờ đây việc xin đi lưu vong dễ được chấp nhận đối với người theo đạo hơn.

Theo Le Figaro, nhà văn Liệu Diệc Vũ tiếp tục sự nghiệp viết, với vai trò là một nhân chứng của những nỗi thống khổ của người dânTrung Quốc. Lần này ông thể hiện qua cuốn sách dành cho người Thiên chúa giáo dưới chế độ Cộng sản sản mang tên « Chúa trời đỏ ».

Pháp : Chính trường xáo động vì một bộ luật cải cách kinh tế

Thủ tướng Pháp Manuel Valls và bộ trưởng Kinh tế Emmanuel Macron trước quốc hội là những hình ảnh xuất hiện tràn khắp các mặt báo Pháp ra hôm nay. Lý do là bởi sự kiện chính phủ của đảng Xã hội hôm qua đã quyết định thông qua bộ luật cải cách kinh tế, vẫn được gọi là luật Macron (tên của bộ trưởng Kinh tế Pháp), không qua con đường bỏ phiếu tại Quốc hội, mà lại vận dụng điều 49.3 của Hiến Pháp cho phép chính phủ có thể trực tiếp ban hành luật như một sắc lệnh. Một trong các lý do chính cho quyết định của Thủ tướng Manuel Valls là muốn áp đặt các cải cách của chính phủ trước nguy cơ dân biểu đảng Xã hội cầm quyền có thể bỏ phiếu chống tại Quốc hội. Bị hối thúc bởi sự cấp bách phải cải cách để vực dậy nền kinh tế, chính phủ Pháp đã chọn cách làm chấp nhận rủi ro, tức là ngay lập tức sẽ phải đối mặt với cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, do đối lập đề nghị sau phiên họp hôm qua vài giờ. Nếu bị đa số bất tín nhiệm thì chính phủ Manuel Valls sẽ bị đổ.

Luật cải cách như vậy đã được thông qua, nhưng cách thông qua gượng ép như vậy đã nói lên nhiều điều, để đối lập chỉ trích không tiếc lời, còn báo chí Pháp không tiếc giấy mực khai thác, bình luận.

Le Figaro chạy tựa trang nhất : « Đa số vỡ tan tành trên luật Macron ». Xã luận của tờ báo thì cho rằng hành động của Thủ tướng Manuel Valls là lời « thú nhận yếu kém » và chính phủ của ông không còn đa số ủng hộ nữa.

Trong bài viết mang tiêu đề : « Ngày mà Valls giương vũ khí 49.3 », Le Figaro nhận định quyết định trên « đã báo hiệu mở màn cuộc chiến không thương tiếc trong cánh tả ». Xa hơn nữa tờ báo đặt câu hỏi, trong tương lai sắp tới còn bao nhiêu dự luật cải cách phải thông qua, chính phủ của Thủ tướng Manuel Valls rồi đây sẽ xoay sở ra sao, nếu không có được sự ủng hộ ngay trong đảng Xã hội cầm quyền ?

Về phần mình, nhật báo kinh tế les Echos nhận định sự bất đồng trong các nghị sĩ đa số tại Quốc hội là nằm ở điều khoản liên quan đến việc cho phép làm việc ngày Chủ nhật.

Nhật báo Công giáo la Croix cũng có chung nhận định : Luật Macron gây khủng hoảng rộng mở trong đa số. Cuối cùng, với tờ báo cộng sản L’Humanité thì vận dụng đến điều 49.3 của Hiến pháp để thông qua luật như vậy « là dấu hiệu thất bại cay đắng cho chính phủ hiện nay vốn đang mong muốn chuyển qua xu hướng tự do hóa ».

Tình tiết mới trong các vụ khủng bố ở Paris

Nhật báo Le Monde giành hồ sơ chính của tờ báo trở lại hai vụ khủng bố kinh hoàng tại Paris hồi đầu tháng Giêng vừa qua làm 17 người thiệt mạng với hàng tựa lớn trang nhất : Các vụ khủng bố tại Paris : Những phát hiện mới của điều tra.

Theo những thông tin mà Le Monde có được từ nguồn điều tra, thì vụ tấn công thảm sát tại tòa soạn báo Charlie Hebdo do hai anh em nhà Kouachi thực hiện hôm 7/1/2015 và vụ sát hại nữ cảnh sát tại Montrouge cùng vụ bắt con tin tại cửa hàng của người Do Thái tại Porte Vincenne do Amedy Coulibaly tiến hành sau đó một ngày, có liên hệ với nhau. Các tác giả của hai vụ tấn công trên có mối quan hệ mật thiết với nhau và trước giờ anh em nhà Kouachi hành sự, thì chúng đã có liên lạc với nhau qua nhắn tin. Mặc dù nội dung tin nhắn không được tiết lộ, nhưng Le Monde cho rằng những kẻ khủng bố dường như đã có phối hợp hành động. Ngoài ra tài liệu cũng cho biết Coulibaly đã lựa chọn mục tiêu. Trước đó tác giả vụ tấn công giữ con tin tại Porte Vincenne đã vào internet tìm hiểu nhiều địa điểm buôn bán của người Do Thái. Coulibaly cũng đã chuẩn bị tỉ mỷ cho hành động từ trước đó cả tháng trời. Những phát lộ điều tra này gợi suy nghĩ những kẻ khủng bố đã hành động có tổ chức không đơn thuần là tự phát đơn lẻ.

Thỏa thuận ngừng bắn Minsk lại bị phá vỡ ?

Chuyển qua thời sự châu Âu, Ukraina vẫn là điểm nóng được các báo theo dõi. Hầu hết các báo đêu ghi nhận thấy thỏa thuận ngừng bắn tại Ukraina đạt được ở Minsk hôm 12/2 đang có nguy cơ bị phá vỡ một lần nữa.

Le Figaro đưa tin chiến sự vẫn đang tiếp diễn ở Delbaltseve, thành phố đang dần rơi vào tay quân nổi dậy thân Nga bất chấp lệnh ngừng bắn Minsk 2 đã có hiệu lực. Các lượng nổi dậy đã đẩy quân chính phủ Kiev vào thế bị bao vây và đang tiến đến gần cửa ngõ vào thành phố cảng Marioupol. Cuộc chiến vẫn tiếp diễn, phe ly khai đã kiểm soát được 80% thành phố Delbaltseve. Sau thành phố này, sẽ là Marioupol và chắc chắn không có điểm dừng, theo nhận định của Le Figaro.

Một lần nữa Kiev và Phương Tây lại chỉ mặt Nga tiếp tục hậu thuẫn cho cuộc chiến của các lực lượng ly khai tại miền đông Ukraina.

Tin tặc mang bóng dáng Mỹ ?

Cuối cùng đến với nhật báo Libération, tờ báo có bài viết về một phát hiện đáng chú ý liên quan đến các cuộc tấn công tin tặc trên thế giới hiện nay.

Nhà phát hành các phần mềm chống virus tin học của Nga Kaspersky hôm qua thông báo trong một cuộc họp báo tại Mêhico : « Một trong những nhóm tiến hành các vụ tin tặc tinh vi nhất » vừa được xác định. Lần này không còn là vấn đề tội phạm hình sự nữa mà nó mang bóng dáng một vụ do thám gián điệp. Nhóm này tên là « Equation ( Phương trình) » đã lập ra 7 phần mềm độc hại để thực hiện các vụ tấn công tin tặc. Không dám chắc Equation là thuộc một tổ chức hay nhà nước nào, nhưng Kaspersky cho biết cách hành động của nhóm này tương tự với cách thức của Cơ quan An ninh Mỹ NSA tiến hành trên mạng internet. Phát giác này có thể gây thêm nhiều nghi kỵ đối với NSA, vốn đã bị nhiều tai tiếng trong lĩnh vực giám sát nghe trộm thông tin trong thời gian gần đây. Thậm chí có nhiều chuyên gia tin học còn đồ rằng nhóm Equation là một đơn vị tinh huệ của NSA.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.