Vào nội dung chính
QATAR - BÓNG ĐÁ - FIFA

Qatar, bạn hay thù ?

Qatar, bạn hay thù ? Đó là tựa đề in đậm chiếm hầu như toàn bộ trang nhất báo Libération. Để trả lời cho câu hỏi này, tờ báo dành nguyên một hồ sơ lớn dày đến 6 trang để phân tích mối quan hệ ngoại giao và tài chính khá phức tạp giữa Qatar và phương Tây. Bên cạnh đó, hồ sơ bóng đá cũng rất là quan trọng, do Qatar sẽ tổ chức World Cup 2022.

Nhà tỷ phú Qatar Hamad bin Khalifa Al Thani và đại diện Nga Igor Shuvalov cùng với ông Sepp Blatter vào năm 2010
Nhà tỷ phú Qatar Hamad bin Khalifa Al Thani và đại diện Nga Igor Shuvalov cùng với ông Sepp Blatter vào năm 2010 AFP
Quảng cáo

Trong bài viết đề tựa ‘‘Qatar trong tầm ngắm’’, Libération nhận định là uy tín của Qatar đang bị lu mờ, các nước Tây phương đang ở trong thế đề phòng vì không biết là liệu đồng minh hôm nay có nguy cơ trở thành kẻ thù tương lai ? Tờ báo nhắc lại là nhờ có nguồn khí đốt dồi dào, mà Qatar đã vươn cao trên trường quốc tế.

Để xây dựng quan hệ với phương Tây, Qatar áp dụng chính sách được gọi là ‘‘ngoại giao ngân phiếu’’, dùng thế lực kim tiền để tranh thủ lôi kéo sự ủng hộ, dùng quyền lực mềm (soft power) để nâng cao uy tín và tầm ảnh hưởng. Nhắc tới nước này, người châu Âu thường nghĩ tới đội bóng PSG tại Pháp và cửa hàng Harrods ở Luân Đôn, cả hai đều nằm trong tay Qatar.

Một cách chính thức, Qatar đứng về phía liên minh quốc tế chống khủng bố cũng như chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo. Hoa Kỳ đã đặt căn cứ quân sự tại Al Udeid trên lãnh thổ Qatar từ năm 2003. Thế nhưng, trên đài truyền hình Al Jezira, Qatar lại ngầm ủng hộ phong trào Huynh đệ Hồi giáo cũng như các nhóm hồi giáo vũ trang thuộc phong trào Al Nusra (chủ yếu hoạt động tại Syria).

‘‘Ai đã có Qatar là bạn thì chẳng cần có kẻ thù’’

Báo Libération khẳng định, ngành tình báo Mỹ từ lâu đã canh chừng Qatar : chính cũng vì Hoa Kỳ lần tìm manh mối, theo dõi các luồng vốn đầu tư để xem Qatar có tài trợ các nhóm hồi giáo cực đoan hay không, mà vụ tham nhũng của FIFA mới bị phát giác. Việc ông Sepp Blatter từ chức không những lung lay chao đảo FIFA mà còn làm sứt mẻ uy tín của Qatar.

Vụ tai tiếng liên quan tới việc dùng tiền để mua World Cup, cộng thêm với tình trạng bóc lột lao động nhập cư, cũng như lập trường không dứt khoát, không rõ ràng với các nhóm hồi giáo cực đoan, khiến cho vầng hào quang của Qatar bị lu mờ. Libération gọi nước này là một ‘‘người bạn nguy hiểm’’. Tờ báo đánh giá : Ai đã có Qatar là đồng minh thì chẳng cần phải có kẻ thù

Báo chí Pháp hôm nay cũng dành nhiều bài viết liên quan tới cuộc điều tra về nạn tham nhũng trong giới lãnh đạo FIFA. Báo Le Monde nhận định trong hàng tiểu tựa : Cuộc điều tra nhắm thẳng vào Blatter là lý do khiến ông bất ngờ từ chức. Le Figaro Báo đăng tít lớn : Những thách thức chờ đợi FIFA. Báo công giáo La Croix tỏ ra hoài nghi : Làm thế nào đây để lật qua trang sách Blatter. Báo Libération chạy tựa ngắn gọn : Thời kỳ hậu Blatter còn có nhiều ẩn số. Các tờ báo đều đồng ý trên một điểm : để khôi phục uy tín, liên đoàn FIFA phải làm ba chuyện : một là xây dựng lại niềm tin, hai là thiết lập một cơ chế vận hành dân chủ hơn và ba là kiểm soát chặt chẽ các luồng vốn đầu tư tài trợ.

Không riêng gì các tờ báo Pháp, mà báo chí châu Âu đều có cùng ghi nhận : Hành tinh bóng đá trải qua một cuộc khủng hoảng lớn chưa từng thấy. Tuần báo Le Courrier International tập hợp trong cùng một bài viết các phản ứng của các tờ châu Âu nói chung. Sau nhiều ngày chĩa mũi dùi vào ông Sepp Blatter, các tờ báo này dường như vẫn chưa nguôi cơn giận, tiếp tục nặng lời với chủ tịch liên đoàn FIFA, cho dù ông đã tuyên bố từ chức hôm thứ Tư 02/06.

Cuối cùng cũng phải ra đi, tờ báo Anh Sun Herald nhận định. Blatter bất ngờ rút lui, bình luận của tờ báo Đức Bild. Qua các bức vẽ biếm họa, các tờ báo này thường so sánh FIFA như một băng đảng mafia, còn nhân vật Blatter được phác họa như một kẻ chuyên vác bao bố gồm toàn là bạc giấy đô la ….

Một cách nghiêm túc hơn, tờ báo Thụy Sĩ Le Temps đánh giá : ông Sepp Blatter từ chức phải chăng vì mục đích cao cả, để tránh làm sứt mẻ thêm uy tín của liên đoàn quốc tế bóng đá, hay là ông từ chức bởi vì gọng kềm điều tra ngày càng siết chặt lại.

Theo tờ báo, dường như ông Blatter cuối cùng đã nhận thức được một điều : cho dù có ngự trị làng bóng đá trong nhiều năm, nhưng ông không có đủ tầm vóc để đối đầu với tư pháp Hoa Kỳ. Các cuộc điều tra đang tiến lên gần thượng tầng lãnh đạo, nhiều nhân vật ‘‘đầu não’’ của FIFA đều có nguy cơ sa lưới pháp luật.

Tẩy sạch những vết dơ bẩn, sặc mùi tham nhũng gian lận

Nhìn chung, báo chí đều có cùng quan điểm : đã đến lúc phải thay đổi toàn bộ các định chế quản lý và điều hành làng bóng đá quốc tế. Theo tờ báo Anh Daily Telegraph, liên đoàn FIFA phải rủ bỏ lớp áo cũ, tẩy sạch những vết dơ bẩn, sặc mùi tham nhũng và gian lận. Nhưng để làm được điều này, thì cần phải có một cuộc cách mạng, chứ cải tổ theo kiểu chấp vá không thôi, vẫn chưa đủ.

Tờ báo The Guardian chia sẻ một phần quan điểm này trong bài xã luận : việc ông Blatter từ chức không có nghĩa là bỗng nhiên thế giới bóng đá từ nay sẽ tốt hơn, triều đại cũ kết thúc nhưng lại mở ra một kỷ nguyên mới, đó là cơ hội để cho liên đoàn quốc tế bóng đá xây dựng lại một nền tảng vững chắc, minh bạch hơn. Nhưng The Guardian vẫn tỏ ra hoài nghi khi cho rằng : chưa chắc gì FIFA sẽ rút tỉa được ngay những kinh nghiệm từ trường hợp của ông Blatter, một sự thay đổi sâu rộng đòi hỏi nhiều thời gian, như con tàu càng lớn thì đổi hướng lái càng chậm.

Liệu việc ông Blatter từ chức có tác động gì tới các Cúp bóng đá thế giới ? Tuần báo Le Courrier International trích dẫn tờ Telegraph cho rằng trong trường hợp người kế nhiệm ông Blatter tuyên bố rằng việc lựa chọn nước Nga cũng như Qatar không còn có giá trị, thì nước Anh sẵn sàng đứng ra thay thế để tổ chức World Cup. Cúp bóng đá thế giới 2018 đã gần kề cho nên việc thay đổi nước chủ nhà sẽ rất khó khăn. Quyết định duy trì World Cup 2018 tại Nga vẫn là dự án khả thi nhất.

Ngược lại, vấn đề của World Cup 2022 dự trù diễn ra tại Qatar có thể bị xem xét lại. Gần đây (ngày 27/05 vừa qua) báo Washington Post đã tiết lộ có khoảng 1.200 lao động nhập cư đã thiệt mạng từ khi Qatar mở các công trường, xúc tiến xây cất sân vận động. Theo Telegraph, không có đáng ngạc nhiên cho lắm khi một số quốc gia sẽ khai thác nhược điểm này của Qatar để đòi xét lại việc tổ chức Cúp bóng đá thế giới 2022.

Du học sinh Trung Quốc bị tẩy não ?

Mồng 4 tháng 6 là ngày kỷ niệm biến cố Thiên An Môn. Báo Le Monde hôm nay đề cập tới một bức thư ngỏ với toàn giới sinh viên ở Trung Quốc. Nội dung bức thư tố cáo sự im lặng mà chính quyền Bắc Kinh áp đặt lên phong trào Mùa Xuân Bắc Kinh. Giới trẻ ở Hoa lục hầu như không bao giờ được nghe nói tới vụ đàn áp phong trào đòi dân chủ trên quảng trường Thiên An Môn.

Theo Le Monde, bức thư ngỏ này là của một nhóm sinh viên Trung Quốc đi du học ở nước ngoài. Người viết thư là Gu Yi, một sinh viên ngành hóa học tại trường đại học Georgia, Atlanta Hoa Kỳ, trong bức thư có thêm 10 sinh viên Trung Quốc khác đồng ký tên và tính tới nay họ đã thu thập được hơn 200 chữ ký của giới thanh niên đi du học tại Anh và tại Úc.

Được đăng trên các mạng xã hội từ ngày 27 tháng Năm vừa qua, bức thư này đã không thu hút được nhiều sự chú ý, kể cả khi Gu Yi cùng với một số bạn học biểu tình trước sứ quán Trung Quốc trại Washington DC. Theo Le Monde, trên các mạng xã hội có rất nhiều lời hô hào tập hợp, kêu gọi đấu tranh, nhưng đa số đều chìm trong lòng biển thông tin.

Nhưng bức thư ngỏ của giới du học sinh Trung Quốc lại thu hút sự chú ý của dư luận, sau khi tờ Hoàn cầu Thời báo (Global Times), được xem như là cơ quan ngôn luận của chính quyền đã đăng một bài xã luận để nói về chuyện này. Hoàn cầu Thời báo tố cáo: ‘‘Các lực lượng thù nghịch đang nhắm vào giới trẻ Trung Quốc …. Giới du học sinh ở nước ngoài bị nhồi sọ tẩy não’’. Tờ báo này còn ghi rõ thêm là : ‘‘Xã hội Trung Quốc đã đồng thuận là sẽ không thảo luận về sự cố năm 1989’’.

Làm gì mà có chuyện đòng thuận ? Tờ Le Monde hỏi vặn lại. Theo Le Monde, chỉ cần nhìn vào các hình thức kiểm duyệt hay đàn áp được triển khai vào ngày này năm ngoái, nhân dịp kỷ niệm 25 năm Thiên An Môn, thì người ta cũng đủ hiểu rõ vấn đề. Về số phận của Gu Yi và các bạn học đồng ký tên vào thư ngỏ, tờ báo cho rằng, nếu có trở về, thì có lẽ họ không còn nhiều hy vọng lập nghiệp tại Hoa lục. Chưa gì, công an Trung Quốc đã bắt đầu sách nhiễu gia đình người thân của một số sinh viên ký tên vào bản kiến nghị.

Thuyền nhân : châu Âu lạnh nhạt, châu Á thờ ơ

Tuần báo L’Obs, số phát hành hôm nay dành trang quan điểm để bàn về vấn đề ‘‘thuyền nhân quốc tế’’. Tuy không hẹn, nhưng có đến hai thảm kịch nhân đạo xảy ra cùng lúc, cho dù khoảng cách giữa khu vực phía nam Địa Trung Hải và vùng vịnh Bengale gần biển Andaman, tương đương với nửa vòng trái đất

Theo l’Obs, vấn đề di cư hay tỵ nạn ở đây đang lan rộng chứ không còn liên quan riêng gì tới một quốc gia. Trong quyển sách đề tựa Buôn Người, hai nhà báo Andrea Di Nicola và Giampaolo Musumeci cho thấy thảm cảnh thuyền nhân chạy trốn khỏi Libya hay Syria để rồi, một là bỏ mình trên biển, hai là cập bến Lampedusa là do các đường dây đưa người vượt biên, tổ chức có hệ thống, trục lợi khổng lồ vì doanh thu có thể lên tới cả tỷ đô la.

Trong trường hợp của người Rohingya, thuyền nhân vượt biên vì Miến Điện có chính sách phân biệt đối xử với thành phần không cùng tôn giáo và sắc tộc. Hai nguyên nhân khác nhau nhưng dẫn tới cùng một hệ quả : các nhân vật nổi tiếng kể cả bà Aung San Suu Kyi giữ im lặng, cộng đồng quốc tế thì không can thiệp.

Về điểm này, tuần báo L’Obs phán cho một câu : Liên Hiệp Quốc không còn xứng đáng với tên gọi của mình vì cho tới giờ này vẫn chưa ra tay hành động. Bên cạnh vấn đề thuyền nhân, còn có thảm cảnh của người nhập cư bị tấn công ở Nam Phi, hay là vùng biên giới giữa Mỹ và Mêhicô.

Cho tới giờ, tất cả đều là những tuyên bố chung chung hay là những lời nói suông, cùng lắm là những biện pháp chữa cháy chứ không bàn tới gốc rễ vấn đề. Rốt cuộc châu Âu vẫn khoanh tay đứng nhìn, còn Đông Nam Á thì lạnh nhạt thờ ơ.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.