Vào nội dung chính
MALAYSIA - CHÂU Á - MH17

Vụ MH17 bị bắn rơi : cuộc điều tra bất khả

Diêm vương tinh (Pluton) lộ mật, nhà nước Pháp phát biểu trong sự đe dọa của khủng bố, châu Âu siết vòng kim cô bảo hộ Hy Lạp, những chướng ngại cản trở cuộc điều tra tìm thủ phạm bắn rơi chiếc máy bay Malaysia MH17 trên không phận Ukraina, nông nghiệp Pháp sợ bị cạnh tranh dữ dội hơn dù xuất khẩu vẫn tăng, là những đề tài trên báo chí Pháp ngày 17/07/2015.

Một mảnh vỡ của chuyên cơ dân dụng MH17, hãng Malaysia Airlines, bị bắn nổ tung trên không phận Ukraina, ngày 17/07/2014.
Một mảnh vỡ của chuyên cơ dân dụng MH17, hãng Malaysia Airlines, bị bắn nổ tung trên không phận Ukraina, ngày 17/07/2014. REUTERS/Maxim Zmeyev
Quảng cáo

Đúng vào ngày này một năm trước đây, 17/07/2014, chiếc phi cơ dân dụng của hãng Malaysia Airlines MH17, trên đường bay Amsterdam-Kuala Lumpur bị bắn nổ tung trên không phận đông Ukraina. Toàn thể 298 hành khách và nhân viên phi hành đoàn thiệt mạng. Hà Lan trả giá nặng nhất với 196 công dân tử vong. Matxcơva và Kiev đổ trách nhiệm cho nhau cộng với xung khắc địa chính trị gây trở ngại cho các nhà điều tra.

Qua những dòng dẫn nhập này, Le Monde dành hai trang để giúp độc giả tự phán đoán : bí ẩn đầu tiên bao trùm kẻ đã ra tay bấm nút tên lửa Buk tối tân. Lính Nga hay phiến quân Ukraina ? Các nhà điều tra độc lập biết rõ trong thời gian đó, lữ đoàn chiến xa Koursk có mặt trong vùng Donbass mà thiết giáp Nga đi đâu cũng có tên lửa Buk yểm trợ để không bị làm mồi cho không quân đối phương. Các nhà điều tra cũng biết không quân Ukraina cũng thường lợi dụng hiện diện của máy bay dân sự bay ngang để thi hành phi vụ tránh « ra-đa » phòng không.

Chính quyền Nga và báo chí theo nhà nước cũng nhập trận đưa ra hành loạt « chứng cớ » cáo buộc Ukraina. Thế nhưng những « chứng cớ » này như hình ảnh chiến đấu cơ SU-25 của Ukraina bắn tên lửa là ảnh lắp ghép « thô thiển » theo nhận định của Le Monde. Rồi « nhân chứng thứ hai, một nhân viên kiểm soát không lưu người Tây Ban Nha » phục vụ tại Kiev do truyền hình Nga kể tên chỉ là một nhân vật không có thật. Ngay phát ngôn viên của ủy ban điều tra Nga là Vladimir Markin cũng nói dối.

Cánh tay pháp lý của Putin, khẳng định trên đài truyền hình là một « chuyên viên cơ khí của không quân Ukraina » xác nhận một chiến đấu cơ SU-25 của Ukraina cất cánh vào buổi trưa ngày 14/07/2014 và nhân chứng này đang tỵ nạn tại Nga. Thế nhưng, theo Le Monde, khi Ngoại trưởng Hà Lan Bert Koenders sang Matx cơva gặp đồng sự Serguei Lavrov để « bàn về thảm nạn MH17 và truy tầm thủ phạm thì cuộc trao đổi này gặp nhiều khó khăn, bất đồng trên nhiều điểm » theo như lời tuyên bố của chính Ngoại trưởng Hà Lan sau khi gặp Ngoại trưởng Nga. Còn truyền thông Nga hoàn toàn im lặng về chuyến đi của Ngoại trưởng Hà Lan.

Chính phủ Hà Lan cho biết sẽ cương quyết truy tìm thủ phạm bằng mọi giá. Dự án thành lập tòa án xét xử thủ phạm được đệ trình Liên Hiệp Quốc nhưng tổng thống Nga chống lại với lập luận « sáng kiến này không đúng lúc và không hiệu quả ». Tại sao Nga ngụy tạo chứng cớ và tìm mọi cách ngăn chận nỗ lực truy tìm sự thật ?
Trước chướng ngại ngăn chận Liên Hiệp Quốc thành lập tòa án, ba nước Hà Lan, Ukraina và Malaysia có thể sẽ phối hợp tổ chức.

Pluton lộ bí mật

Hình ảnh Diêm vương tinh, trước đây được xếp loại là « hành tinh » xa nhất trong Thái dương hệ tràn ngập báo chí Pháp. Pluton, độ phân giải cao, tựa đơn giản của Libération . Núi băng và vực sâu : Pluton và trăng Charon cung cấp bí mật. Phi thuyền New Horizons của Mỹ, sau 9 năm du hành, gửi về những bức ảnh cho thấy cấu trúc địa lý bất ngờ, Diêm vương tinh không phải là « hành tinh chết ».

Le Monde nhấn mạnh đến những khe núi sâu đến 8km của Diêm vương tinh làm những vực sâu của miền tây nước Mỹ phải e thẹn. Nhưng câu hỏi quan trọng, đối với các nhà khoa học là liệu trên Pluton có nước ? Núi băng ngút ngàn chứng tỏ băng đá không phải do khí methane cấu thành mà rất có thể là nước. Những cấu trúc địa chất này gập ghềnh chứng tỏ Pluton và vệ tinh Charon bị chi phối của sức hút trọng lực.

Thế nhưng, chung quanh Pluton không có tinh thể quan trọng đủ tạo ra lực theo nguyên tắc cổ điển vạn vật hấp dẫn. Thế thì, Pluton bị chi phối bởi lực vô hình nào ? Giới khoa học gia tin rằng những bức ảnh sắp đến sẽ cho biết thêm nhiều thông tin để suy đoán.

Tổng thống Pháp « lộ mật » bị chỉ trích

Một âm mưu khủng bố bị ngăn chận kịp lúc. Một nhóm thanh niên từ 17 đến 23 tuổi trong đó có một lính hải quân phục viên, dự tính tấn công vào một trung tâm huấn luyện biệt kích, bắt một sĩ quan chặt đầu. Tin này do Tổng thống François Hollande « tiết lộ » ngày 15/07 vài giờ trước khi Bộ trưởng Nội vụ thông báo với báo chí.

Le Monde nhấn mạnh đến yếu tố « hối hả » của chính phủ và giải thích vì nhu cầu « thời cơ » : một là vào lúc đạo luật an ninh chống khủng bố gây tranh cải đang được Hội đồng Hiến pháp xem xét. Hai là Bruxelles bật đèn xanh cho dự án an ninh hàng không được Pháp hậu thuẫn, thành lập phiếu lý lịch hành khách đi máy bay. Dự án này cho đến nay bị Nghị viện Châu Au ngăn chận nhân danh tự do cá nhân. Vấn đề là sự kiện chính phủ loan báo chiến công chống khủng bố để làm công luận an tâm lại gây ra tranh luận gay gắt trong hai ngày qua.

Nhật báo cánh tả Liberation nhận định : Nhà nước phát biểu dưới sự đe dọa của khủng bố. Còn đồng nghiệp cánh hữu Le Figaro cáo buộc tổng thống Hollande tìm cách lên điểm trong công luận. Le Figaro mỉa mai : nếu người tiết lộ thông tin là Nicolas Sarkozy thì chắc chắn ông Holande sẽ chỉ trích là « phô trương siêu đẳng với truyền thông ».

Tuy chỉ trích Tổng thống xã hội, nhật báo cánh hữu dành hai trang để điểm qua những mối đe dọa : chiếc bóng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo đằng sau âm mưu tấn công một căn cứ quân sự. Anh ninh tăng cường bảo vệ các cơ sở trọng yếu. Bộ Quốc phòng lo ngại tình trạng « cực đoan hóa » trong giới quân nhân sau nhiều vụ khủng bố xuất thân là binh sĩ giải ngũ.

Nhà Hồi giáo học Mathieu Guidière lý giải : quân đội Pháp tuyển mộ một cách tự nhiên những thanh niên không có năng khiếu cho họ làm binh nhì. Bị xem thường, những người lính trẻ này rất dễ thất vọng. Không phải vì thế mà họ theo thánh chiến nhưng đã có trường hợp một thanh niên thi trượt vào hiến binh đã tìm cách sáng Syria. Bị bắt, thanh niên này được theo học khóa « phản tẩy não » với kết quả khích lệ.

Libération cũng nhìn nhận chính phủ Pháp hiện nay cũng như các chính phủ trước đều đã sử dụng các hình thức khác nhau để loan tin về khủng bố : giữ kín để điều tra hay thông báo để dân chúng đề phòng. Cách nào cũng có lợi và hại. Không thể đồng hóa khủng bố với chiến tranh. Chiến tranh thật sự, theo Libération, diễn ra tại Irak và Syria.

Còn tại nơi khác, như ở Pháp, là tuyên truyền bằng hành động giết người. Chiến tranh chống khủng bố buộc phải giới hạn quyền tự do, đây chính là mục tiêu mà khủng bố muốn đạt được trong một nước dân chủ. Các chế độ dân chủ phải tự vệ bằng hành động của cảnh sát không được sai sót và bằng thông minh chính trị. Chỉ trích Tổng thống Hollande « vi phạm » truyền thống kín tiếng mà ông tự cam kết, Libération cho rằng « khi làm công luận mù mờ, khi gọi một băng sát nhân không đúng tên » thì đó là nhượng bộ khủng bố.

Nhật báo La Croix trong bài xã luận « Bình tĩnh để đối phó với đe dọa » đã chia sẻ đồng tình với chính phủ Pháp. Hành động « mô phạm » giải thích cặn kẽ nguy cơ đe dọa nước Pháp là cần thiết. Tuy nhiên, nhật báo Công giáo cảnh báo chính phủ cần phải tránh hai thái độ cực đoan : làm dân sợ để « trục lợi chính trị » hoặc che dấu thông tin nhân danh « đoàn kết quốc gia ».Thái độ đúng đắn nhất trong tình hình quốc gia bị khủng bố đe dọa là chính phủ phải « tỉnh táo », phải nhìn cho rõ, không phải lúc nào cũng « la hoảng ».

Vai trò Mỹ và Đức giúp lối thoát cho Hy Lạp

Thủ tướng Hy Lạp thành công nhờ vào đối lập bỏ phiếu thông qua dự luật thắt lưng buộc bụng. Ngân hàng Trung ương Châu Âu cứu giúp Hy Lạp. Athens thoát nạn thiếu tiền thanh toán. Nhưng dân Hy Lạp thận trọng đã chọn giải pháp tiêu tiền hơn là tiết kiệm. Trên đây là các tựa của Le Figaro. Le Monde và Libération cùng nhận định : quốc hội biểu quyết, liên minh cánh tả chia rẽ.

Hai ngày sau khi chủ nợ đồng ý cung cấp cho Athens một ngân khoản 80 tỷ euro, Le Monde phân tích tại sao không nên sỉ vả Thủ tướng Đức Angela Merkel. Phải cám ơn nhà lãnh đạo này đã luôn bảo vệ các định chế Châu Âu. Không có các định chế quý báo này thì Châu Âu có lẽ đã rơi vào tình trạng của Hy Lạp khi bị các chính trị mị dân cai trị, bất chấp nguyên tắc cơ bản của thị trường và quản lý tài chính nhà nước.

Le Figaro nhắc đến một « ân nhân » khác của Hy Lạp : đó là Hoa Kỳ. Dù cho Tổng thống Obama có quay trục về Châu Á thì trong thời gian khủng hoảng Hy Lạp, Bộ trưởng Tài chính Jack Lew đã không tiếc thời gian, điện đàm không biếtt bao nhiêu lần với các đồng nhiệm Châu Âu và các đối tác ở Bruxelles. Lý do : Châu Âu là thị trường số một của Mỹ. Trong lợi ích của Mỹ, Châu Âu phải hùng cường. Đó là nhận định của chính Bộ trưởng Jack Lew.

Kết thúc điểm báo hôm nay với bức ảnh một chú bò dễ thương chiếm trọn trang nhất La Croix . Hình ảnh này được minh họa cho một bài phóng sự dài nói lên những lo âu của nông dân Pháp trước thế cạnh tranh của các nước láng giềng. Tuy nhiên, trong phần kết, nhật báo Công giáo cho biết xuất siêu của nông sản Pháp trong năm 2014 là 3,7 tỷ euro. Mức thặng dư tăng gần gấp đôi so với 4 năm về trước.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.