Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - XÃ HỘI

Trung Quốc và chính sách phân biệt chủng tộc

Chính sách của Bắc Kinh đối với các sắc tộc thiểu số là một khía cạnh cho đến giờ ít được nghiên cứu tới. Đàng sau hành động trấn áp, các chương trình "phát triển" kinh tế, ẩn giấu một tư tưởng ăn sâu trong lòng xã hội từ xa xưa: đó là tại nước này, mọi thứ đều không bình đẳng. Về chủ đề này, Gray Tuttle - nhà nghiên cứu về Tây Tạng hiện đại, thuộc khoa Ngôn ngữ và Văn minh Đông Á, Đại học Columbia, Hoa Kỳ - có bài phân tích sâu sắc đăng trên tờ bán nguyệt san Đối Ngoại, tại New York. Courrier International số ra ngày 01/10/2015 lược dịch lại dưới tiêu đề "Dân tộc Hán và những sắc tộc khác".

Một ngôi làng Tây Tạng ở Shangri-La, khu tự trị Tây Tạng.
Một ngôi làng Tây Tạng ở Shangri-La, khu tự trị Tây Tạng. 网络
Quảng cáo

Phân biệt chủng tộc cản trở sự phát triển « xã hội hài hòa »

Đầu tiên hết, tác giả nhận định: Bất chấp những thay đổi lớn diễn ra trong những thập niên gần đây, Trung Quốc vẫn chưa mấy tiến bộ trong cái cách đối xử những sắc tộc thiểu số của mình. Đó là vì, các phân tích được tiến hành về những bất ổn tại Tây Tạng và tại nhiều vùng khác (như Tân Cương chẳng hạn) thường hay bỏ qua một yếu tố chủ chốt: đường lối cứng rắn Bắc Kinh đưa ra không những không phản ảnh được mong ước của chính quyền trung ương củng cố uy quyền trên những vùng lãnh thổ xa xôi, mà còn là một sự biểu hiện thành kiến sắc tộc và một chủ nghĩa chủng tộc bám rễ sâu trong lòng xã hội Trung Quốc.

Sự bất lực (hay thái độ chần chừ) của chính quyền Bắc Kinh tấn công vào vấn đề này là một mối đe dọa trong dài hạn đối với chính quyền trung ương. Sự thù hằn sâu nặng và kiểu phân biệt chủng tộc nặng nề đối với người Tây Tạng hay những sắc tộc không thuộc tộc người Hàn sẽ cản trở Trung Quốc làm dịu những làn sóng phản đối mạnh mẽ đang làm rúng động nhiều vùng lãnh thổ.

Vào lúc mà đất nước đang ngày trở nên thịnh vượng và hùng cường hơn, việc loại trừ hành động cưỡng bức các sắc tộc thiểu số đang phá hỏng những nỗ lực của Trung Quốc để nhào nặn "một xã hội hài hòa" và tự đem mình ra như là một mô hình cho phần còn lại của thế giới.

Bất công trên mọi mặt

Các con số ước tính tuy biến đổi nhưng người ta ước lượng số người thuộc các sắc tộc thiểu số là chừng 120 triệu người(trên tổng số là 1, 3 tỷ dân Trung Quốc). Các sắc tộc thiểu số như người Kazakhs, Triều Tiên, Mông Cổ, Tây Tạng hay Duy Ngô Nhĩ, tuy chỉ chiếm có 8% dân số, nhưng sự tồn tại của họ cũng cho thấy có sự tương phản với hình ảnh được tuyên truyền về một xã hội đồng nhất.

Chẳng hạn người Tây Tạng, tuy chiếm có 5% số tộc người không phải là người Hán, nhưng cuộc đấu tranh của họ, không những gây sự chú ý trên toàn thế giới mà còn phản ảnh rõ sự từng trải của nhiều nhóm sắc tộc thiểu số khác. Bởi vì từ rất lâu, người Tây Tạng bị đối xử như là những công dân hạng hai, bị tước đoạt những triển vọng tương lai, những quyền cơ bản, quyền được luật pháp bảo vệ, những quyền mà tộc người Hán được hưởng.

Lời nói hiếm khi đi chung với việc làm. Từ việc phủ nhận quyền tự trị cho khu vực như Hiến pháp và luật quy định cho đến việc bảo tồn bản sắc văn hóa theo như quy định của luật pháp. Tiếng Tây Tạng hầu như bị gạt ra bên lề khi bắt buộc giáo dục học đường được thực hiện bằng tiếng Hoa kể từ cấp 2.

Không khuyến khích giới doanh nhân cũng như khối hành chính tuyển dụng người Tây Tạng. Việc đi lại của người Tây Tạng cũng bị hạn chế và thường xuyên là đối tượng bị theo dõi nhất là kể từ sau vụ biểu tình rầm rộ năm 2008 trên toàn khu vực. Người Tây Tạng còn bị từ chối tại các khách sạn ngay khi thẻ căn cước ghi rõ thành phần sắc tộc.

Ông Andrew Fischer, chuyên gia về xã hội và dân số Tây Tạng, Viện Khoa học Xã hội La Haye, Hà Lan, đã dựa vào con số thống kê của chính phủ Trung Quốc chỉ cho thấy cơ may tìm được một công việc tốt ở người Tây Tạng ít hơn rất nhiều so với người Hán, do chỉ được hưởng một nền giáo dục hạn chế hơn so với tộc người Hán. Ngay cả trong một khu vực có đông người Tây Tạng sinh sống, nhẽ ra họ phải có lợi thế hơn, nhưng họ vẫn kiếm được ít tiền hơn so với người Hán.

Tác giả cho rằng rất khó biết được trong chừng mực nào phân biệt chủng tộc và các thành kiến sắc tộc đang tạo ra sự bất bình đẳng này. Phần lớn người Trung Quốc, dân tộc Hán đều xem người Tây Tạng hay những sắc tộc thiểu số khác như là những sắc tộc và thậm chí chủng tộc khác.

Phân biệt sắc tộc có từ thời xa xưa

Theo tác giả, đương nhiên tư tưởng truyền thống của người Trung Hoa trước đây vẫn luôn đề cao tính ưu việt của nền văn hóa Trung Quốc, nhưng tư tưởng đó chưa bao giờ công khai ý tưởng kỳ thị chủng tộc. Chỉ cho đến cuối thế kỷ XIX, làn sóng trí thức từ Nhật Bản trở về mang theo những khái niệm mới, mang đậm thuyết bản chất hơn, các khai niệm về chủng tộc và sắc tộc từ đó bắt đầu du nhập vào Trung Quốc, đặc biệt là khái niệm « chủ nghĩa dân tộc » từ Nhật Bản.

Cho đến thập niên 20 của thế kỷ XX, vấn đề về bản sắc chủng tộc và sắc tộc mới bắt đầu lan rộng. Vào thời điểm này, nhà cách mạng Tôn Dật Tiên đang tìm cách biến đổi đế chế Trung Hoa thành một nhà nước hiện đại. Năm 1921, ông tuyên bố phải từ bỏ hoàn toàn tư tưởng các chủng tộc khác biệt.

Cũng chẳng nên lấy làm ngạc nhiên rằng những đánh giá của dân tộc Hán đối với người Tây Tạng mang đậm dấu ấn những định kiến và một chủ nghĩa gia trưởng ngấm ngầm, bởi vì bằng hành động xâm chiếm mà Tây Tạng ngày nay nằm dưới sự đô hộ của Bắc Kinh.

Công nhận sắc tộc thiểu số để dễ quản lý

Một trong những thách thức lớn dành cho các lực lượng cộng sản Mao Trạch Đông thời bấy giờ là làm sao củng cố được quyền kiểm soát của chính quyền trung ương lên các vùng biên giới. Sau khi chinh phục được Tây Tạng, năm 1954, chính quyền Trung Quốc chính thức nhìn nhận 38 sắc tộc thiểu số (trên tổng số 400 sắc tộc được nghiên cứu), trong đó có Tây Tạng. Ba mươi năm sau, có thêm 18 sắc tộc nâng tổng số các sắc tộc được công nhận lên thành 56.

Bắc Kinh thích phô bày sự nhìn nhận đó như là một dấu hiệu tôn trọng của Trung Quốc đối với các sắc tộc thiểu số. Thế nhưng, tác giả bài viết cho rằng, trong thực tế, đó chỉ là một bước kết tiếp hướng đến quy tắc hóa sự bất bình đẳng. Bởi vì theo quan điểm của đảng cộng sản Trung Quốc, người Tây Tạng và các sắc tộc thiểu số khác không có khả năng đảm nhiệm các vai trò lãnh đạo.

Không những người Tây Tạng và người dân tộc bị liên lụy trong các chương trình cải cách triệt để, hứng chịu sự tàn khốc của cuộc cách mạng Đại Nhảy Vọt (trước năm 1958) và cuộc Cách Mạng Văn Hóa (1966-1976), mà họ cũng không bao giờ có được một vị trí trong ban lãnh đạo Đảng.

Tuyên truyền bóp méo về các dân tộc thiểu số

Song song đó, chính quyền Bắc Kinh còn tiến hành giáo dục người Hán một hình thức kỳ thị mới công khai. Trong giai đoạn 1953-1966, nhiều phim ảnh được trình chiếu trên khắp nước cho thấy người dân tộc thiểu số sống trong những điều kiện khó khăn và sơ khai như thế nào trước khi được quân đội cộng sản giải phóng. Hay như mô tả Tây Tạng như là một « địa ngục trần gian » và người dân Tây Tạng là những con người hoang dã và lạc hậu, rất cần phải được khai hóa.

Đối với Mao Trạch Đông, quy định một hình thức kỳ thị chính thức không chỉ là cách duy nhất để biện minh cho một sự đô hộ gần như theo kiểu thuộc địa tại Tây tạng và ở những nơi khác, mà còn là một phương cách để củng cố bản sắc dân tộc Trung Hoa. Một bản sắc mà nếu không có những quy định đó, có lẽ sẽ còn bị phân hóa nhiều hơn nữa ở nhiều điểm rạn nứt tiềm tàng : giữa giàu và nghèo, thành thị và nông thôn, đồng bằng và miền núi.

Tác giả cho rằng những căng thẳng tại Tây Tạng ngày nay cũng gay gắt như thời cuối thập niên 1950 thế kỷ trước, khi chính quyền Bắc Kinh áp đặt cho vùng những thay đổi kinh tế, tôn giáo và xã hội mà Tây Tạng không hề mong muốn. Rồi như vụ bạo động năm 2008, chính quyền cũng xem đấy như một sai lầm so với những gì đang hình thành nên chuẩn mực ngày nay, thậm chí còn gia tăng kiểm soát vùng cao nguyên Tây Tạng, cai trị bằng tay sắt với sự hiện diện đông đảo hơn cảnh sát và quân đội.

Thay vì phải tỏ ra nghi ngờ về chính sách của Bắc Kinh đối với Tây Tạng, vụ bạo động năm đó, ngược lại đã đẩy một số người Hán, kể cả giới trí thức, tham gia vào ý tưởng có sự khác biệt về chủng tộc cơ bản giữa họ với người Tây Tạng, rằng rất nhiều người Hán cuối cùng lại xem đấy như là một mối nguy hiểm nội tại.

Phát triển kinh tế dễ bề kiểm soát

Tuy nhiên, tác giả cũng nhìn nhận là thỉnh thoảng cũng có nhiều tiếng nói chỉ trích trong nội bộ đảng nhưng không mấy hiệu quả. Trong bài diễn văn chính thức năm 1980 tại Lhassa, Tổng Bí thư đảng cộng sản Trung Quốc lúc bấy giờ là Hồ Diệu Bang đã công khai so sánh chính sách về Tây Tạng của bắc Kinh như là một hình thức chủ nghĩa thực dân, khẳng định rằng chính sách đó không trung thành với lý tưởng cộng sản. Thế nhưng những đề xuất của ông trao quyền tự chủ, công chức người Hán phải học tiếng Tây Tạng, thay thế lãnh đạo Hán bằng người Tây Tạng trong ban lãnh đạo đảng cộng sản tại Tây Tạng… đều bị rơi vào quên lãng.

Từ đó cho đến nay, các lãnh đạo đảng cộng sản luôn tin rằng với chiến dịch « phát triển phía Tây », thúc đẩy tăng trưởng và tạo cơ hội kinh tế cho những tỉnh biên giới là giải pháp tốt nhất để sửa chữa bất bình đẳng sắc tộc. Một loại các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng lớn đã được thực hiện. Nhưng theo phân tích của ông Andrew Fischer, được tác giả trích dẫn, các dự án này chỉ nhằm giúp cho Bắc Kinh kiểm soát dễ dàng hơn tình hình, chứ bản thân người dân Tây Tạng không hưởng được lợi gì mấy từ các chương trình này.

Trong bối cảnh chính trị hiện nay, khó có thể nghĩ đến việc cải thiện điều kiện cho người dân tộc thiểu số. Chính quyền Trung Quốc luốn đối xử các nhà hoạt động hay các nhà ly khai tại Tây Tạng cũng như nhiều vùng sắc tộc thiểu số khác như là nguồn xúi giục ly khai, thậm chí là những thành phần khủng bố. Hơn nữa, ngay chính bản thân người Hán chỉ được hưởng rất ít quyền công dân hay dân sự, chứ đừng mong mỏi gì hơn một sự tiến bộ về phương diện này cho các sắc tộc thiểu số.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.