Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - CHÂU ÂU

Công nhận Trung Quốc có nền kinh tế thị trường: Rủi ro tiềm ẩn cho Châu Âu

Hầu hết các tờ báo chính của Pháp, như Le Monde, Les Echos, Le Figaro đều hướng về Trung Quốc, nền kinh tế thứ 2 thế giới, đang trong cơn lao đao nhưng đồng thời cũng là mối đe dọa mới đối với kinh tế thế giới. Le Figaro chạy tựa lớn trang nhất với giọng đầy lo ngại : « Thương mại : Châu Âu trước mối đe dọa mới của Trung Quốc ».

Các container hàng xuất khẩu tại Sơn Đông, Trung Quốc, 06/12/2015.
Các container hàng xuất khẩu tại Sơn Đông, Trung Quốc, 06/12/2015. REUTERS/Stringer
Quảng cáo

Tại sao lại có mối đe dọa này ? Tờ báo cho biết, từ hôm nay, Ủy ban Châu Âu bắt đầu xem xét trả lời cho câu hỏi : Trung Quốc có phải là một nền kinh tế thị trường không ? Một câu hỏi có vẻ đơn giản nhưng kết luận của Châu Âu sẽ kéo theo nhiều hệ quả. Nếu câu trả lời khẳng định là « có » thì Bắc Kinh sẽ được thay đổi vị thế làm ăn với thế giới và phương Tây sẽ bị mất đi thứ vũ khí « chống phá giá hay chống trợ giá » để nhằm vào hàng hóa xuất khẩu Trung Quốc. Khi đó hàng hóa « Made in China » sẽ tràn ngập thị trường và công ăn việc làm ở các nước phương Tây sẽ bị đe dọa nghiêm trọng.

The Le Figaro, từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới 2001, Trung Quốc vẫn chưa được công nhận là nền kinh tế thị trường. Thời hạn để Bắc Kinh chuyển đổi hẳn sang thành nền kinh tế thị trường là 15 năm. Chính vì vậy mà trong suốt thời gian qua, chỉ riêng trong lĩnh vực làm ăn buôn bán với Liên Hiệp Châu Âu, hàng hóa Trung Quốc vào EU vẫn phải chịu tới 16 cuộc điều tra chống phá giá. Ngoài ra hàng Trung Quốc cũng đã phải chịu 52 trên tổng số 68 loại thuế « phạt » do Bruxelles áp đặt dưới hình thức thuế hải quan bổ sung.

Giờ đây nếu thừa nhận Trung Quốc có nền kinh tế thị trường thì ngay lập tức sẽ kéo theo những hệ lụy. Tại Châu Âu, khoảng 300 nghìn lao động trong các lĩnh vực dệt may, đồ gia dụng, hàng điện tử hay luyện kim sẽ bị đe dọa.
Ngay lúc này giới công đoàn châu Âu đã lên tiếng chống, theo họ, « Trung Quốc không xứng đáng được hưởng ưu đãi của một nền kinh tế thị trường », bởi mọi quyết định đầu tư vẫn do Nhà nước do một đảng độc nhất lãnh đạo quyết định.

Theo Le Figaro, quan điểm của chính quyền Mỹ về vấn đề này rất rõ ràng là «không» công nhận. Với Liên Hiệp Châu Âu câu trả lời không dễ dàng. Châu Âu, đối tác thương mại hàng đầu của Trung Quốc, đang đứng trước sự lựa chọn khó khăn bởi cái được và mất quá lớn. Một lần nữa vấn đề này lại gây chia rẽ trong Liên Hiệp. Anh Quốc và Hà Lan thì tỏ ra năng nổ chấp thuận, trong khi Pháp, Ý và các nước Trung Âu lại tỏ ra lo ngại. Chỉ còn lại Đức là có thể sẽ có tiếng nói quyết định trong vụ này, nhưng Berlin vẫn chưa cho thấy rõ lập trường rõ ràng.

Đến tháng 11 năm nay, quy chế nước có nền kinh tế phi thị trường của Trung Quốc sẽ hết hạn tại WTO, bởi vậy mà Liên Hiệp Châu Âu, đối tác thương mại hàng đầu của Trung Quốc, bắt buộc phải có sự lựa chọn.

Kinh tế Trung Quốc hắt hơi, cả thế giới sổ mũi ?

Vẫn đề tài về kinh tế Trung Quốc, Le Monde nhìn vào thực trạng đáng lo ngại hơn cả những trồi sụt của thị trường chứng khoán, hay tăng trưởng đi xuống của nền kinh này đó là tình trạng nợ nần cực lớn.Tờ báo ghi nhận, cường quốc kinh tế lớn thứ 2 thế giới Trung Quốc chiếm 18% tổng thu nhập nội địa (GDP) và 14% hàng xuất khẩu của cả hành tinh này đang được cả thế giới theo dõi rất sát từng biến động nhỏ trong thời gian gần đây.

Tờ báo dẫn lời các chuyên kinh tế nhận định : Các khó khăn của kinh tế Trung Quốc dù lộ ra hay không đều gây lo ngại cho viễn cảnh kinh tế thế giới đặc biệt hơn là đối với các nước có nền kinh tế đang trỗi dậy.

Le Monde quan sát thấy, vào lúc mà hoạt động kinh tế Trung Quốc giảm tốc, định hướng chuyển đổi cơ cấu kinh tế còn nhiều phức tạp, kinh tế Trung Quốc hiện rõ bản chất là « người khổng lồ chân đất sét », mà sự tăng trưởng của nó được bơm lên bằng khoản nợ khổng lồ. Trong công nghiệp, tỉ trọng nợ trên vốn đã vượt từ 90% trong những năm 2000 lên 230% vào thời điểm này.

Nhật báo kinh tến Les Echos cũng có bài viết mang tiêu đề « Trung Quốc hắt hơi, cả thế giới sổ mũi ? » . Tác giải bài viết trở lại với việc thị trường chứng khoán Trung Quốc liên tục lao dốc từ đầu năm đến nay làm cho vốn chứng khoán của nước này bốc hơi hàng trăm tỉ. Nạn nhân của vụ sập chứng khoán này không chỉ là Trung Quốc mà là ngành công nghiệp dầu mỏ và sản xuất nguyên vật liệu của cả thế giới, đặc biệt ở những nước gắn số phận của mình với Trung Quốc, như nhiều nước châu Phi và một số nước có nền kinh tế đang trỗi dậy.

Giá dầu thế giới tiếp tục hạ thấp kỷ lục

Tiếp tục với trang kinh tế, giá dầu tiếp tục giảm mạnh đang làm đau đầu các nhà sản xuất dầu mỏ của OPEP. Theo nhật báo kinh tế Les Echos, giá dầu thế giới lại xuống thấp tới mức kỷ lục dưới 30 đô la một thùng, giá thấp nhất kể từ 12 năm nay. Thực tế này đang gây sức ép lớn đối với Tổ chức các nước xản xuất dầu OPEP, đặc biệt đối với Ả Rập Xê Út, quốc gia lãnh đạo tổ chức này. Hiện tượng giá dầu hạ thấp liên tục, theo Les Echos, là do khủng hoảng kinh tế thế giới, nhu cầu về dầu giảm nay chỉ còn 1,5 đến 2 triệu thùng mỗi ngày.

Không ai dám dự đoán được ngưỡng xuống của giá dầu. Ngân hàng Goldman Sach nhận định có thể giá dầu còn xuống tới 20 đô la / thùng nếu khả năng tích trữ dầu đạt mức giới hạn . Trong khi đó Morgan Stanley thì cho rằng giá dầu không thể xuống đến 20 hay 25 đô la/thùng.

Vụ khủng bố Istanbul : Thổ Nhĩ Kỳ phải thức tỉnh

Thời sự nổi bật của các báo pháp ra hôm nay là vụ đánh bom khủng bố giữa thủ phủ kinh tế du lịch Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ hôm qua (12/01/2016) làm 10 người thiệt mạng, trong đó có 9 du khách ngoại quốc. Như vậy là Thổ Nhĩ Kỳ giờ trở thành mục tiêu mới của Daech. Tựa trang nhất của Libération : « Thổ Nhĩ Kỳ, kho thuốc nổ của Châu Âu ».

Tờ báo nhận định : « Những di căn của cuộc xung đột Syria đang ngày càng lan sang Thổ Nhĩ Kỳ. Vụ khủng bố hôm qua tại khu du lịch nổi tiếng Istanbul đã gợi nhắc một cách đau đớn rằng đất nước, trụ cột của NATO ở mạn đông nam này giờ đây đang bị đẩy lên tuyến đầu của cuộc chiến chống khủng bố.Libération nhắc lại là từ lâu nay, chính quyền bảo thủ (Ankara) vẫn cho rằng quân thánh chiến là lực lượng hữu dụng để đánh đổ chế độ Bachar Al Assad, cũng như tiêu diệt lại lực lượng người Kurdistan ly khai. Cho tới tân mùa hè năm ngoái thì Ankara mới bắt đầu thực sự đánh vào tổ chức Nhà nước Hồi giáo… »

Các báo đều có chung một nhận xét, từ lâu nay Thổ Nhĩ Kỳ vẫn thể hiện vai trò mập mờ trong cuộc chiến ở Syria và cuộc chiến chống lại lực lượng người Kurdistan ly khai với Thổ. Lần này thì đến lượt Thổ Nhĩ Kỳ phải trả giá. Vụ tấn công khủng bố hôm qua tại Istanbul đã khiến cho Ankara không còn được phép lựa chọn kẻ thù nữa.

Trong khi đó, xã luận của nhật báo Le Figaro chạy dòng tựa : « Erdogan, hãy chấm dứt ảo tưởng ». Tờ báo khẳng định, giờ đây trong khu vực Trung Đông đang bị xé nát thành nhiều mảnh này, không một chế độ nào có thể an toàn được với nạn thánh chiến. Sau khi điểm lại các sự kiện cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ là kẻ thù của Daech cũng như mọi nước khác, Le Figaro kết luận : Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ chỉ có cách duy nhất để thoát khỏi cái bẫy hiện nay là « gia nhập thực sự vào cuộc chiến mà các đồng minh NATO đang tiến hành, đồng thời từ bỏ những ảo tưởng » và mưu đồ của mình.

Đức chỉ mặt người nhập cư phạm pháp

Chủ đề đã làm tốn không ít giấy mực của báo chí Pháp cũng như Châu Âu thời gian gần đây, đó là chủ đề người nhập cư. Trang quốc tế báo Le Figaro có bài : « Cologne : Cảnh sát chỉ rõ những kẻ phạm tội người Bắc Phi ».

Sau các vụ xâm hại thân thể người trong đêm Giao thừa tại Cologne, giờ đây cảnh sát địa phương đã chỉ đích danh thủ phạm của các vụ phạm pháp, xâm hại người khác chủ yếu là những người gốc Bắc Phi, cụ thể là nhóm thanh niên người gốc Maroc và Algeri.

Theo một báo cáo của cảnh sát Đức, được Le Monde trích dẫn : Từ năm 2011, những đối tượng phạm tội đến từ vùng Bắc Phi, đặc biệt là các nước Algeri, Maroc Tunisia chiếm một phần đáng kể trong các vụ cướp giật tại Cologne. Các nhóm lưu manh này có xu hướng bạo lực, sử dụng thường xuyên vũ khí và cả hơi cay để phạm tội.

Vấn đề người nhập cư Bắc Phi đang gây nhiều phiền toái cho chính quyền, đồng thời làm chia rẽ nước Đức. Thông tin về tình trạng phạm pháp của người nhập cư trong những ngày tới sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đối với đời sống chính trị nước Đức

Trong khi đó báo Le Monde đưa tin « Thụy Điển giấu các vụ xâm hại tình dục mà người nhập cư là thủ phạm ».
Hôm qua báo chí Thụy Điển đã phát giác cảnh sát nước này từ năm 2015 đến 2015 đã giấu các vụ người nhập cư phạm tội xâm hại tình dục trong nhiều lễ hội âm nhạc lớn ở Thụy Điển. Tổng số có 38 vụ mà thủ phạm là người nhập cư đến từ Afghanistan đã được cảnh sát giấu nhẹm vì lo ngại sẽ gây ra những phản ứng bất lợi cho chính sách nhập cư của chính phủ hoặc sợ làm xáo trộn xã hội.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.