Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - XÃ HỘI

Trung Quốc: Tiếng kêu than từ vùng than!

Hai chủ đề thời sự đập mắt ngày 20/02/2016 là kế hoạch cải tổ luật lao động tại Pháp đang bị chống đối, và thỏa thuận đạt được giữa thủ tướng Anh và toàn thể các thành viên Châu Âu tối qua hầu níu kéo Anh Quốc ở lại châu Âu. Về thời sự châu Á, mục kinh tế của nhật báo Le Monde nhìn sang Trung Quốc, tại đây người lao động các vùng mỏ than đang phải trả một cái giá đắt trong tình hình kinh tế trì trệ hiện nay.

Than vẫn là nhiên liệu được sử dụng rộng rãi tại Trung Quốc.
Than vẫn là nhiên liệu được sử dụng rộng rãi tại Trung Quốc. CC/Brian Kelley
Quảng cáo

Tác giả bài phóng sự đã đi đến Đại Đồng (Datong), phía tây Bắc Kinh, được xem "thủ đô" của than đá, nơi tình hình ảm đạm thấy rõ do hoạt động kinh tế Trung Quốc chậm lại.

Bài viết mở đầu với cảnh đội thợ mỏ đội nón màu vàng, mặt đen đủi, một thanh sắt trên vai, không khác cảnh thấy trong phim ảnh. Họ chợt biến mất trong một cơ sở có vẻ kín đáo, đó là lối vào của một cái giếng sâu 700 mét. Cơ sở này là thuộc tập đoàn Đồng Môi (Tongmei), đứng thứ 3 tại Trung Quốc trong ngành khai thác than. Thành phố Đại Đồng sống nhờ vào ngành than và tập đoàn này.

Một viên chức tập đoàn cho biết vẫn phải tiếp tục khai thác than để duy trì hoạt động, để trả lương công nhân nhưng tập đoàn đã bị lỗ đến 1,7 tỷ yuan năm ngoái. Giá khai thác ngày càng cao lên vì ngày càng phải đào sâu thêm các mỏ than được khai thác gần một thế kỷ nay, trong khi giá than thị trường đã bị chia đôi từ mấy năm qua. Kinh tế Trung Quốc hoạt động chậm lại khiến mức tiêu thụ than tuột giảm.

Tình hình thua lỗ không phải chỉ riêng tại Đại Đồng, mà hầu như những vùng khai thác than khác cũng cùng số phận. Hậu quả xã hội không nhỏ.

Công nhân Đại Đồng cho biết, họ nhận lương đều, nhưng lương của họ đã bị giảm từ 20 đến 30%. Có người nói một cách tiếc nuối : trước đây 2-3 năm thôi, tôi còn lãnh 8.000 yuan một tháng, giờ thì còn khoảng 5.000 mà thôi.

Nhận được lương, dù có bị sụt, cũng còn đáng mừng. Hiệp Hội Than Trung Quốc cho biết là một nửa các tập đoàn than Trung Quốc đều trả lương trễ, đóng góp xã hội trễ, công nhân nhiều nơi đã phải xuống đường biểu tình đòi trả lương.

Tập đoàn than Long Môi (Longmei) ở Hắc Long Giang, tháng 9/2015, đã thông báo sa thải 100.000 công nhân trên tổng số 240.000 của tập đoàn. Chính quyền địa phương đã lao vào giúp đỡ để duy trì công việc làm, nhưng theo bài viết, tương lai vẫn rất đen tối.

Theo Le Monde, mặc dù có một kế hoạch quốc gia để giảm sản xuất dư thừa và đóng những mỏ than quá cũ kỹ, nhưng mối lo ngại hàng đầu của các địa phương là đấu tranh, bạo động xã hội, cho nên không ai muốn đi đầu trong việc giảm khai thác và sản xuất.

Trong số 3 triệu dân ở Đại Đồng chẳng hạn thì 1/3 sống nhờ vào tập đoàn Đông Môi, nên tập đoàn cứ phải tăng sản xuất hàng năm : 2015, tập đoàn sản xuất 180 triệu tấn, cao hơn 2014, 10 triệu. Và như một viên chức giải thích « nếu không thì không thể trả lương. Nhưng đây là một chính sách khó thể chịu đựng lâu dài. »

Nga : Chủ phi trường quốc tế Matxcơva bị thanh trừng ?

Cũng trên bình diện kinh tế, Le Figaro chú ý đến sự kiện chủ nhân phi trường lớn nhất ở Matxcơva bị bắt vào hôm thứ Sáu. Đối với Le Figaro, đây lại là một thủ đoạn của nhà nước Nga hoặc người thân cận với điện Kremlin nhòm ngó đến phi trường, cho nên tờ báo chay tựa : « Thanh toán nhau ở phi trường Matxcơva ».

Le Figaro giải thích là chủ nhân của phi trường Domodedovo, nhà tỷ phú Dmitri Kamenchtchik, 47 tuổi, đã bị bắt vì có thiếu sót về mặt an ninh của phi trường. Le Figaro nhận thấy vụ việc đượm tính chất rất đặc thù của Nga. Tờ báo nhắc lại sự vụ trên là hồi tiếp theo của vụ khủng bố tự sát Hồi Giáo ở sảnh đến của phi trường ngày 24/01/2011 làm 37 người thiệt mạng.

Tác giả bài báo hóm hỉnh mô tả vụ bắt ông Dmitri : Ông đã vào phòng điều tra với chiếc áo khoác trên người và một chiếc bàn chải đánh răng, để bị thẩm vấn, trong suốt 6 tiếng đồng hồ, sau đó bị chuyển qua một xà lim tạm giam, rồi quản thúc tại gia cho đến 18/04.

Các nhà điều tra Nga nghi ngờ ông đã cho giảm các biện pháp an ninh ở phi trường vì lý do tiết kiệm, giảm chi tiêu nhân sự vì không cho khám xét người một cách có hệ thống mà chỉ khám xét tùy tiện và đã để lọt kẻ khủng bố.

Le Figaro nhận thấy vụ chủ nhân phi trường bị bắt làm cho người ta nghĩ trước tiên đây là một thủ đoạn hù dọa đối với chủ nhân tư nhân duy nhất của phi trường Matxcơva. Với hơn 30 triệu lượt hành khách năm 2015, với trị giá ước tính 1,4 tỷ euro, phi trường đã khiến nhiều người thèm muốn và rất có thể rơi vào tay những chủ nhân mới thân cận với điện Kremlin.

Ông Putin đã được thông báo về vụ điều tra "đang gây ồn ào", theo lời người phát ngôn của ông, trong lúc ủy ban điều tra bị nghi ngờ hành sự theo lệnh của chính quyền.

Le Figaro nhìn thấy sự vụ không khác gì sự vụ Mikhail Khodorkovski, bị bắt năm 2003, bị tù 10 năm và công ty dầu khí Youkos của ông đã bị sát nhập vào tập đoàn nhà nước Rosneff.

Trong phần kết luận, Le Figarro trích lời một doanh nhân phương Tây nhận định ở Nga có 3 loại lãnh vực kinh tế : hợp pháp, đen và xám, trong lãnh vực xám này thì thường khi phải chịu quyết định độc đoán của nhà nước.

Obama đi thăm Cuba vào tháng Ba

Về thời sự quốc tế, báo Le Monde trở lại tin ông Obama công du Cuba vào tháng 3 này. Mở đầu bài viết tác giả Gilles Paris nhận thấy là ông Obama không để thời khắc lịch sử này cho người sẽ thừa kế ông vào ngày 20/01/2017.

Ngày 21/03/2016, đương kim tổng thống Mỹ sẽ là người đầu tiên đên Cuba theo gót người tiền nhiệm xa xưa Calvin Coolidge vào năm 1928. Sau những bước quan trọng từ thông báo nối lại quan hệ ngày 17/12/2014, mở lại sứ quán Mỹ tháng 8/2015, ông Obama đánh giá đã đến lúc đánh dấu một cách dứt khoát sự hòa giải và chuyến đi của ông sẽ có nhiều tác động.

Tại Hoa Kỳ, tờ báo nhắc lại là thông báo chuyến đi Cuba của ông Obama đã làm dấy lên phản đối từ đảng Cộng Hòa, vẫn không muốn bãi bỏ cấm vận đối với La Habana.

Le Monde cũng ghi nhận chuyến đi thăm Cuba của ông Obama diễn ra vài tuần trước Đại Hội Đảng Cộng Sản Cuba diễn ra vào tháng Tư. Cuba hiện vẫn phải dựa vào hỗ trợ kinh tế Venezuela.

Anh-châu Âu : Thủ tướng Anh giành thắng lợi

Thỏa thuận thủ tướng Anh đạt được với các thành viên khác châu Âu để tránh "Brexit", là một chủ đề rất được quan tâm : Le Fiagaro chào đón với hàng tựa : "Anh Quốc, trận chiến của cuộc trưng cầu dân ý về Châu Âu đã bắt đầu".

Tờ báo giải thích sau khi thủ tướng Anh giành được thỏa thuận tối qua về những điều kiện để nước Anh ở lại trong Liên Hiệp, các cánh thân châu Âu và chống đối châu Âu đều mài sắc vũ khí.

Trong phần phân tích, Le Figaro nhận thấy với thỏa thuận đạt được, thủ tướng Anh đủ lý lẽ để để vận động cho cuộc trưng cầu dân ý để Anh ở lại với Châu Âu.

Tuy nhiên, theo tờ báo có hai vấn đề khiến công việc không dễ dàng đối với thủ tướng Anh. Trước tiên, thỏa thuận quá kỹ thuật. Các phe thảo luận có thể hài lòng nhưng người dân bình thường thì rất khó hiểu, cho nên những người chống đối Anh ở lại trong châu Âu không tìm thấy lý do để thay đổi ý kiến

Lý do thứ hai, là khi lao vào việc tổ chức trưng cầu dân ý để xoa dịu cánh chống đối châu Âu trong đảng Bảo Thủ của ông, thì thủ tướng Cameron đã gieo "mầm chết chóc" đối với châu Âu, dù có "ở lại" trong những điều kiện đã giành được hay "ra khỏi" châu Âu. Vì Anh sẽ là một điển hình mà nhiều nước châu Âu có thể noi theo, và sẽ không còn quy tắc chung nào nữa mà chỉ sẽ là bắt bí với nhau.

Báo Libération cũng cùng nhận định khi trích lời những người chủ trương một châu Âu đoàn kết và mạnh mẽ, e ngại là Liên Hiệp tạo ra một tiền lệ nguy hiểm khi nhượng bộ để Anh không ra khỏi Châu Âu.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.