Vào nội dung chính
PHILIPPINES

Philippine: Ông Duterte lại tuyên bố gây sốc giới truyền thông

Phát biểu gây sốc gần như đã là bản tính của ông Rodrigo Duterte, nhưng hôm nay 01/06/2016, giới truyền thông Philippines tỏ ra hết sức bàng hoàng và phẫn nộ khi ông tổng thống vừa đắc cử tuyên bố cho rằng các nhà báo tham nhũng có bị giết cũng là điều hợp lẽ.

Ông Rodrigo Duterte nói chuyện với các nhà báo ở Davao hôm 26/05/2016.
Ông Rodrigo Duterte nói chuyện với các nhà báo ở Davao hôm 26/05/2016. REUTERS/Stringer
Quảng cáo

Trong chiến dịch tranh cử tổng thống, Rodrigo Duterte, cũng là một luật sư, từng nhiều lần hứa hẹn sẽ thanh toán tình trạng tội phạm, sẵn sàng cho bắn bỏ hàng chục nghìn phạm nhân.

Vài ngày sau khi chính thức thắng cử, hôm qua ông Duterte đã đưa ra nhận định rằng việc giết chết các nhà báo tham nhũng là có thể biện hộ được. Khi được hỏi về thái độ trước vụ một phóng viên tuần trước bị giết tại Manila, vẫn giọng điệu ngang tàng sặc mùi chết chóc không thay đổi, tổng thống tân cử Philippines nói : « Không phải các vị là nhà báo thì được miễn trừ không bị giết » và nếu các nhà báo là những kẻ đồi bại thì việc bị giết cũng là chính đáng.

Ông Duterte biện hộ : « Nói thẳng ra là đa số những người bị giết đều đã nhúng tay vào chuyện gì đó. Nếu không làm gì xấu thì làm sao lại bị giết ».

Liên hiệp các nhà báo Philippines thừa nhận có tình trạng tham nhũng trong giới truyền thông, nhưng cũng không khỏi cảm thấy « kinh hoàng » về phát biểu trên của ông tổng thống vừa đắc cử. Đó sẽ là một thông điệp báo trước cho chính sách bịt miệng hoặc trấn áp báo chí sắp tới.

Philippines đã từng là một trong những đất nước nguy hiểm nhất đối với các nhà báo. Sau khi chấm dứt chế độ độc tài Marcos cách đây 30 năm, Philippines bước vào thời kỳ dân chủ nhưng hỗn loạn với nạn tham nhũng, tội phạm, thanh toán phe cánh chính trị tràn lan. Từ đó đến nay đã có ít nhất 176 nhà báo bị giết tại đất nước này.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.