Vào nội dung chính
QUAN HỆ MIẾN-TRUNG

Miến Điện: Aung San Suu Kyi đến Trung Quốc bàn về dự án thủy điện

Lãnh đạo Miến Điện Aung San Suu Kyi sẽ có mặt tại Trung Quốc ngày mai 17/08/2016. Chuyến đi này có thể là thử thách ngoại giao lớn nhất của bà, với số phận của đập thủy điện khổng lồ Myitsone do Trung Quốc đầu tư nhưng bị rất nhiều người Miến Điện chống đối.

Ngoại trưởng Miến Điện Aung San Suu Kyi - Ảnh nhân cuộc họp Ngoại trưởng ASEAN tại Vientiane, 25/07/2016
Ngoại trưởng Miến Điện Aung San Suu Kyi - Ảnh nhân cuộc họp Ngoại trưởng ASEAN tại Vientiane, 25/07/2016 Reuters
Quảng cáo

Tìm ra giải pháp cho dự án đập Myitsone trị giá 3,6 tỉ đô la là điều quan trọng đối với bà Aung San Suu Kyi, vốn đang cần sự hợp tác của Bắc Kinh trong việc thương lượng với các nhóm thiểu số vũ trang hoạt động dọc theo biên giới phía bắc giáp Trung Quốc.

Cựu tổng thống Thein Sein năm 2011 đã khiến Bắc Kinh giận dữ, khi ông quyết định đình chỉ việc xây dựng đập thủy điện ở địa điểm hợp lưu của hai con sông tại lưu vực sông Ayeyarwady, sau các cuộc biểu tình lan rộng đòi bảo vệ môi trường.

Khoảng 90% lượng điện sản xuất được cung ứng cho Trung Quốc. Vào thời đó, bản thân bà Aung San Suu Kyi cũng đã kêu gọi cho ngưng dự án.

Hồi tháng Ba, Bắc Kinh tuyên bố sẽ thúc đẩy tân chính quyền Miến Điện tiếp tục dự án, nhấn mạnh rằng hợp đồng vẫn còn hiệu lực. Một ủy ban chính phủ đã bắt đầu xem xét lại nhiều dự án thủy điện trong đó có cả đập Myitsone, và tờ Global Times hôm nay nói rằng đây có thể là « dấu hiệu báo trước cho việc phục hồi các dự án đầu tư của Trung Quốc ».

Tờ báo theo xu hướng dân tộc chủ nghĩa cho biết thêm, bà Aung San Suu Kyi viếng thăm Trung Quốc trước khi đi Hoa Kỳ vào tháng Chín tới, nhấn mạnh là tình hữu nghị với Trung Quốc rất quan trọng đối với Miến Điện.

Các dự án khác của Trung Quốc tại Miến Điện cũng gây nhiều tranh cãi, trong đó có mỏ đồng Letpadaung đã gây ra nhiều cuộc biểu tình, và dự án đường ống dầu khí song đôi chạy ngang đất nước.

Nhiều phần tử tại Trung Quốc trong những năm qua duy trì quan hệ với các nhóm nổi dậy và dân quân ở miền bắc Miến Điện, mà một số do các thủ lãnh gốc Hoa cầm đầu. Thế nên sự ủng hộ của Trung Quốc là chìa khóa cho chính quyền của bà Suu Kyi vốn đang tìm kiếm hòa bình và ổn định tại vùng biên giới hỗn loạn. Ngày 31/8 tới chính phủ Miến Điện sẽ tổ chức hội nghị hòa bình, với sự tham gia của hầu hết các nhóm thiểu số vũ trang.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.