Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - KINH TẾ

IMF: Kinh tế Trung Quốc tác động mạnh đến các nước đang trỗi dậy

Các nước đang trỗi dậy vẫn là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu, nhưng hiện phải đối mặt với nhiều khó khăn, như kinh tế Trung Quốc giảm tăng trưởng, giá nguyên liệu xuống thấp và những căng thẳng chính trị. Trên đây là nhận định của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) trong bản báo cáo được công bố ngày 04/10/2016.

Tỉ lệ nợ xấu của các ngân hàng Trung Quốc vẫn cao.
Tỉ lệ nợ xấu của các ngân hàng Trung Quốc vẫn cao. JOHANNES EISELE / AFP
Quảng cáo

Trung Quốc, một trong những động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thế giới, đang thực hiện chính sách tái cân bằng với các biện pháp thúc đẩy tiêu thụ nội địa và giảm phụ thuộc vào đầu tư và xuất khẩu. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi mô hình kinh tế Trung Quốc lại khó khăn hơn dự kiến.

Tăng trưởng năm 2015 của nền kinh tế thứ hai thế giới rơi xuống mức thấp nhất từ 25 năm qua, chỉ đạt mức 6,9%. Theo thẩm định ngày 05/10 của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc sẽ chỉ ở mức 6,9% vào năm 2016, sau đó giảm xuống còn 6,2% vào năm 2017.

Với tổng số nợ chiếm 250% GDP và hy vọng phục hồi kinh tế không chắc chắn, tỉ lệ nợ xấu của các ngân hàng Trung Quốc có thể tăng cao, nguy cơ mất khả năng thanh toán ngày càng lớn và thậm chí có thể dẫn đến khủng hoảng tài chính. Ngoài ra, nếu không giải quyết được các vấn đề cơ cấu kinh tế, mọi nỗ lực của Trung Quốc có nguy cơ tan thành mây khói.

Khi kinh tế Trung Quốc phát triển chậm lại, nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu đi xuống. Hậu quả là xuất khẩu nguyên liệu của các nước đang trỗi dậy giảm, trong khi đây lại là nguồn thu quan trọng, thúc đẩy tăng trưởng của các nước này.

Theo giải thích của IMF, được AFP trích dẫn, « việc điều chỉnh dự đoán tăng trưởng của Trung Quốc xuống mức thấp hơn và viễn cảnh ảm đạm về giá cả các sản phẩm cơ bản vẫn là những yếu tố quan trọng tác động đến triển vọng của các nước đang trỗi dậy ». Hai yếu tố này đè nặng lên môi trường hoạt động của các doanh nghiệp tại các nước đang trỗi dậy và các nước đang phát triển, nơi có nhiều doanh nghiệp đang phải đối mặt với những khoản nợ cao, sau thời kỳ huy động tín dụng ồ ạt, từ 2002 đến 2012.

Trường hợp ngoại lệ trong nhóm các nước đang trỗi dậy là Ấn Độ: Nước này có mức tăng trưởng ngoạn mục, theo thẩm định là 7,6% cho năm 2016 và 2017, trong khi đó Nga và Brazil vẫn trong tình trạng suy thoái vào năm 2016. Cụ thể, Brazil sẽ có mức tăng trưởng âm -3,3% vào năm 2016, dù viễn cảnh kinh tế bớt bi đát hơn từ khi tổng thống Dilma Rousseff bị truất phế vào tháng Tám vừa qua, trước khi đạt mức 0,5% vào năm 2017.

Nền kinh tế Nga có vẻ bình ổn hơn nhưng sẽ vẫn bị suy thoái trong năm 2016 (-0,8%) do bị phương Tây trừng phạt kinh tế vì can thiệp vào Ukraina và do giá dầu giảm mạnh. Tuy nhiên, năm 2017, Nga có thể đạt mức tăng trưởng 1,1%.

Trong khi đó, nhóm năm nước Đông Nam Á (Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam) vẫn duy trì mức tăng trưởng chắc chắn, với dự đoán khoảng 4,6% trong năm 2016. Riêng tăng trưởng toàn cầu vẫn được IMF dự đoán khoảng 3,1% cho năm 2016 và 3,4% vào năm 2017.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.