Vào nội dung chính
QUỐC TẾ - TRUNG QUỐC

Quốc tế xúc động trước cái chết của giải Nobel Hòa Bình Trung Quốc Lưu Hiểu Ba

Từ Ủy Ban Nobel Hòa Bình đến các nước phương Tây đều vinh danh người vừa nằm xuống là một nhà tranh đấu lớn cho nhân quyền, tự do và dân chủ. Cộng đồng quốc tế cũng đã ít nhiều chỉ trích Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm về cái chết của ông Lưu Hiểu Ba ngày 13/07/2017, thọ 61 tuổi. Thế nhưng, Bắc Kinh đã phản ứng mạnh mẽ. Thông cáo của bộ Ngoại Giao Trung Quốc ngày 14/07/2017 cho rằng phương Tây can thiệp vào "công việc nội bộ" của nước này.

Tưởng niệm giải Nobel Hòa Bình Lưu Hiểu Ba, trước tòa lãnh sự Trung Quốc, tại Sydney, Úc. Ảnh 14/07/2017.
Tưởng niệm giải Nobel Hòa Bình Lưu Hiểu Ba, trước tòa lãnh sự Trung Quốc, tại Sydney, Úc. Ảnh 14/07/2017. Reuters
Quảng cáo

Vài giờ sau khi tin nhà đấu tranh nhân quyền Trung Quốc Lưu Hiểu Ba qua đời, Ủy ban Nobel Hòa Bình cho rằng Bắc Kinh có "trách nhiệm nghiêm trọng trong vụ này". Năm 2010 ông được trao tặng giải Nobel Hòa Bình, nhưng ngày lễ trao giải 10/12/2010 chiếc ghế của giải thưởng Nobel Hòa Bình Trung Quốc đầu tiên đã bị bỏ trống.
Với thủ tướng Đức, Angela Merkel, Lưu Hiểu Ba là "một nhà đấu tranh can trường vì các quyền tự do dân sự và ngôn luận".
Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron trên mạng twitter cá nhân "tưởng nhớ một nhà đấu tranh lớn vì tự do" và gửi lời chia buồn đến gia đình bà Lưu Hà, vợ ông Lưu Hiểu Ba.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson vinh danh người vừa nằm xuống đã "cống hiến cả cuộc đời để cải thiện tình hình cho đất nước, cho nhân loại, và luôn đi tìm công lý và tự do".

Báo chí Trung Quốc dửng dưng về cái chết của giải Nobel Hòa Bình năm 2010 và bộ máy kiểm duyệt của Bắc Kinh đã ngăn chặn những thông tin về Lưu Hiểu Ba.
Từ Bắc Kinh, thông tín viên Elodie Goulesque tường trình :

" Chỉ vài phút sau khi có thông báo về cái chết của ông Lưu Hiểu Ba, đã có mưa to gió lớn Bắc Kinh, như thể Trung Quốc khóc thương một trong những nhà tranh đấu tranh lớn vì nhân quyền. Thế nhưng trên thực tế, báo chí nước này coi cái chết của giải Nobel Hòa Bình như một thông tin xã hội.

Nhật báo của Nhà nước, tờ Global Times đăng một bài viết rất chung chung, giải thích rằng ông Lưu Hiểu Ba đã được chăm sóc đúng mức, nhưng không thể cứu chữa được.

Trên các mạng xã hội, đã xuất hiện một số thông điệp với từ khóa R.I.P - Rest in peace – Yên nghỉ ngàn thu. Ngoài ra, thì không thể gửi tin nhắn trên các mạng xã hội có xuất hiện tên của ông Lưu Hiểu Ba. Guồng máy kiểm duyệt của Trung Quốc đã xóa tất cả những tin nhắn với tất cả những từ khóa liên quan đến Lưu Hiểu Ba. Thậm chí tất cả các tin nhắn có ảnh một ngọn nến cũng bị xóa bỏ.

Cộng đồng quốc tế bắt đầu phản ứng sau khi hay tin ông Lưu Hiểu Ba qua đời. Ý thức về mối căng thẳng giữa Đài Bắc và Bắc Kinh, tổng thống Đài Loan, bà Thái Anh Văn khẳng định đứng về phía gia đình nhà đấu tranh vì nhân quyền này. Tổng thống Đài Loan khẳng định là nếu như dân chủ là giấc mơ của Trung Quốc, thì Đài Loan sẽ làm tất cả để giúp Trung Quốc thực hiện được mục tiêu đó.

Vẫn theo bà Thái Anh Văn, khi sinh tiền, ông Lưu Hiểu Ba không có kẻ thù, bởi vì dân chủ không có kẻ thù. Với cộng đồng quốc tế, tối hôm qua, giải thưởng Nobel Hòa Bình từ trần, còn trong mắt Bắc Kinh, Lưu Hiểu Ba là một tên tội phạm".

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.