Vào nội dung chính
MỸ - BẮC TRIỀU TIÊN - HẠT NHÂN

ARF: Cơ hội để Mỹ tiếp tục gây sức ép với Bắc Triều Tiên

Cuối tuần này, Diễn đàn khu vực ASEAN - ARF - thường gọi là Diễn đàn an ninh khu vực, được tổ chức tại Singapore. Sự kiện thường niên quy tụ các quan chức ngoại giao cao cấp của 26 quốc gia và Liên Hiệp Châu Âu chủ yếu để bàn các vấn đề an ninh trong vùng châu Á Thái Bình Dương.

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un (P) tiếp ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, Bình Nhưỡng, ngày 09/05/2018
Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un (P) tiếp ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, Bình Nhưỡng, ngày 09/05/2018 KCNA VIA KNS / AFP
Quảng cáo

Diễn đàn là cơ hội để cập nhật các diễn tiến sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, đồng thời cũng là dịp để Hoa Kỳ thúc đẩy cộng đồng quốc tế gia tăng áp lực đòi Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Tham gia các hội nghị ở Singapore cuối tuần này có các ngoại trưởng những nước từng tham gia vào các cuộc đàm phán 6 bên về hạt nhân của Bình Nhưỡng như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên. Nhiều cuộc gặp song phương và đa phương sẽ được tổ chức bên lề các hội nghị chính thức. Với tư cách thành viên chính thức của ARF, Bắc Triều Tiên sẽ có dịp để thể hiện thiện chí và lập trường chính thức của họ trong tiến trình phi hạt nhân hóa đã được lãnh đạo Kim Jong Un cam kết.

Singapore là nơi cách đây hơn một tháng đã diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử Donald Trump –Kim Jong Un. Một tiến trình giải trừ hạt nhân Bắc Triều Tiên mở ra sau các cam kết về nguyên tắc của lãnh đạo hai nước. Từ đó đến nay, các bước cụ thể hóa tiến trình này đã được Bình Nhưỡng và Washington triển khai một cách cẩn trọng, theo từng bước cân nhắc thăm dò nhau. Trong khi đó, thi thoảng lại xuất hiện các chi tiết khiến dư luận không khỏi hoài nghi về thiện chí thực sự của Bắc Triều Tiên hay của Mỹ.

Theo giới quan sát, nhân ARF lần này, ông Pompeo và các quan chức ngoại giao cấp cao của nhiều nước liên quan đến hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên sẽ lưu tâm xem xét Bình Nhưỡng đã làm được gì để tiến tới giải trừ vũ khí hạt nhân.

Trong cuộc gặp với tổng thống Mỹ Donald Trump, lãnh đạo Kim Jong Un đã ký tuyên bố chung đề cập đến việc « giải trừ hạt nhân hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên ». Đó là một cam kết chung chung, quá xa so với đòi hỏi của Hoa Kỳ là Bắc Triều Tiên giải trừ vũ khí hạt nhân « toàn bộ, có kiểm chứng và không đảo ngược », cho dù sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều, Bình Nhưỡng đã cố gắng tỏ thiện chí bằng một số việc làm cụ thể như dỡ bỏ cơ sở hạt nhân hay bãi thử tên lửa.

Những ngày gần đây xuất hiện nhiều thông tin nói rằng tình báo Mỹ dựa trên các ảnh vệ tinh cho rằng Bắc Triều Tiên vẫn tiếp tục chế tạo tên lửa mới. Trước đó, trong một phiên điều trần trước Quốc Hội Mỹ, ngoại trưởng Mike Pompeo khẳng định, Bình Nhưỡng tiếp tục sản xuất các vật liệu hạt nhân.

Những thông tin như vậy không làm giới phân tích chính trị ngạc nhiên nhiều. Theo ông Hary Kazianis, thuộc trung tâm nghiên cứu chính trị Mỹ, Center for the Nationel Interest, thì tại thượng đỉnh Singapore hôm 12/06 vừa rồi, ông Kim Jong Un không hề hứa ngừng hoạt động các cơ sở chế tạo tên lửa mà chỉ cam kết « hành động » giải trừ hạt nhân bán đảo Triều Tiên. Đó là một quá trình mà Bình Nhưỡng đang tiến hành thương lượng với Washington.

Chuyên gia Joel Wit, người sáng lập trang thông tin 38 North chuyên theo dõi Bắc Triều Tiên nhắc lại rằng thượng đỉnh Trump –Kim mới chỉ dẫn tới ký tuyên bố chung, chứ chưa phải là một thỏa thuận. Trong thời gian đàm phán để đi tới ký một thỏa thuận, hai bên sẽ không thể dừng lại tất cả để chờ đàm phán diễn ra thế nào. Như vậy Bắc Triều Tiên có thể tiếp tục bình thường chương trình của họ cho đến khi đàm phán có kết quả.

Tuy nhiên, theo ông Bruce Bennett, trung tâm nghiên cứu Rand Corporation, những hình ảnh vệ tinh về các hoạt động tại các cơ sở hạt nhân của Bình Nhưỡng cho thấy Bắc Triều Tiên đang tìm cách gây áp lực ngược trở lại với Washington để đòi gỡ bỏ từng phần trừng phạt quốc tế. Chuyên gia Brunett nhận định, Bắc Triều Tiên « muốn giảm nhẹ trừng phạt dần dần theo đó họ sẽ ngừng một số hoạt động » liên quan đến chương trình vũ khí.

Theo một quan chức cao cấp ngoại giao Mỹ, tại ARF ở Singapore cuối tuần này, ngoại trưởng Mike Pompeo sẽ đề nghị các nước châu Á tiếp tục thực thi trừng phạt Bắc Triều Tiên để ép nước này từ bỏ vũ khí hạt nhân. Quan chức Mỹ nói trên cho biết, không loại trừ khả năng, ông Pompeo gặp đồng nhiệm Bắc Triều Tiên bên lề ARF để tiếp tục các cuộc thương lượng về giải trừ vũ khí hạt nhân. Mối đe dọa của Bắc Triều Tiên năm nay chắc hẳn không còn là chủ đề trọng tâm của ARF như mọi năm, thay vào đó là tiến trình tiến tới giải trừ hạt nhân Bắc Triều Tiên sẽ được chú ý trong bối cảnh quan hệ Mỹ -Triều đang dịu xuống, tuy không có mấy tín hiệu lạc quan.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.