Vào nội dung chính
BẮC TRIỀU TIÊN - HOA KỲ

Hậu thượng đỉnh Hà Nội : Bắc Triều Tiên tránh chỉ trích Mỹ

Năm ngày sau thượng đỉnh Donald Trump – Kim Jong Un tại Hà Nội, bộ máy tuyên truyền Bắc Triều Tiên cho đến hôm nay, 05/03/2019, vẫn tránh mọi chỉ trích nhắm vào Hoa Kỳ. Truyền thông Bình Nhưỡng hoàn toàn không nói gì đến việc đàm phán đổ bể và cũng không quy nguyên nhân thất bại cho phía Mỹ.

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un về tới Bình Nhưỡng ngày 05/03/2019 sau cuộc gặp với nguyên thủ Hoa Kỳ Donald Trump tại Việt Nam (Ảnh do KCNA công bố)
Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un về tới Bình Nhưỡng ngày 05/03/2019 sau cuộc gặp với nguyên thủ Hoa Kỳ Donald Trump tại Việt Nam (Ảnh do KCNA công bố) KCNA via REUTERS
Quảng cáo

Hãng tin Hàn Quốc Yonhap cho biết, không chỉ cơ quan thông tấn KCNA, tờ Rodong Sinmun - cơ quan ngôn luận của đảng Lao Động, Đài phát thanh trung ương Bắc Triều Tiên (KCBS), mà kể cả trang mạng tuyên truyền Uriminzokkiri cũng không hề có các lời lẽ phê phán Mỹ.

Trang mạng Uriminzokkiri kêu gọi cổ vũ cho « không khí hòa bình » trên bán đảo Triều Tiên, đồng thời nhấn mạnh Bình Nhưỡng quyết tâm chấm dứt thế đối đầu quân sự với Seoul.

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un về nước đêm hôm qua, 04/03. Hãng thông tấn KCNA nhắc lại rằng lãnh đạo họ Kim trở về sau khi « thượng đỉnh với Mỹ kết thúc thành công ».

Về phía Hoa Kỳ, tổng thống Trump hôm qua lên tiếng bác tin đồn cho rằng ông đã trao đổi trực tiếp với Kim Jong Un về việc chấm dứt hai cuộc tập trận quy mô lớn thường niên với Hàn Quốc, Key Resolve và Foal Eagle. Một cử chỉ được xem là nhằm giảm bớt căng thẳng trong quan hệ với Bình Nhưỡng. Ông Trump cũng nhắc lại là việc cắt giảm các hoạt động quân sự song phương với Hàn Quốc có thể giúp tiết kiệm hàng trăm triệu đô la cho nước Mỹ, và đây là chủ trương từ lâu của ông.

Ngoại trưởng Pompeo: Thượng đỉnh lỡ dở, dù Mỹ rất nỗ lực

Theo AFP, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo « hy vọng » nối lại được các đối thoại với Bình Nhưỡng trong những tuần tới, nhưng đồng thời khẳng định là « chưa có bất cứ cam kết nào » từ phía Bắc Triều Tiên. Trong chuyến công du tại tiểu bang Iowa hôm qua, lãnh đạo ngoại giao Mỹ thừa nhận: « Bất chấp rất nhiều nỗ lực của bộ Ngoại Giao, bộ Quốc Phòng, bộ Năng Lượng, trong những tuần gần đây để chuẩn bị cho một thỏa thuận thực sự lớn, chúng ta đã không đạt được kết quả ».

Seoul đề xuất đối thoại « bán chính thức » ba bên

Về phần mình, chính quyền Hàn Quốc cố gắng thúc đẩy trở lại các thương lượng Mỹ-Bắc Triều Tiên. Theo hãng tin AP, hôm qua 04/03/2019, trong một cuộc họp với Hội Đồng An Ninh Quốc Gia, tổng thống Moon Jae In đã đề nghị tổ chức đàm phán ba bên « bán chính thức » giữa Seoul, Bình Nhưỡng và Washington. Theo ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung Wha, nếu được tổ chức, các đối thoại này có thể bao gồm cả các chuyên gia dân sự Mỹvà Hàn Quốc.

Seoul từng đóng vai trò rất lớn trong việc Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên trực tiếp đàm phán về vấn đề hạt nhân, cũng như trong cuộc thượng đỉnh lần thứ nhất tại Singapore. Hôm qua, tổng thống Hàn Quốc nhấn mạnh là hòa giải Liên Triều sẽ thúc đẩy đàm phán Mỹ-Bắc Triều Tiên. Đặc sứ Hàn Quốc về Bắc Triều Tiên Lee Do Hoon hôm nay lên đường sang Mỹ để thảo luận với đồng nhiệm Stephen Biegun về những bước tiếp theo của tiến trình phi hạt nhân hóa.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.