Vào nội dung chính
KOA KỲ - KHOA HỌC

Neuralink của Elon Musk được phép thử nghiệm cấy chip vào não người

Theo AFP, công ty khởi nghiệp (start-up) Neuralink, một trong số nhiều công ty của tỷ phú Elon Musk, ngày 25/05/2023, thông báo trên Twitter là đã được cơ quan quản lý y tế Mỹ cho phép thử nghiệm cấy ghép chip kết nối trên não người.

Ảnh minh họa : Chip cấy ghép não mà công ty Neuralink giới thiệu hồi tháng 8/2020
Ảnh minh họa : Chip cấy ghép não mà công ty Neuralink giới thiệu hồi tháng 8/2020 © Neuralink via AFP
Quảng cáo

Neuralink cho biết Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) chấp thuận cho nghiên cứu lâm sàng cấy ghép chip kết nối trên người. Trên mạng Twitter, Neuralink viết: "Chúng tôi rất vui khi nhận được sự chấp thuận của FDA để bắt đầu nghiên cứu lâm sàng trên người. Đây là bước quan trọng đầu tiên cho phép công nghệ của chúng tôi một ngày nào đó sẽ giúp được nhiều người ».

Neuralink đang thiết kế các thiết bị kết nối cấy ghép vào não bộ người để giao tiếp với các máy tính trực tiếp qua suy nghĩ. Các ứng dụng này trước hết để hỗ trợ những người bị bại liệt hoặc mắc các chứng bệnh thần kinh. Các nhà nghiên cứu của công ty muốn các thiết bị cấy ghép này phải an toàn và có độ tin cậy, đồng thời giá thành hợp lý, với vài nghìn đô la cho một ca cấy ghép.

Từ đầu tháng 12/2022, Elon Musk, người lập ra Neuralink, thông báo thiết bị đã sẵn sàng để được cấy ghép vào não người và thời điểm phụ thuộc vào giấy phép của FDA. Cho đến giờ, các mẫu chip có kích thước bằng đồng tiền xu đã được cấy ghép thử nghiệm vào não động vật. Nhiều con khỉ sau khi được cấy ghép như vậy đã có khả năng « chơi » trò chơi điện tử, hay đánh chữ lên màn hình chỉ bằng cách đưa mắt theo con trỏ máy tính.

Cuối tháng 11 năm ngoái, Neuralink cũng đã trình bày một số tiến bộ trong thiết kế một loại robot phẫu thuật và phát triển một số cấy ghép khác vào tủy sống hay mắt, giúp cải thiện cử động hay thị lực của người bị tật.

Tỉ phú Elon Musk còn muốn đi xa hơn, hy vọng công nghệ cấy ghép vào não có thể chữa được nhiều bệnh như béo phì, tự kỷ, trầm cảm, tâm thần phân liệt.  

Theo AFP, tại Hoa Kỳ có nhiều công ty khác cũng đang nghiên cứu việc điều khiển máy tính bằng suy nghĩ. Đã có nhiều bệnh nhân cấy thử nghiệm chip vào mạch máu, để có thể viết thư điện tử hay lướt web bằng các cử động mắt hoặc theo suy nghĩ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.