Vào nội dung chính
COVID-19 - THÁI LAN - DU LỊCH

Vì Covid-19, nhiều khách sạn Thái Lan có nguy cơ phá sản

Hàng trăm khách sạn và khu nghỉ dưỡng (resort) ở Thái Lan vì không còn khả năng thanh toán ngân hàng, nên đang được rao bán trực tuyến hay là qua trung gian của các công kinh doanh địa ốc. Theo cuộc khảo sát gần đây của mạng thông tin tiếng Thái Prachachat, dịch Covid-19 đã tác hại nặng nề đến ngành du lịch Thái Lan, nhất là các khách sạn miền duyên hải.  

Nhiều khách sạn và khu nghỉ dưỡng (resort) ở Phuket, Thái Lan đang được rao bán vì bị khủng hoảng Covid-19 tác hại năng nề. Ảnh minh họa.
Nhiều khách sạn và khu nghỉ dưỡng (resort) ở Phuket, Thái Lan đang được rao bán vì bị khủng hoảng Covid-19 tác hại năng nề. Ảnh minh họa. CC Uspbart by Wikimedia
Quảng cáo

Hoạt động kinh doanh của ngành khách sạn cũng như các dịch vụ liên quan đều đã ngừng hẳn lại trong hơn hai tháng qua. Hiện thời, Thái Lan vẫn duy trì lệnh cấm du khách ngoại quốc vào lãnh thổ Thái qua đường hàng không, kể cả những thành phần kiều dân nước ngoài có thẻ cư trú một năm, có lập gia đình tại Thái Lan hay là đang sở hữu căn hộ nghỉ dưỡng nhưng họ lại không hiện diện tại quốc gia này trong thời kỳ dịch Covid-19 bùng phát.

Theo mạng thông tin Prachachat, một khi đánh mất nguồn thu nhập quan trọng, chủ yếu là đối tượng du khách nước ngoài đi tour du lịch theo đoàn, rất nhiều khách sạn Thái Lan ở hạng ba sao hay bốn sao đều rơi vào tình trạng phá sản, các chủ khách sạn không còn đủ tiền để trả nợ ngân hàng. Hầu hết các tài sản cũng như cơ sở du lịch được rao bán, chủ yếu nằm tại các tụ điểm du lịch ven biển chủ chốt là Phuket, Pattaya, Krabi và đảo Samui. So với các trạm nghỉ mát nổi tiếng này, tình hình tại Bangkok tương đối thuận lợi hơn do ngành khách sạn có nhiều sao ở thủ đô Thái Lan phục vụ nhiều đối tượng khác như thương gia, doanh nhân trong nước và nước ngoài chứ không đơn thuần lệ thuộc vào lượng du khách ngoại quốc.

Điểm đáng lưu ý là Hua Hin (nằm cách Bangkok 2 giờ xe hơi về phía Tây Nam) tuy cũng là trạm nghỉ mát nổi tiếng nhưng chủ yếu phục vụ du khách nội địa và các gia đình người Thái, có căn hộ nghỉ dưỡng tại chỗ, cho nên tuy Hua Hin cũng bị thiệt hại, nhưng tương đối nhẹ hơn, so với các tụ điểm du lịch khác ở xứ chùa vàng.   

Công ty Singapore hay tập đoàn Trung Quốc thừa nước đục thả câu

Theo báo Phuket News, dịch Covid-19 đã làm cho các khách sạn và resort mất khoảng 50% giá trị, so với cuối năm 2019. Điều đó đã khiến cho nhiều công ty Singapore hay tập đoàn Trung Quốc thừa cơ hội này muốn mua lại bất động sản với giá rẻ kể cả khách sạn, khu nghỉ dưỡng hay quần thể du lịch đang gặp khó khăn tài chính.

Trang thông tin Prachachat Business cũng công nhận rằng các khách sạn Thái ở các trạm nghỉ mát đang nằm trong tầm nhắm của các quỹ đầu tư nước ngoài. Các quỹ này dĩ nhiên muốn mua bất động sản nhưng ở mức giá thấp hơn nhiều so với định giá trước cuộc khủng hoảng, tức là mua với giá chỉ bằng một nửa so với năm trước, trong khi đó các chủ khách sạn cho dù phải rao bán tài sản của mình, nhưng họ vẫn muốn bán ở một mức giá phải chăng, chứ không muốn bán đổ bán tháo.

Các mạng kinh doanh bất động sản đã rao bán các quần thể khách sạn 4 sao ở Phuket, Samui, Surat Thani, Krabi và ngay cả một số resort nổi tiếng tại Pattaya, với giá trung bình là 14 triệu euro, trong khi các khách sạn cỡ nhỏ được rao bán với giá từ 1,4 triệu đến 2,8 triệu euro. Theo báo Phuket News, xu hướng giảm giá sẽ vẫn tiếp tục trong thời gian tới vì hầu hết các tụ điểm du lịch ở miền nam Thái Lan không thể dựa vào sức tiêu dùng của du khách nội địa, hiện được xem là nguồn dưỡng khí duy nhất cho các trạm nghỉ mát gần thủ đô Bangkok như trường hợp của Hua Hin và Pattaya.

Theo giới chuyên gia bất động sản, tình trạng các khách sạn bị mất giá ban đầu là ở các miền duyên hải, sau đó sẽ có nguy cơ lan sang các tỉnh thành khác cũng sống nhờ nguồn du khách như Chiang Mai, Chiang Rai và Lampang ở miền bắc Thái Lan. Trong đa số các trường hợp, trị giá của các khách sạn sẽ giảm từ 20% đến 30% so với giá thị trường. Dĩ nhiên, điều đó thu hút giới đầu tư nước ngoài, sẵn sàng mua đi để rồi bán lại ở một thời điểm thuận lợi hơn, chứ không phải mua nhằm mục đích khai thác ngành dịch vụ khách sạn. 

Ngành hàng không Thái Lan cũng lao đao

Không phải chỉ có ngành du lịch, mà ngành hàng không dân sự Thái cũng đang bị lao đao. Hãng hàng không quan trọng nhất của nước này là Thai Airways (cổ đông lớn nhất là Bộ Tài chính Thái Lan với 51% cổ phần) hồi cuối tháng 05/2020 đã buộc phải đệ đơn phá sản. Công ty này tuyển dụng hơn 22.000 nhân viên và mặc dù không ngừng áp dụng các chương trình khuyến mại, nhưng Thai Airways  liên tục bị thua lỗ kể từ năm 2017, một mặt do sự cạnh tranh gay gắt của các hãng hàng không ‘‘low cost’’, mặt khác do chi phí vận hành công ty quá cao. Hiện giờ hãng hàng không Thai Airways đang nợ tới 6 tỷ rưỡi euro, trong đó 590 triệu euro là khoản tiền nợ phải thanh toán trong năm nay.

Dịch Covid -19 là cú đánh gục ngã công ty khổng lồ này và chừng nào các biện pháp cấm du khách bay đến Thái Lan vẫn tiếp tục, hai ngành khách sạn và hàng không Thái Lan sẽ khó mà đứng dậy, thậm chí phải đành đo ván.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.