Vào nội dung chính
Tạp chí kinh tế

Than đá, nguồn năng lượng của tương lai

Đăng ngày:

Dù bị coi là nguồn năng lượng gây ô nhiễm nhất, tạo ra đến 44 % khí carbon nhưng lại rẻ cho nên than đá đang trở thành nguồn năng lượng hàng đầu của thế giới. Nhu cầu tiêu thụ sẽ tăng thêm 25 % từ nay đến cuối năm 2020. Thảm họa nhà máy điện hạt nhân Fukushima vô hình chung đã giúp cho công nghiệp than đá thực sự hồi sinh.

Mỏ than đá lộ thiên "Vereinigtes Schleenhain" gần nhà máy nhiệt điện Bohlen-Lippendorf - REUTERS /Michaela Rehle
Mỏ than đá lộ thiên "Vereinigtes Schleenhain" gần nhà máy nhiệt điện Bohlen-Lippendorf - REUTERS /Michaela Rehle
Quảng cáo

Vào lúc hội nghị quốc tế về biến đổi khí hậu đang diễn ra tại Vacxava với sự tham dự của 190 quốc gia trên thế giới, thì cùng lúc, cũng tại thủ đô Ba Lan, Hiệp hội Than đá Thế giới WCA tổ chức hội nghị trong hai ngày 18 và 19/11/2013.

Sự trùng hợp đó bị giới bảo vệ môi trường coi là một hành động khiêu khích khi biết rằng than đá là nguồn thải khí CO2 nghiêm trọng nhất, làm hâm nóng trái đất. Tuy vậy, không phải tình cờ mà hội nghị của các nhà sản xuất và tiêu thụ than đá lại được tổ chức ngay tại Ba Lan : Ba Lan sản xuất 90% lượng điện từ các nhà máy chạy bằng than.

Theo tổ chức WCA, 41 % lượng điện của thế giới được sản xuất từ than đá. Còn theo Tổ chức Năng lượng Quốc tế, nhu cầu tiêu thụ của toàn cầu đối với nguyên liệu này sẽ tăng thêm ít nhất là 17 % vào năm 2035. Từ nhiều năm qua Trung Quốc và Ấn Độ là hai động cơ chính kéo ngành công nghệ than đi lên.

Thế nhưng gần đây, đã có thêm nhiều quốc gia đang trông chờ vào nguồn năng lượng này để phát triển kinh tế. Điển hình là Đức : Berlin đang trên đường từ bỏ điện hạt nhân, do vậy Đức bắt buộc phải đẩy mạnh các nhà máy điện sử dụng than đá.

Mỏ than và chính sách năng lượng của Đức

Hiện tại đã có 8 trên tổng số 17 nhà máy điện hạt nhân ở Đức đã đóng cửa. Berlin tuy đã đẩy mạnh các chương trình phát triển năng lượng tái tạo, nhưng các nguồn năng lượng gió và năng lượng mặt trời (tương đương với 25 % nhu cầu chung về năng lượng của toàn quốc) chưa đủ sức để đáp ứng nhu cầu điện lực của một cường quốc công nghiệp như Đức. 45 % năng lượng điện của Đức đến từ than đá.

Chính vì vậy mà chính phủ Đức đang ráo riết đẩy mạnh các dự án khai thác mỏ than. Cụ thể hơn là mỏ Garzweiler gần thành phố Köln, miền tây nước Đức. Đây là một mỏ than lộ thiên, được dự trù hoạt động ít nhất là đến năm 2045. Tại đây mỗi ngày 350.000 m3 than đá được cho ra lò. Năm ngoái, bang Nordrhein-Westfalen sản xuất hơn 100 tấn triệu tấn than. Tuy nhiên dự án khai thác mỏ Garzweiler đã chịu nhiều chỉ trích, người dân địa phương phải trả giá đắt.

Theo tường thuật của thông tín viên đài RFI tại Đức, Pascal Thibaut, các ngôi làng chung quanh mỏ than nói trên đang trở thành những ngôi làng ma. Nhà cửa bị bỏ hoang, đổ nát. Hầu hết dân chúng trong vùng đã di tản đi nơi khác. Chỉ còn lại một vài người cố trụ lại.

Một vài chiếc xe đỗ bên vệ đường, cho thấy ngôi làng đó vẫn có người ở nhưng một ông nông nói với thông tín viên RFI ông trồng khoai rồi thì biết bán cho ai đây.

Ở cuối làng là những chiếc máy khổng lồ đang nhả than hút lên từ lòng đất. Những đoàn xe tải nối đuôi nhau để chuyển khối than đó về nhà máy điện gần sát cạnh mỏ Garzweiler.

Vấn đề đặt ra là cứ mỗi tấn than được khai thác như vậy để phục vụ cho chu cầu điện lực thì lại tạo ra một tấn khí thải carbon. Băn khoan về tác động đối với môi trường không chỉ được người dân địa phương quan tâm mà đó còn là trăn trở của nhiều nhà bảo vệ môi trường khác tại Đức. Như là trường hợp của Astride đang đấu tranh chống lại một dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện tại Hambourg miền Bắc nước Đức. Chính quyền muốn xóa sổ một công viên của thành phố để xây dựng nhà máy. Astride cho biết :

« Đối với tôi và những nhà bảo vệ môi trường khác, bảo vệ khu công viên này đồng nghĩa với việc hoãn lại dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện chạy bằng than. Câu hỏi đặt ra là Đức muốn gì ? Phải chăng là nước Đức đang muốn thải ra thêm mỗi năm 9 triệu tấn carbon. Thải ra thêm 9 tấn CO2 hay tránh được điều đó : đứng về phương diện môi trường thì khác biệt rất quan trọng ».

Còn nhìn từ góc độ của tập đoàn khai thác than RWE thì khác. Điều quan trọng ở đây là Đức cần xây dựng những nhà máy nhiệt điện đời mới, ít gây ô nhiềm hơn :

« Hãy nhìn vào thực tế : ngành năng lượng hạt ngân đang bị khai tử. Hơn thế nữa nhiều nhà máy nhiệt điện than đá đang sắp phải đóng cửa. Đức bắt buộc phải xây dựng hàng loạt các cơ sở mới để hỗ trợ cho các nguồn năng lượng tái tạo ».

Tổ chức bảo vệ môi trường Greenpeace không hề tin vào các nhà máy sử dụng « than sạch » :

« Thực ra tất cả những lập luận cho rằng thế hệ các nhà máy chạy bằng than đang được hình thành sẽ ít gây ô nhiễm cho môi trường đều là một sự lừa đảo, để trấn an dư luận mà thôi. Cần biết rằng, một nhà máy điện lực sử dụng than đá sẽ hoạt động trong vòng ít nhất là 50 năm. Điều đó có nghĩa là trong nửa thế kỷ nữa chúng ta sẽ sống trong một môi trường ô nhiễm. Tôi nghĩ rằng chúng ta nên tập trung nỗ lực để phát huy các nhà máy điện lực chạy bằng ga hay là phát triển năng lượng gió thì hơn ».

Đối với chính quyền bang Nordrhein-Westfalen, nơi mà hầu hết các mỏ than khác đã bị đóng cửa thì riêng mỏ Garzweiler được coi như là một ngõ thoát. Bài toán đặt ra là phải lựa chọn giữa một bên là phát triển công nghiệp khai thác than đá để tạo công việc làm cho người dân, và bên kia là mục tiêu bảo vệ môi trường.

Tính từ năm 1990 đến 20111, Đức đã giảm được 25 % lượng thải khí CO2 thế nhưng kể từ khi thủ tướng Merkel thông báo từng bước đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân, thì lượng khí carbon mà Đức thải ra vào năm 2012 đã tăng thêm 1,6 % so với năm 2011. Năm ngoái nhập khẩu than đá của Đức cũng đã tăng hơn 20 % !

Theo nghiên cứu của tổ chức bảo vệ y tế và môi truờng HEAL trụ sở tại Bruxelles – Bỉ, thải khí carbon từ các nhà máy nhiện điện sủ dụng than đá là nguyên nhân gây tử vong cho 20.000 người trong Liên Hiệp Châu Âu hàng năm.

Đức đã vậy còn những nơi khác thì sao ?

Nếu như tại Đức năng lượng than phải tuân thủ một số các chuẩn mực về môi trường và an toàn, thì ngược lại tại hai quốc gia hiện đang tiêu thụ than nhiều nhất trên thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ, không mấy ai quan tâm đến những vấn đề đó.

Tại Jharia, miền đông bắc Ấn Độ, một dân cư sống sát cạnh một mỏ than, gia đình ông lúc nào cũng bị hun khói và có cảm tưởng như sống trên một cái lò lửa khổng lồ. Ông cho biết :

« Từ nhiều thế hệ qua gia đình tôi sinh sống và làm việc tại mỏ than này. Lửa cháy ngày đêm. Nhất là khi đêm về, lửa cháy sáng tới nỗi chúng tôi tưởng như là ban ngày. Khi nào lửa bùng lên lớn quá, thì gia đình tôi phải di tản. Hãy nhìn kìa, ngọn lửa đằng kia đang cháy lớn. Ở đây đã có rất nhiều người chết cháy, số khác thì bệnh hoạn vì hít thở quá nhiều khí độc. Chẳng có một ai tới đây kiểm tra về chất lượng không khí, về các điều kiện vệ sinh và an toàn gì cả ».

60 % dân cư chung quanh mỏ than ở Jharia bị bệnh về đường hô hấp do khí thải carbon và bụi bậm. Mãi tới gần đây chính phủ mới thông báo dự trù di tản 400.000 người trong vòng 2 thập niên sắp tới.

Từ năm 2000 tới nay, sản lượng than đá của Ấn Độ đã tăng thêm 45 %. Để so sanh thì sản xuất của Trung Quốc đã được nhân lên gấp đôi trong cùng thời kỳ.

Mông Cổ, nguồn cung cấp của Trung Quốc

Trung Quốc vừa là nguồn sản xuất, vừa là nguồn tiêu thụ than đá số 1 của thế giới. Gần một nửa lượng than sản xuất ra trên toàn cầu chỉ để phục vụ ông khổng lồ châu Á này. Mông Cổ là một trong những nguồn cung cấp than đá quan trọng nhất của Trung Quốc.

Với một diện tích rộng gấp 3 lần nước Pháp, Mông Cổ có một lượng dự trữ than đủ để cung ứng cho nước láng giềng Trung Quốc trong trong 50 năm tới. Than đá chiếm đến 80 % tổng kim ngạch xuất khẩu của quốc gia này và cũng nhờ vào nguồn nguyên liệu đó mà GDP của Mông Cổ tăng 15 % vào năm 2012. Khu vực khai thác lớn nhất là Oyu Tolgoi nằm trong vùng sa mạc Gobi, cách thủ đô Oulan Bator khoảng 1 giờ bay là địa điểm đã được rất nhiều các doanh nhân Trung Quốc tới thăm viếng trong những năm gần đây.

Ngoài ra thì vùng Talvan Tolgoi – 5 ngọn đồi - còn được coi là nơi sản xuất than có chất lượng cao nhất thế giới. Cách nay hai năm chính quyền Oulan Bator cho phép một liên doanh Mông Cổ- Nga cùng khai thác. Giám đốc điều hành nhà máy này cho biết :

« Năm ngoái chúng tôi sản xuất một triệu tấn than đá, năm nay khối lượng đó được nhân lên gấp ba và chỉ tiêu đặt ra cho năm 2014 là sáu triệu tấn. Chúng tôi kinh doanh rất tốt. Khách hàng quan trọng nhất là Trung Quốc. Mông Cổ xuất khẩu than đá sang Trung Quốc để đổi lấy lương thực và vật liệu xây dựng. »

Mặt trái của chiếc mề đay

Đối với người dân địa phương, tìm được một việc làm nhờ ngành khai thác khoáng mỏ là chìa khóa giúp họ thoát khỏi cảnh đói nghèo. Thế nhưng đối với những thành phần sống nhờ chăn nuôi, thì họ đang trông thấy những vùng thảo nguyên mênh mông của Mông Cổ bị tàn phá để phục vụ cho mục tiêu công nghiệp. Một nhà chăn nuôi mô tả về những thay đổi trên quê ông kể từ khi các tập đoàn khai thác than đá đến hoạt động :

« Ngày càng có nhiều xe vận tải đến đào phá đường đất, họ phá hủy hết tất cả các vùng thảo nguyên của chúng tôi. Chúng tôi không còn đất để chăn nuôi. Trước khi mà các hoạt động khai thác than đá ở đây được phát triển thì đã có nhiều nhà chăn nuôi sống trong vùng.

Bây giờ họ chuyển đi nơi khác hết cả vì không còn đất để sống. Đáng quan ngại hơn cả là khi mà các tập đoàn Trung Quốc đến đây làm ăn, họ đem theo nhân công Trung Quốc. Lương công nhân Trung Quốc rẻ hơn nhiều so với lương trả cho người dân Mông Cổ. Hậu quả là đất của chúng tôi thì bị trưng thu, khai thác, mà công nghệ than đá đó không hề đem lại việc làm cho người dân Mông Cổ, không hề cho phép kinh tế của chúng tôi phát triển hay tạo việc làm cho chúng tôi ».

Đáng quan ngại hơn là ngoài Trung Quốc thì Ấn Độ cũng đang trở thành một nhà vô địch trong lĩnh vực nhập khẩu than đá. Đến năm 2017 Ấn Độ sẽ qua mặt Hoa Kỳ để trở thành nhà tiêu thụ than số 2 của thế giới, chỉ sau có Trung Quốc.

Trong báo cáo gần đây cơ quan tư vấn Wood Mackenzie chuyên về năng lượng và khoáng mỏ của Mỹ cho rằng nhu cầu than đá của thế giới trong thập niên này sẽ tăng lên thêm 25 %. Từng bước than đá sẽ trở thành nguồn nguyên liệu số 1, đứng trước cả dầu hỏa và năng lượng hạt nhân. Hiện tại 2/3 tăng trưởng của ngành than đá có được là nhờ mức nhập khẩu của Trung Quốc. Trong thời gian từ 2012 đến 2012, một nửa các nhà máy điện được xây dựng tại Trung Quốc đều sử dụng than.

Trong báo cáo thường niên vừa được công bố ngày 12/11/2013 Tổ chức Năng lượng Thế giới dự báo nhu cầu than của nhân loại sẽ tăng thêm 17 % trong 20 năm nữa và đây sẽ là nguyên nhân khiến nhiệt độ của trái đất tăng thêm 3,6 °C. Chỉ rong chưa đầy một thập niên nữa, than đá sẽ là nguồn nguyên liệu được sử dụng nhiều nhất, trước cả dầu hỏa và khí đốt.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.