Vào nội dung chính
VIRUS CORONA - Ý - PHÁP

Virus corona: Pháp và Ý kêu gọi đoàn kết chống dịch

Dịch Virus corona (Covid-19) bùng lên tại nhiều vùng ở nước Ý những ngày gần đây, trong khi ở Pháp, nhiều người lo dịch bệnh từ Ý tràn qua. Tại thượng đỉnh Pháp – Ý lần thứ 35, hôm 27/02/2020 ở Napoli, tổng thống Pháp Emmanuel Macron và thủ tướng Ý Giuseppe Conte, khẳng định hai nước chung sức đối mặt với dịch bệnh.

Tại thượng đỉnh Pháp - Ý lần thứ 35, tổng thống Pháp, Emmanuel Macron và thủ tướng Ý, Giuseppe Conte, tại Napoli ngày 27/02/2020.
Tại thượng đỉnh Pháp - Ý lần thứ 35, tổng thống Pháp, Emmanuel Macron và thủ tướng Ý, Giuseppe Conte, tại Napoli ngày 27/02/2020. LUDOVIC MARIN / AFP
Quảng cáo

Lãnh đạo Pháp, Ý đặc biệt nhấn mạnh đến sự đoàn kết và vai trò quan trọng của châu Âu.

Đặc phái viên Juliette Gheerbrant tường trình từ Napoli:

« Tại Ý cũng như Pháp, tình hình y tế hiện nay gây nhiều tranh luận, chính quyền liên tiếp bị chỉ trích. Ở thủ đô nước Ý, nhiều ý kiến sôi sục lên án chính phủ, phe đối lập - nhất là đảng Liên Đoàn – đòi thành lập chính phủ đoàn kết quốc gia để đối mặt với các hậu quả của dịch bệnh.

Thủ tướng Ý cố gắng lập lại trật tự: Hiển nhiên là khi có tranh luận trong xã hội, sẽ có những người nói năng bạt mạng. Về phần mình, chúng tôi có nghĩa vụ, trách nhiệm duy trì sự đoàn kết của chính phủ, để bảo vệ sự đoàn kết quốc gia.

Ông Giuseppe Conte khẳng định chính phủ Ý đã tuân thủ các khuyến cáo khoa học, đồng thời nhắc lại là cuộc khủng hoảng hiện nay, về y tế và kinh tế, không chỉ giới hạn trong nước Ý.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh: Các nước chúng ta phải sẵn sàng đối mặt với tình hình hiện nay. Và cần phải đối phó dịch bệnh trong tinh thần bình tĩnh và có tổ chức, tuân thủ các khuyến cáo được giới y tế và các cơ quan chức năng đưa ra.

Tổng thống Pháp cũng nhắc lại là Liên Hiệp Châu Âu đã huy động nhiều nguồn lực về tài chính và phương tiện, và sẽ tiếp tục làm như vậy. Đáp lại lời kêu gọi của bà Marine Le Pen và đảng Tập hợp Quốc gia (RN) Pháp yêu cầu đóng cửa biên giới, nguyên thủ Pháp trả lời: Về vấn đề này, cần phải có ý kiến của giới khoa học. Điểm cần lưu ý là virus có lẽ sẽ không dừng chân ở biên giới.

Đối với các lãnh đạo Pháp – Ý, cuộc thượng đỉnh lần thứ 35 này đánh dấu cho sự khởi sắc trở lại của quan hệ đồng minh vững bền giữa hai nước ».

Thêm một số nước lần đầu tiên có người nhiễm virus

Ngoài số khoảng 40 quốc gia có người nhiễm virus corona mới được ghi nhận, hôm nay, 28/02/2020, dịch lan đến một số nước khác, theo số liệu chính thức. Lần đầu tiên xuất hiện một trường hợp nhiễm virus tại khu vực phía nam sa mạc Sahara (ở Nigeria). Người bị nhiễm là một người đàn ông Ý làm việc tại Nigeria, từ Milan (Ý), trở về từ ngày 25/02. Người nhiễm virus này không có các triệu chứng đáng lo ngại.

Litva cũng ghi nhận một trường hợp nhiễm virus : một phụ nữ trở về từ một thành phố miền bắc nước Ý, ngày 24/02. Bệnh nhân nói trên cũng chỉ có các triệu chứng bệnh lý nhẹ.

Belarus và New Zealand ghi nhận hai người bị nhiễm virus, đều đến hoặc trở về từ Iran, một điểm nóng khác của dịch virus corona. Sinh viên Iran tại Belarus không có biểu hiện bệnh lý đáng ngại. Sức khỏe của công dân New Zealand trạc 60 tuổi trở về từ Iran cũng đã được cải thiện.

WHO : Thế giới ''đang ở thời điểm quyết định''

Tình hình diễn biến dịch bệnh dường như hoàn toàn đảo ngược, so với cách nay ít tuần, khi Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) tuyên bố Tình trạng Y tế Khẩn cấp Quốc tế (30/01), khi Trung Quốc là tâm dịch. Hôm nay, số người mắc virus mới trong ngày, bên ngoài Trung Quốc cao hơn người người nhiễm tại Hoa lục, theo các số liệu thống kê chính thức.

Hôm qua, trong cuộc họp báo hàng ngày, như thường lệ lãnh đạo WHO, ông Tedros Ghrebeyesus, một lần nữa nhấn mạnh là thế giới chưa sẵn sàng phòng chống dịch Covid-19. Ông lên tiếng kêu gọi có các biện pháp phù hợp để đối phó. Tổng giám đốc WHO cảnh báo các nước chưa có người nhiễm virus không chủ quan. Ông nêu rõ bốn kịch bản, từ nhẹ đến nặng, mà các quốc gia cần chuẩn bị để sẵn sàng lần lượt đối phó : ''xuất hiện các ca nhiễm virus đầu tiên, xuất hiện các ổ dịch đầu tiên, các trường hợp lan rộng trong cộng đồng đầu tiên, và việc lây nhiễm diễn ra kéo dài''.

''Xác định sớm những người nhiễm. Cách ly. Tìm ra những người tiếp xúc với họ. Chăm sóc người bệnh, người nhiễm virus. Bảo vệ các nhân viên y tế''. Trên đây là các biện pháp cần được thực hiện khẩn cấp. Cho dù xuất hiện một số trường hợp người mang virus, ''không mang triệu chứng'', gây lo sợ là dịch có thể truyền đi dễ dàng ngoài tầm kiểm soát, WHO cũng lưu ý là trong đến 90% các trường hợp, người nhiễm virus có biểu hiện sốt, 70% có triệu chứng đau họng.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.