Vào nội dung chính
PHÁP - MAROC - KHỦNG HOẢNG NGOẠI GIAO

Pháp - Maroc : Nóng trên sân cỏ, lạnh trong ngoại giao

Trận đấu giữa Pháp và Maroc trong trận bán kết giải vô địch bóng đá thế giới 2022 diễn ra vào lúc quan hệ ngoại giao giữa hai nước khá căng thẳng. Trang L’Express lược lại “hậu trường của một cuộc chiến tranh lạnh” trong bài viết ngày 13/12/2022. Sau nhiều tháng khủng hoảng ngoại giao, Paris và Rabat đang tìm cách hàn gắn mảnh vỡ.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và quốc vương Maroc Mohammed VI (P) tại lễ khánh thành tuyến đường sắt cao tốc tại nhà ga Tanger, Maroc, ngày 15/11/2018.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và quốc vương Maroc Mohammed VI (P) tại lễ khánh thành tuyến đường sắt cao tốc tại nhà ga Tanger, Maroc, ngày 15/11/2018. AP - Christophe Archambault
Quảng cáo

Năm 2022, vua Maroc Mohammed VI (được gọi là "M6") lưu lại vài tuần trong dinh thự riêng rộng 1.600 m2 ngay dưới chân tháp Eiffel. Thế nhưng, lần cuối cùng người đứng đầu vương quốc Bắc Phi này gặp tổng thống Pháp Macron là năm 2018. Bốn năm không họp thượng đỉnh là thời gian quá dài so với mối quan hệ vẫn được coi là "ưu ái" giữa hai nước. Hơn 800.000 người Maroc sống ở Pháp, hơn 40.000 thanh niên Maroc học tập tại Pháp năm 2021. Pháp là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Maroc và trông cậy vào hợp tác với nước láng giềng miền nam để chống khủng bố. 

Tuy nhiên, dưới thời quốc vương "M6", mọi chuyện không diễn ra như dự kiến. Những tháng gần đây, hai nước rơi vào một cuộc chiến tranh lạnh chưa từng có, từ gián điệp, đổi chác về di cư đến tranh cãi ngoại giao… Chuyến công du Rabat giữa tháng 12 của ngoại trưởng Pháp, tiếp theo là chuyến công du của tổng thống Macron dự kiến vào đầu năm 2023, được cho là nhằm tháo gỡ căng thẳng.

Giận giữ vì vấn đề thị thực  

Vậy mà cách đây 5 năm, mọi chuyện đều đẹp như trong cổ tích. Ngày 14/06/2017, khi vừa mới được bầu làm tổng thống Pháp, ông Emmanuel Macron bay sang Rabat để “gặp riêng” và cùng dùng bữa ftour, bữa ăn mùa chay kết nối các gia đình, theo bình luận của vị tổng thống trẻ của Pháp. Một năm sau, năm 2018, ông Macron dự lễ khánh thành tuyến tầu cao tốc đầu tiên (TGV) nối Tanger với Casablanca. Trong dự án khổng lồ trị giá 2,1 tỉ euro này, các tập đoàn Pháp (SNCF, Alstom, Systra, Thales…) được hưởng lợi rất lớn. Bức ảnh kỉ niệm trông có vẻ rất đẹp, nhưng chuyến đi và về ngay trong ngày của tổng thống Pháp khiến mọi người thắc mắc.  

Lúc đó đã có một chủ đề khiến Elysée bất bình : Rabat giảm 1/3 thị thực lãnh sự cần thiết để gửi trả những người Maroc sống bất hợp pháp ở Pháp, với lý do chính quyền không thể xác nhận được quốc tịch của những người đó. Giám đốc Cơ quan Di dân và Hội nhập Pháp (OFII) Didier Leschi cho rằng “Vương quốc không muốn lấy lại những người nghèo và tội phạm”. Bốn năm sau, tình hình chỉ xấu đi. Theo giáo sư lịch sử Pierre Vermeren, Đại học Paris I Panthéon-Sorbonne, tác giả cuốn Maroc qua 100 câu hỏi, “chính phủ Pháp chịu áp lực từ phía cảnh sát và bộ Nội Vụ, những lực lượng phải đối đầu với tình trạng tội phạm không ngừng tăng liên quan đến buôn bán ma túy”

Tháng 09/2021, Paris trả đũa : giảm một nửa số thị thực cấp cho người Maroc. Giới tinh hoa nói tiếng Pháp, thường xuyên sang Pháp, là nạn nhân đầu tiên. Sự bất bình ngoại giao tăng thêm với sự giận dữ cay đắng trong số những người bị tác động. Nhà văn Tahar Ben Jelloun, từng được giải Goncourt, không giấu bực tức : “Sự trừng phạt tập thể này là ngu xuẩn và càng làm dấy lên tâm lý bài Pháp ở Maroc”

Maroc do thám tổng thống Macron

Tuy nhiên, đằng sau hồ sơ di dân là một hồ sơ khác nghiêm trọng hơn. Mùa hè 2021, một tổ hợp nhà báo công bố rằng nhiều Nhà nước sử dụng phần mềm Pegasus của Israel để do thám các nhà đối lập và các nhà lãnh đạo nước ngoài. Tổng thống Pháp phát hiện ra điều không tưởng : cơ quan tình báo Maroc đã thâm nhập điện thoại của ông. Rabat dứt khoát phủ nhận, nhưng Emmanuel Macron không chấp nhận được sự lăng nhục và khẳng định với một người thân là “không tha thứ vụ Pegasus”. Kinh tế gia Fouad Abdelmoumni và là nhà bảo vệ nhân quyền Maroc, đánh giá : “Pháp đã không trả đũa trực tiếp vụ này, dấu hiệu cho thấy Pháp không muốn đi đến đổ vỡ không chữa được. Tuy nhiên, sự im lặng của Pháp là một lời cảnh báo cho vương quốc”.  

Tuy nhiên, vụ này lại gợi đến những thù oán cũ. Tháng 02/2014, cảnh sát Pháp đến nhà đại sứ Maroc tại Neuilly-sur-Seine, nghĩ rằng tìm thấy Abdellatif Hammouchi, lãnh đạo Tổng cục giám sát lãnh thổ. Người đứng đầu ngành cảnh sát Maroc bị nhiều đồng hương sống tại Pháp khiếu nại vì tra tấn. Tuy nhiên, ông này đã rời Pháp nhưng sự cố đã dội gáo nước lạnh vào mối quan hệ hai nước. Ông Pierre Vermeren nhắc lại : “Hợp tác an ninh đã bị đình trệ trong vòng một năm, ngay cả lúc các vụ tấn công khủng bố tháng 11/2015 đang chuẩn bị, trong đó đa số những kẻ khủng bố là người Bỉ gốc Maroc”.  

Dĩ nhiên, Paris và Rabat đã hàn gắn mảnh vỡ sau các vụ khủng bố. Tổng thống François Hollande thậm chí chính thức cảm ơn quốc vương Mohammed VI vì sự hỗ trợ của Maroc xác định vị trí của kẻ đứng đầu nhóm khủng bố Abdelhamid Abaaoud. Tuy nhiên, sự nghị kị giữa gián điệp bên hai bờ Địa Trung Hải chưa bao giờ thực sự biến mất. Vụ tai tiếng Pegasus, trong đó Hammouchi - trở thành lãnh đạo phản gián Maroc - là một trong những nhân vật chủ chốt, càng khiến quan hệ giữa hai nước thêm căng thẳng.  

Pháp xích lại gần Algérie khiến Maroc bất bình

Hồ sơ tai hại này có được nêu lên trong chuyến công du sắp tới của ông Emmanuel Macron ? Có lẽ quốc vương "M6" sẽ ưu tiên nêu những chủ đề khác mà ông cho là quan trọng hơn, như việc gần đây Pháp và Algérie xích lại gần nhau, trong khi Alger là đối thủ lớn của Rabat, còn Paris lại chú tâm vào khí đốt của Maroc. Hoặc quốc vương Maroc cũng có thể nêu vấn đề vùng Tây Sahara, mà Rabat đòi chủ quyền, nhưng lực lượng đòi độc lập Mặt trận Polisario, được Alger ủng hộ, cũng đòi chủ quyền. Vua Mohammed VI có thể muốn Paris ủng hộ Maroc, như Mỹ và Tây Ban Nha - dù việc này có thể sẽ là một hành động gây chiến (casus belli) đối với Algérie - để đổi lại khả năng thỏa hiệp về hồ sơ di dân. 

“Giờ phải sáng tạo lại mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước, đồng thời phải tính đến trọng lượng của Pháp, như là một cường quốc thế giới và những tham vọng của Maroc, một nước lớn trong vùng và châu lục”, theo nhà nghiên cứu Abdessalam Jaldi, thuộc Policy Center for the New South, một trung tâm nghiên cứu thuộc Vương quốc Maroc. Một nhà nghiên cứu khác ở Rabat cho rằng “rắc rối này không phải là tin xấu quá mức. Đó là cơ hội để Maroc cắt quan hệ lệ thuộc vào đế quốc thuộc địa trước đây và yêu cầu một mối quan hệ đối tác bình đẳng”.

Hơn nữa, Maroc vừa có thêm một đồng minh mới quan trọng : Israel. Từ khi “bình thường hóa” quan hệ song phương vào tháng 12/2020, nhiều thỏa thuận quân sự và công nghiệp đã được ký. Những thỏa thuận đó cho phép Maroc tăng cường khả năng xuất khẩu, ví dụ đến vùng châu Phi hạ Sahara. Vương quốc cũng đã chiếm được nhiều thị phần quan trọng trọng trong những năm gần đây, trong đó có lĩnh vực ngân hàng, trước đây vẫn do các ngân hàng Pháp độc chiếm.  

Tại Paris, tham vọng của Maroc tại châu Phi cũng không được hoan nghênh. Nhưng dù sao, Paris phải hành động theo cán cân mới, đồng thời vẫn duy trì hợp tác kinh tế Pháp-Maroc. Điện Elysée cẩn trọng với việc này. Bằng chứng là danh tính của tân đại sứ Pháp tại Rabat, ông Christophe Lecourtier, người đứng đầu Business France, cơ quan chịu trách nhiệm cổ vũ cho các doanh nghiệp Pháp ở nước ngoài. Nhà ngoại giao sẽ có nhiệm vụ tinh tế là tái khởi động “mối quan hệ đối tác đặc biệt” với Maroc.

“Chúng ta chắc sẽ không trở lại được giai đoạn nên thơ Pháp - Maroc dưới thời tổng thống Jacques Chirac, nhưng có những lợi ích dẫn đến giải tỏa” trong quan hệ hai nước, theo ông Fouad Abdelmoumni. Những doanh nghiệp Pháp có mặt ở Maroc, như GDF, Suez, đối tác của một cơ quan của quốc gia về nhiều dự án, hẳn sẽ biết cách tiến hành hàn gắn.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.