Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH - BẮC TRIỀU TIÊN

Giả thuyết Bắc Triều Tiên sụp đổ: Mỹ, Trung, Hàn sẽ phản ứng ra sao?

Từ nhiều thập niên qua, những dự báo về ngày tàn chế độ Bình Nhưỡng hầu như đều bị sai lệch sau mỗi lần Bắc Triều Tiên xảy ra một biến cố. Dù vậy, việc ông Kim Jong Un đột ngột vắng mặt trên chính trường từ nhiều tuần qua lại làm dấy lên những câu hỏi muôn thuở. Trong trường hợp Kim Jong Un qua đời vì bệnh tật như những lời đồn thổi trong mấy ngày qua, chế độ Bình Nhưỡng có trụ được nữa hay không ?

Hoa đặt trước tượng Kim Il Sung và Kim Jong Il (ông nội và cha của Kim Jong Un) tại điện Kumsusan nhân kỷ niệm 108 năm sinh nhật người sáng lập Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Ảnh do KCNA phổ biến ngày 16/04/2020.
Hoa đặt trước tượng Kim Il Sung và Kim Jong Il (ông nội và cha của Kim Jong Un) tại điện Kumsusan nhân kỷ niệm 108 năm sinh nhật người sáng lập Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Ảnh do KCNA phổ biến ngày 16/04/2020. © KCNA/via REUTERS
Quảng cáo

Nếu bị sụp đổ chuyện gì sẽ xảy ra cho Bắc Triều Tiên ? Hãng tin Mỹ AP dự phóng ba kịch bản trong trường hợp điều tồi tệ nhất xảy ra cho Bắc Triều Tiên. 

Washington : Nỗi lo kho vũ khí hạt nhân

Nếu chế độ Bình Nhưỡng bị sụp đổ, một kế hoạch khẩn cấp Mỹ - Hàn, có tên gọi là OPLAN 5029 sẽ được kích hoạt, nhằm bảo đảm đường biên giới và khống chế được kho vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, theo ông Vipin Narang, chuyên gia về hạt nhân Bắc Triều Tiên thuộc MIT, có hai vấn đề trong bản kế hoạch trị giá triệu đô la này: Thời điểm khởi động OPLAN và những dấu hiệu cho phép để kích hoạt. Bởi vì chiến dịch « bảo vệ một quốc gia » của một nước có thể bị nước khác xem như là một « kế hoạch xâm lược », và điều này có thể dẫn đến một thảm họa.

Mối bận tâm lớn nhất của Hoa Kỳ chính là kho vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên có nguy cơ bị sử dụng, đánh cắp hay bị đem bán. Thế nên, theo quan điểm của ông Ralph Cossa, chủ tịch danh dự nhóm cố vấn Diễn đàn Thái Bình Dương ở Hawai, ngoài vấn đề vũ khí hạt nhân ra, « chẳng có lý do gì để Mỹ và Hàn Quốc can dự vào chuyện đấu đá nội bộ của Bắc Triều Tiên ».

Trong kế hoạch này Mỹ không được quên yếu tố Trung Quốc. Chính quyền Bắc Kinh rất có thể cũng sẽ cho triển khai quân vào Bắc Triều Tiên và sẽ đầu tư nhiều cho các nỗ lực quân sự cũng như là nhân đạo. Do vậy, một nước đi sai của Mỹ có thể dẫn đến những hậu quả to lớn và Hoa Kỳ cần phải có một sự phối hợp với quân đội Hàn Quốc.

Theo AP, làm thế nào phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên vẫn là mục tiêu tối hậu của Hoa Kỳ, bất kể tình hình nội bộ chính trị Bắc Triều Tiên có ra sao đi chăng nữa như tuyên bố của ngoại trưởng Mỹ, Mike Pompeo trong một cuộc họp báo. 

Bắc Kinh : Ổn định chính trị Bình Nhưỡng là an ninh quốc gia

Với Trung Quốc, nguồn viện trợ và ủng hộ ngoại giao chính của Bắc Triều Tiên, sự ổn định chính trị của nước láng giềng nghèo khổ này là điều cốt lõi cho an ninh quốc gia.

Đồng ý thông qua các lệnh trừng phạt nhắm vào Bắc Triều Tiên vì những chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa của nước này, không có nghĩa là Trung Quốc chấp nhận để cho nền kinh tế của Bắc Triều Tiên bị suy sụp hay đảng cầm quyền bị lật đổ. Xung đột xảy ra có thể buộc Trung Quốc phải đối mặt với làn sóng người tị nạn.

Tuy nhiên, mối lo lớn nhất của Bắc Kinh có lẽ chính là viễn cảnh đội quân Mỹ và Hàn Quốc triển khai dọc theo biên giới Trung Quốc, một mối lo trong quá khứ đã từng buộc chính quyền của Mao Trạch Đông phải can dự vào cuộc chiến Triều Tiên cách nay 70 năm.

Ông Lu Chao, giáo sư Viện Khoa học Xã hội Liêu Ninh, Trung Quốc nhận định, một sự thay đổi lãnh đạo tại Bắc Triều Tiên ít có khả năng gây ra những thay đổi lớn trong quan hệ giữa hai nước.

Seoul : Mối lo Trung Quốc và người tị nạn

Cuối cùng chính quyền Seoul sẽ có phản ứng thế nào nếu chế độ Kim Jong Un sụp đổ ? Làm thế nào đối phó với dòng người di dân từ Bắc vào Nam và thiết lập một khu hành chính khẩn cấp là mục tiêu chính của chính quyền Hàn Quốc.

Theo Hiến Pháp Hàn Quốc, lãnh thổ quốc gia bao gồm toàn bộ bán đảo Triều Tiên và các đảo gắn liền, tức bao gồm cả Bắc Triều Tiên. Do vậy, vào năm 2009, cựu ngoại trưởng Hàn Quốc thổ lộ với một nhà ngoại giao Mỹ, được AP trích dẫn, rằng « một cơ chế tạm thời sẽ phải được thành lập để bảo đảm việc điều hành địa phương và kiểm soát mọi di chuyển của các công dân Bắc Triều Tiên ».

Vấn đề đặt ra là trái với Trung Quốc, chính quyền Hàn Quốc không thể huy động đông đảo binh sĩ cần thiết để bình ổn phía Bắc. Nguy cơ Trung Quốc gởi quân đội và thiết lập một chế độ « thân Bắc Kinh » là không nhỏ. Nhật báo Hàn Quốc JoongAng Ilbo, trong một xã luận gần đây cho rằng « Seoul phải nỗ lực hết sức để giảm thiểu sự can thiệp của Trung Quốc ở phía Bắc trên cơ sở một mối liên minh chặt chẽ với Washington ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.