Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Liên Hiệp Quốc : 75 tuổi và những tham vọng dang dở

Cách nay 75 năm, ngay sau khi Đệ Nhị Thế Chiến kết thúc, với sự chứng kiến của 50 nước thành viên, tổ chức Liên Hiệp Quốc ra đời. Hôm nay, 22/09/2020, khoảng 180 trong tổng số 193 nước tụ họp mừng sinh nhật thứ 75 « trực tuyến » vì đại dịch Covid-19, trong bầu không khí căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc.

Cờ của Liên Hiệp Quốc trước trụ sở của tại New York, Mỹ.
Cờ của Liên Hiệp Quốc trước trụ sở của tại New York, Mỹ. REUTERS - Yana Paskova
Quảng cáo

75 năm tuổi, có thể nói Liên Hiệp Quốc (UN/ONU) đã đi qua một đoạn đường khá dài với thiện chí không muốn nhìn thấy những cuộc xung đột có quy mô lớn như các cuộc chiến 1914-1918 và 1940-1945 tái hiện. Sau 75 năm tồn tại, việc thành lập Liên Hiệp Quốc là một thành công hay là thất bại ? Một câu hỏi tế nhị, đang gây nhiều tranh luận.

Trên đài RTBF của Bỉ, ông Olivier Corten, giáo sư ngành luật quốc tế trường Đại học Bruxelles (ULB) lưu ý rằng thành công hay thất bại còn là một vấn đề quan điểm. Nếu người ta có cái nhìn lý tưởng hóa, ví sự ra đời của UN/ONU như là một sự hóa thân của cộng đồng quốc tế, có thể giải quyết tất cả những gì diễn ra trên thế giới và buộc phải tôn trọng luật lệ và công lý, thì sẽ cảm thấy thất vọng, cho đấy là những thất bại, không đạt được những gì như mong đợi.

Còn nếu người ta chỉ đơn giản xem định chế này như là một nơi tập hợp các nước có những lợi ích của riêng mình, và căn cứ vào bản Hiến Chương Liên Hiệp Quốc, chí ít thế giới không thể phủ nhận một điều tổ chức này đã đạt được mục tiêu tối thiểu của mình nhờ vào các chương trình hành động có điều phối. Từ duy trì hòa bình, tránh cho nhân loại một cuộc đại chiến thứ ba dù rằng vẫn còn có nhiều cuộc xung đột quy mô nhỏ xảy ra ở khắp nơi ; Xóa đói giảm nghèo cho hàng trăm triệu người dân trên khắp hành tinh ; Tăng tuổi thọ trung bình hay như Cải thiện các quyền cơ bản của con người ...

Từ những góc nhìn này, một câu hỏi khác được đặt ra : Sau 75 năm hiện hữu, liệu rằng Liên Hiệp Quốc có còn những phương cách để duy trì các tham vọng của mình hay không ? Nhất là trong hoàn cảnh hiện nay đại dịch Covid-19 đang hoành hành và căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, hai nước thành viên trong Hội Đồng Bảo An, không ngừng gia tăng ?

Ông Scott Weber, chủ tịch tổ chức phi chính phủ Interpeace, từng là nhân viên tại Liên Hiệp Quốc, trên đài RTS của Thụy Sĩ lấy làm tiếc rằng Liên Hiệp Quốc giờ chẳng khác gì một « sàn đấu cạnh tranh » giữa các nước lớn và « chính các nước thành viên đó cản trở Liên Hiệp Quốc hoạt động một cách đúng đắn ».

Một điều chắc chắn việc Hoa Kỳ lần lượt thoái lui ra khỏi nhiều định chế quốc tế lớn như Tổ chức Y tế Thế giới WHO/OMS, các chương trình lương thực thế giới, khí hậu hay các hồ sơ quốc tế như Iran…  đã làm cho tầm hoạt động và ảnh hưởng của định chế này bị suy giảm mạnh.

Hệ quả là những nước nghèo nhất sẽ là những quốc gia chịu nhiều thiệt thòi nhất. Bởi vì « chính những nước nghèo nhất, những quốc gia yếu nhất mới cần rất nhiều đến Liên Hiệp Quốc, các định chế của tổ chức này », theo như lời cảnh báo của chuyên gia Michel Liegeois, trường đại học Công giao Louvain, Bỉ, trên đài RTBF.

Trong bối cảnh này, Antonio Guterres, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, trong bài diễn văn khai mạc phiên họp trực tuyến ngày hôm qua, không ngần ngại khẳng định rằng thế giới đang đối mặt với « quá nhiều thách thức đa phương và thiếu các giải pháp đa phương ».

75 tuổi, Liên Hiệp Quốc giờ bị ví như một « bà đầm già » thiếu sinh khí. Bị xơ cứng, tổ chức này hứng chịu những chia rẽ và cạnh tranh đang gậm mòn dần đại gia đình quốc tế. Hoa Kỳ, nước thắng trận và hiện vẫn luôn là cường quốc hàng đầu đang có xu hướng co cụm ; châu Á tiến lên trước một châu Âu mất đoàn kết ; trong khi Trung Đông như thùng thuốc súng chực chờ bùng nổ.

Tình trạng của Liên Hiệp Quốc hiện nay khiến người ta chợt nhớ đến câu nói nổi tiếng của ông Dag Hammarskjöld, tổng thư ký thứ hai của Liên Hiệp Quốc, thiệt mạng trong một tai nạn máy bay đáng ngờ năm 1961 tại châu Phi : Liên Hiệp Quốc « không tạo ra thiên đàng, mà để giúp tránh địa ngục ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.