Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Ngoại trưởng Mỹ Pompeo thăm Việt Nam nhằm củng cố quan hệ chiến lược song phương

Việc ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo bất ngờ thêm Việt Nam vào lộ trình chuyến công du châu Á chính là nhằm củng cố quan hệ chiến lược Mỹ-Việt, trong bối cảnh Hoa Kỳ đang vận động thiết lập một liên minh ở châu Á để chống Trung Quốc.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo chuẩn bị lên máy bay rời Colombo, Sri Lanka, ngày 28/10/2020.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo chuẩn bị lên máy bay rời Colombo, Sri Lanka, ngày 28/10/2020. REUTERS - POOL
Quảng cáo

Trước hết, theo nhận định của giáo sư Carl Thayer, chuyên gia Úc về Việt Nam, chuyến thăm của ngoại trưởng Pompeo hôm nay là một tín hiệu tốt, bởi lẽ trong thời gian qua, dịch Covid-19 đã khiến hai nước không thể tổ chức các cuộc gặp trực tiếp, và điều này ảnh hưởng đến nhịp độ phát triển quan hệ song phương.

Do ông Pompeo vào giờ chót mới thêm chặng Việt Nam, hai bên khó mà đề ra một chương trình nghị sự chi tiết cho các cuộc gặp của ngoại trưởng Mỹ với các lãnh đạo Hà Nội. Theo thông báo của bộ Ngoại Giao Việt Nam hôm qua, ông Pompeo đến Việt Nam theo lời mời của bộ trưởng Ngoại Giao Phạm Bình Minh chỉ là « nhằm kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hoa Kỳ ». Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ chỉ nói chung chung là ngoại trưởng Pompeo đến Hà Nội để « tái khẳng định sự vững chắc của Quan hệ Toàn diện Mỹ Việt Nam và cam kết chung của hai nước về một vùng thịnh thượng và hòa bình ».

Nhưng dựa theo những phát biểu trước đây của ông Mike Pompeo tại cuộc họp trực tuyến giữa các ngoại trưởng ASEAN và Hoa Kỳ ngày 09/09, tại Đối thoại 2+2 Ấn Độ-Hoa Kỳ ngày 27/10 và tuyên bố của ông tại Indonesia hôm nay, giáo sư Carl Thayer dự đoán là ngoại trưởng Mỹ sẽ nêu lên 3 ưu tiên trong chuyến thăm Việt Nam : Hợp tác Mỹ-Việt để thúc đẩy một vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương « tự do và rộng mở », hợp tác song phương phòng chống dịch Covid-19 và chuẩn bị cho sự tham gia của Mỹ vào các cuộc họp thượng đỉnh vào cuối năm của khối ASEAN, mà Việt Nam hiện là chủ tịch luân phiên.  Cũng theo giáo sư Thayer, tại Việt Nam, ông Pompeo có thể nêu lên việc hợp tác giữa lực lượng tuần duyên hai nước để chống nạn đánh cá bất hợp pháp của Trung Quốc.

Trong một bài viết đăng trên trang The Diplomat ngày 28/10, nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp, thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Yusof Ishak, Singapore, cũng nhận định chuyến thăm của ngoại trưởng Mỹ Pompeo là biểu hiện của mối quan hệ đang được thắt chặt giữa hai nước trong bối cảnh căng thẳng chiến lược gia tăng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Cũng dựa trên những chủ đề mà ông Pompeo nêu lên tại các nước khác trong chuyến công du Châu Á lần này, ông Lê Hồng Hiệp dự đoán là hai bên sẽ thảo luận về các biện pháp tăng cường hơn nữa quan hệ kinh tế và chiến lược, đẩy mạnh hợp tác song phương theo cái nhìn chung của hai nước về một vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương « tự do và rộng mở ».

Nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp cũng ghi nhận là lộ trình chuyến công du châu Á lần này (Ấn Độ, Sri Lanka, Maldives, Indonesia, Việt Nam) cho thấy là Hoa Kỳ đang cố thiết lập một hệ thống các đồng minh và đối tác khu vực để yểm trợ cho chiến lược của họ về một vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương « tự do và rộng mở ». Do Việt Nam nằm ở một vị trí chiến lược, đang tăng cường khả năng quân sự, và từ lâu vẫn đối đầu với Trung Quốc ở Biển Đông, cho nên rõ ràng là Hoa Kỳ xem Việt Nam là một quốc gia rất đáng được đưa vào hệ thống các đồng minh và đối tác đó.

Vào tuần trước, thủ tướng Nhật Yoshihide Suga cũng đã chọn Việt Nam là điểm đến trong chuyến công du ngoại quốc đầu tiên của ông. Tại Hà Nội, thủ tướng Suga cũng đã tuyên bố Việt Nam có vai trò « thiết yếu » trong chiến lược của Tokyo hướng tới một vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương « tự do và rộng mở ». Trong chuyến viếng thăm Việt Nam của thủ tướng Nhật, hai nước cũng đã cam kết tăng cường hợp tác an ninh và quốc phòng, đồng thời đã « cơ bản » đạt được thỏa thuận về việc xuất khẩu công nghệ và thiết bị quốc phòng của Nhật Bản cho Việt Nam.

Theo dự đoán của nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp, những điều đó cho thấy Hoa Kỳ và Nhật Bản có thể đang phối hợp với nhau để kéo Việt Nam vào một cơ chế « Quad plus » (Bộ tứ cộng). Quad là nhóm 4 nước Hoa Kỳ, Ấn Độ, Nhật Bản và Úc, tức là bốn cường quốc dân chủ ở vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương. Cho dù lo ngại phản ứng của Trung Quốc, việc tham gia không chính thức vào « Quad plus » có tính chất quan trọng đối với Việt Nam trong việc đối đầu với các áp lực của Trung Quốc ở Biển Đông.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.