Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Chuyên gia Mỹ: Vụ bang Texas kiện để đảo ngược kết quả bầu cử rất khó thành công

Như vậy là bang Texas đã chính thức đệ đơn kiện 4 bang Georgia, Michigan, Pennsylvania và Wisconsin ra trước Tòa Án Tối Cao Hoa Kỳ với hy vọng bác bỏ chiến thắng của ông Joe Biden tại 4 nơi này. Tuy nhiên, theo hầu hết các chuyên gia về luật pháp Mỹ, vụ kiện này có rất ít khả năng thành công.

Ông Ken Paxton, tổng chưởng lý bang Texas.
Ông Ken Paxton, tổng chưởng lý bang Texas. REUTERS - Kevin Lamarque
Quảng cáo

Về đơn kiện do tổng chưởng lý bang Texas, ông Ken Paxton, đệ trình, nội dung chính kêu gọi Tòa Án Tối Cao Mỹ trì hoãn cuộc bỏ phiếu của đại cử tri ở 4 bang Georgia, Michigan, Pennsylvania và Wisconsin, để cho phép tiếp tục điều tra “các vấn đề liên quan đến quy trình bỏ phiếu”, cụ thể là các bang này đã thay đổi một cách “bất hợp pháp” thủ tục bỏ phiếu khi mở rộng hình thức bầu qua bưu điện.

Đơn kiện của Texas cũng yêu cầu Tòa Án Tối Cao dời ngày đại cử tri bỏ phiếu bầu tổng thống và phó tổng thống ra sau ngày 14/12 như đã được luật bầu cử năm 1887 ấn định

Theo tính toán của Texas, hiện nay, theo các kết quả đã được chứng thực ở cấp tiểu bang, ông Joe Biden đã giành được 306 phiếu đại cử tri, trong đó 4 bang bị kiện đóng góp đến 62 phiếu đại cử tri. Nếu kết quả tại 4 nơi này bị hủy bỏ, ông Biden sẽ không đủ mức tối thiểu 270 đại cử tri để đắc cử.

Tuy nhiên, theo hãng tin Anh Reuters, các chuyên gia về luật bầu cử Mỹ đã cho rằng vụ kiện này có rất ít cơ hội thành công và thiếu giá trị pháp lý.

Ông Justin Levitt, giáo sư luật bầu cử tại Trường Luật Loyola ở bang California khẳng định: “Cả về mặt thủ tục và nội dung, đơn kiện là một mớ hỗn độn. Khả năng là Tòa Án Tối Cao đồng ý thụ lý vụ kiện là con số không”.

Hãng truyền thông NBC News dẫn lời chủ trang blog SCOTUSblog, Tom Goldstein, nhận xét rằng vụ kiện của bang Texas là “vô vọng” vì Texas “không có quyền khởi kiện về thủ tục bầu cử ở các bang khác”.

Đài NBC đã nêu bật một số yếu tố khiến cho vụ kiện mà Texas khỏi xướng thất bại.

Yếu tố thứ nhất, theo chuyên gia Edward Foley, Đại Học bang Ohio, vụ kiện này là vi hiến. Ông Foley chỉ ra rằng Điều II, Mục 4 của hiến pháp Mỹ quy định quốc hội có thể chọn ngày mà các đại cử tri nhóm họp để bỏ phiếu, cùng một thời điểm trên toàn nước Mỹ. Năm nay, thời điểm đó là ngày 14-12.

Thứ hai, bang Texas không có quyền tuyên bố rằng quan chức ở những nơi khác không tuân thủ quy tắc do cơ quan lập pháp của bang này đặt ra. Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ trên nguyên tắc diễn ra ở cấp bang nên một bang không có tư cách pháp lý để kiện những bang còn lại.

Theo ông Goldstein, cũng là một luật sư ở Washington, các thẩm phán sẽ cho rằng vụ kiện của bang Texas nên được đệ trình lên tòa án cấp dưới trước thay vì đưa thẳng lên Tòa Án Tối Cao. Cho dù Tòa Án Tối Cao Mỹ là nơi để một bang khởi kiện một bang khác nhưng trước tiên họ phải chứng minh không có nơi nào khác thụ lý vụ kiện.

Điểm thứ ba, vụ kiện dường như được chuẩn bị một cách vội vàng. Ví dụ, đơn kiện cho biết 4 bang bị đơn có tổng số 72 phiếu đại cử tri nhưng trên thực tế chỉ có 62 phiếu đại cử tri.

Thứ tư, bản thân ông Paxton đang gặp những rắc rối pháp lý riêng. Năm 2015, ông Paxton bị truy tố về cáo buộc gian lận chứng khoán và vẫn đang chờ giải quyết. Trong năm nay, có tin là ông bị các trợ lý hàng đầu cáo buộc về một số hành vi sai trái khác

Đến nay, những nỗ lực tại tòa án của ông Trump để thách thức kết quả bầu cử đều thất bại. Giới thân cận của ông Trump đã nhiều lần nói rằng họ muốn cuộc bầu cử được quyết định bởi Tòa Án Tối Cao, ngay cả khi hơn 50 vụ kiện sau bầu cử thất bại ở cấp thấp hơn.

Về phần mình Tòa Án Tối Cao đã từng giáng một đòn cho ông Trump và các đồng minh bằng cách từ chối một đơn kiện đối với kết quả bầu cử tại Pennsylvania.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.