Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Mali bất ổn : Cơ hội để Pháp rút khỏi « Chiến dịch Barkhane » ?

Hiện có khoảng 5.100 quân nhân Pháp tham gia « Chiến dịch Barkhane » chống khủng bố từ năm 2013 tại vùng Sahel cùng với 5 nước châu Phi (Mauritania, Mali, Burkina Faso, Niger và Tchad). Pháp từng đóng vai trò chủ đạo, nhưng thiệt hại về nhân mạng (55 quân nhân tử vong) và chi phí tốn kém buộc Paris cân nhắc đổi chiến lược: Mỗi nước đối tác phải tự bảo đảm an ninh. Pháp sẽ dần rút quân khỏi khu vực này, đặc biệt là Mali, lại gặp bất ổn chính trị sau cuộc đảo chính  24/05/2021.

Dân Mali giương một bức hình trong đó có ảnh của người cầm đầu cuộc đảo chính, đại tá Assimi Goita và một lá cờ Nga trong một cuộc tập hợp ủng hộ quân đội Mali ở Bamako, Mali, ngày 28/05/2021.
Dân Mali giương một bức hình trong đó có ảnh của người cầm đầu cuộc đảo chính, đại tá Assimi Goita và một lá cờ Nga trong một cuộc tập hợp ủng hộ quân đội Mali ở Bamako, Mali, ngày 28/05/2021. REUTERS - AMADOU KEITA
Quảng cáo

Ngay từ đầu năm 2021, tổng thống Emmanuel Macron đã cho biết ý định rút quân : « Chúng ta không có nhiệm vụ phải ở lại mãi Mali». Pháp vẫn dựa vào hai lý do chính : tình hình an ninh xuống cấp ở Mali và nhà nước Mali thiếu hỗ trợ. Tuy nhiên, chính bất ổn chính trị tại Mali hiện nay, sau cuộc đảo chính ngày 24/05 của đại tá Assimi Goita, có thể là lối thoát bất ngờ để Pháp rút quân khỏi quốc gia này.

Tổng thống Macron cảnh báo Pháp sẽ không « sát cánh với một đất nước nơi không còn tính chính đáng dân chủ ». Có nhiều đồn đoán cho rằng chính phủ của Assimi Goita « có thể sẽ đi theo hướng một nền cộng hòa Hồi Giáo và hòa giải với một số lực lượng khủng bố địa phương ». Thế nhưng, theo một nhà ngoại giao, được báo La Croix trích dẫn, « rất khó hình dung ra được Barkhane hợp tác với một phần lực lượng thánh chiến để chống lại những lực lượng khác ». Hậu quả của tư tưởng cởi mở hơn với « Hồi Giáo cực đoan » của Assimi Goita đã bị tổng thống Pháp cảnh báo khi trả lời báo Le Journal du Dimanche (30/05) : « Nếu tình hình đi theo hướng này, tôi sẽ rút ».

Có thể thấy đằng sau phát biểu này là thái độ quan ngại và phẫn nộ của Pháp đối với Mali. Quốc gia Tây Phi này đang trong thời kỳ quá độ với một chính phủ lâm thời thuộc xã hội dân sự. Tuy nhiên, viễn cảnh tổ chức bầu cử tổng thống 2022 có lẽ sẽ trở nên xa vời hơn với một vị sĩ quan trẻ cũng « làm mưa làm gió » trên chính trường Mali. Hơn nữa, theo phân tích của Le Monde (01/06), vụ đảo chính còn cho thấy sự đấu đá quyền lực, đặc biệt trong các bộ chủ chốt như quốc phòng và an ninh.

Tình hình này cho thấy không thể tái lập ngay được ổn định ở Mali. Pháp chỉ có thể tránh được sa lầy với « Chiến dịch Barkhane » ở Mali chừng nào « quân đội Mali được tăng cường và giải quyết được những nguyên nhân sâu xa của mọi tồi tệ đang gặm nhấm đất nước, như vấn đề dân số, quản trị, giáo dục, dịch vụ công… Khi không một điều kiện nào hội tụ đủ, thì Barkhane tiếp tục bị sa lầy », theo nhận định của một nhà ngoại giao với báo La Croix.

Thực ra, nếu Pháp coi cuộc chiến chống khủng bố là mối ưu tiên, thì sẽ « bỏ qua » cuộc đảo chính và duy trì chiến dịch Barkhane, như đại tá Goita mong muốn. Pháp đã làm điều này tại Cộng Hòa Tchad khi ủng hộ con trai của tổng thống Idriss Déby chết trận lên thay thế cha. Đây cũng là một « cú đảo chính quân chủ » và nhiều người Mali ủng hộ Goita chỉ trích thái độ « nhất bên trọng, nhất bên khinh » của Pháp khi ủng hộ chính quyền quân sự ở Tchad.

Rút quân khỏi Mali, dù theo nhiều chuyên gia không thể làm được « một sớm một chiều », sẽ có nguy cơ gây ra nhiều hệ quả nghiêm trọng. Năm 2013, Pháp đã đưa quân đến hỗ trợ chống khủng bố. Mục tiêu chính này vẫn chưa hoàn thành. Nhiều lực lượng thánh chiến tiếp tục tấn công ở miền bắc và miền trung Mali và đang dồn xuống miền nam đe dọa bao vây thủ đô Bamako. Iyad Ag Ghali, thủ lĩnh của tổ chức Al Qaida tại Sahel, vẫn trốn thoát dù bị truy bắt từ 8 năm nay.

Trong khi đó, đồng minh thân cận của Pháp là Cộng Hòa Tchad lại đang bị suy yếu từ sau khi tổng thống Idriss Déby tử trận. Theo La Croix, rút quân vào thời điểm này đồng nghĩa với việc Pháp chấp nhận thất bại. Một cuộc họp giữa Pháp và G5 Sahel được dự trù diễn ra trước mùa hè. Có lẽ đây là thời điểm để thảo luận lại khuôn khổ chiến dịch và để Paris có thể âm thầm rút quân, trong bối cảnh Pháp cũng chuẩn bị bầu cử tổng thống và ông Macron không muốn thiệt hại nhân mạng tại Mali ảnh hưởng đến chiến dịch tái tranh cử.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.