Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Afghanistan khơi lại nỗi ám ảnh tự chủ quốc phòng của EU

Cuộc rút quân hỗn loạn của Mỹ và đồng minh khỏi Afghanistan là một thất bại tập thể. Liên Hiệp Châu Âu cảm thấy từ giờ cần phải trang bị cho mình một khả năng tự tiến hành các chiến dịch quân sự trong tình huống khủng hoảng, để không còn lệ thuộc vào sức mạnh của Mỹ nữa.

Bộ trưởng Quốc Phòng 27 nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu họp tại Kranj, Slovenia, ngày 02/09/2021.
Bộ trưởng Quốc Phòng 27 nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu họp tại Kranj, Slovenia, ngày 02/09/2021. AP - Darko Bandic
Quảng cáo

Sau thất bại ở Afghanistan, châu Âu đang phải xử lý những hệ quả, đồng thời rút ra những bài học cho riêng mình. Sau cuộc họp bộ trưởng Nội Vụ ngày 31/08 để ứng phó với vấn đề di dân, hôm qua đến lượt các bộ trưởng Quốc Phòng của 27 nước thành viên Liên Âu họp tại Kranj, Slovenia. Mục đích là để thảo luận trở lại dự án thành lập lực lượng phản ứng nhanh của Châu Âu trong các tình huống khủng hoảng. Xa hơn là bàn cách làm sao để EU có thể tự chủ về mặt quốc phòng đối với NATO, cũng như đối với Hoa Kỳ.

Lãnh đạo Ngoại Giao Châu Âu Josep Borrell sau cuộc họp hôm qua  đã tuyên bố : « Afghanistan đã cho thấy những yếu kém của chúng ta trong lĩnh vực tự chủ chiến lược và chúng ta đã phải trả giá… Nếu chúng ta muốn có thể hành động một cách tự chủ, không phụ thuộc vào sự lựa chọn của người khác, cho dù họ là bạn bè hay đồng minh, thì chúng ta phải phát triển khả năng của chính mình ».

Các bộ trưởng Quốc Phòng của 27 nước Liên Âu đã xem xét một đề xuất từng được đưa ra hồi tháng 5/2021, theo đó, Châu Âu dự định thành lập một lực lượng 5.000 quân trong khuôn khổ chiến lược quốc phòng của EU. Đây sẽ là lực lượng phản ứng nhanh của khối, sẽ được triển khai khi xảy ra khủng hoảng lớn, để không bị phụ thuộc vào lực lượng của NATO hay Hoa Kỳ. Ông Borrell hy vọng đến hội nghị quốc phòng của EU vào ngày 16/11 tới, đề xuất đó sẽ được các nước thành viên chấp thuận đầy đủ.

Những cảnh tượng hỗn loạn tại sân bay Kabul sau khi Taliban trở lại nắm quyền ở Afghanistan trong hai tuần qua và sự lệ thuộc của các nước châu Âu vào quân đội Mỹ để tiến hành chiến dịch di tản công dân của mình đã khiến EU phải suy ngẫm.

Pháp, Đức và cả Anh Quốc vừa ra khỏi Liên Âu đã muốn kéo dài chiến dịch di tản từ sân bay Kabul, nhưng cuối cùng đã phải chấp nhận rút theo người Mỹ, lực lượng duy nhất bảo đảm an ninh tại chỗ.

Trên thực tế, từ năm 2007, Liên Hiệp Châu Âu đã từng thành lập một « Nhóm chiến thuật », bao gồm các đơn vị của một hoặc nhiều quốc gia có quân số 1.500 người, luôn sẵn sàng và có thể được triển khai trong vòng 2 tuần đến nơi xảy ra khủng hoảng. Để phát động một chiến dịch huy động « Nhóm chiến thuật » này, phải có sự nhất trí hoàn toàn của 27 nước thành viên và thường phải được nghị quyết của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc cho phép. Thế nhưng, từ khi thành lập, lực lượng này chưa bao giờ được sử dụng.

Sáng kiến phát triển chính sách quốc phòng chung châu Âu đã nhiều lần trở lại với các lãnh đạo EU, đặc biệt dưới thời tổng thống Donald Trump. Có điều hầu hết các dự án đều bị bỏ dở, vì nhiều lý do, trong đó yếu tố chủ yếu là không có sự đoàn kết nhất trí.

Lần này, Matej Tonin, bộ trưởng Quốc Phòng của Slovenia, nước đang giữ vai trò chủ tịch luân phiên của EU, đã kêu gọi thành lập một hệ thống mới cho phép đưa quân của « những nước tình nguyện » thay mặt 27 nước thành viên nếu được đa số quốc gia chấp nhận, thay vì phải có sự nhất trí toàn bộ như trường hợp của « Nhóm chiến thuật ».

Trong khi đó lãnh đạo Quốc Phòng Đức thì khẳng định bài học Afghanistan rút ra là các nước Châu Âu phải tự chủ, có khả năng hành động độc lập như một nhân tố thay thế NATO hay Hoa Kỳ. Những tuyên bố vẫn chỉ thể hiện quyết tâm chính trị, không hẳn đã được tất cả hưởng ứng.

Có một thực tế rõ ràng là Liên Hiệp Châu Âu từ nhiều năm nay vẫn luôn bị chia rẽ mỗi khi bàn về vai trò của EU trong lĩnh vực quốc phòng ở những vụ việc lớn, nhất là do sự dè dặt của các thành viên phía Đông, vốn vẫn tin tưởng vào sự che chắn bảo vệ của NATO và Mỹ trước các đe dọa đến từ Nga.

Các cuộc thảo luận dấy lên trở lại sau Brexit, vì Anh Quốc là nước chống đối kịch liệt viễn cảnh thành lập một quân đội chung Châu Âu.  Thêm vào đó là việc Mỹ ngày càng tỏ cho thấy muốn thoái lui khỏi một số mặt trận. Lãnh đạo Ngoại giao Châu Âu Josep Borrell đã nhấn mạnh : « Ông Joe Biden là tổng thống Mỹ thứ 3 liên tiếp để cảnh báo chúng ta về việc từ bỏ cam kết của Hoa Kỳ ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.