Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Thượng Đỉnh Vì Dân Chủ: Một danh sách khách mời nặng tính chiến lược

Trong hai ngày 9 và 10/12/2021, tổng thống Mỹ Joe Biden chủ trì một hội nghị thượng đỉnh thế giới về dân chủ, với hơn một trăm “khách mời” được chính ông và các cộng sự viên chọn lựa. Sự kiện tổ chức trực tuyến này được cho là trọng tâm của chính sách đối ngoại của tổng thống Mỹ, nhưng danh sách khách mời đã đặt ra câu hỏi về ý định thực sự của Washington. 

Tổng thống Mỹ Joe Biden trong chuyến công du kansas City, Hoa Kỳ, ngày 08/12/2021.
Tổng thống Mỹ Joe Biden trong chuyến công du kansas City, Hoa Kỳ, ngày 08/12/2021. AP - Charlie Riedel
Quảng cáo

Theo giới phân tích, sau bốn năm xa cách thế giới trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Donald Trump, Hoa Kỳ đã trở lại với tổng thống Joe Biden, với cam kết là nước Mỹ quay lại vai trò lãnh đạo vốn có của mình, đặc biệt vào thời điểm nền dân chủ có nhiều dấu hiệu đang suy thoái trên toàn thế giới. 

Tập hợp các nước đồng chí hướng trên thế giới để bàn cách thúc đẩy nền dân chủ được cho là một ý tưởng hay, nhưng khi lập danh sách khách mời, Washington đã phân biệt giữa một bên là các nước dân chủ - được mời - và những nước còn lại - mặc nhiên bị coi là không dân chủ. 

Vấn đề đặt ra là khi công bố danh sách khách mời, Washington đã không trình bày chi tiết lý do và quá trình lựa chọn, và chính thiếu sót này đã làm dấy lên tranh cãi. Một số nhà quan sát đã tự hỏi, tại sao Brazil, Ba Lan hoặc Philippines được mời, trong lúc Hungary hoặc Thổ Nhĩ Kỳ lại bị loại.  

Chuyên gia Martin Quencez, phó giám đốc Quỹ Marshall của Đức tại Paris nhận xét: “Khi lập danh sách, Hoa Kỳ đã phải chấp nhận đưa vào một số quốc gia nhất định không đại diện cho các giá trị dân chủ, vì các nước này là đồng minh quan trọng trong khuôn khổ NATO hoặc là vì họ có quan hệ đối tác với Mỹ trên thế giới, thâm chí là vì không thể không mời các quốc gia quan trọng trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc”. 

Trung Quốc và Nga là điển hình của các nước không được mời. Đứng trên khía cạnh dân chủ, việc này được cho là đương nhiên, cũng như một số nước khác không phải là mẫu mực về dân chủ. 

Thế nhưng, đối với Bắc Kinh và Matxcơva, hai nước này không chấp nhận việc mình bị gọi là không dân chủ, và đã xem việc nêu lên vấn đề dân chủ là một “công cụ để đạt được các mục tiêu địa chính trị."  

Đối với ông Jonathan Paquin, giáo sư Khoa Học Chính trị  tại Đại học Laval Quebec, Canada, nhận xét của Nga và Trung Quốc không phải là không có lý: “Ngoài các tiêu chí dân chủ, chúng ta phải thấy rằng các lợi ích chiến lược đã chiếm ưu thế” trong cách chon khách mời của Mỹ. 

Vị giáo sư sư nêu bật vài ví dụ: “Về phía Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary, đây là hai quốc gia rất chỉ trích Washington và có quan hệ rất tốt với Bắc Kinh và Matxcơva. Ngược lại, trong danh sách khách mời, chúng tôi lưu ý đến sự hiện diện của Brazil, Ấn Độ, Philippines và Ba Lan, những quốc gia có chế độ độc tài hơn nhiều so với 10 hoặc 15 năm trước đây, nhưng kiên quyết đứng về phía Mỹ. Họ không phải là những nền dân chủ mẫu mực, nhưng họ là đồng minh tốt của Washington ”. 

Bản thân châu Âu đã bày tỏ một số dè dặt trong những tuần gần đây. Các nguồn tin ngoại giao ở Pháp cho thấy mối  lo ngại về kết quả cuối cùng của hội nghị thượng đỉnh: Phải chăng chính quyền Biden đang cố gắng thành lập một mặt trận chung chống lại Bắc Kinh dưới chiêu bài thúc đẩy dân chủ? 

Đối với chuyên gia Martin Quencez, những nhận xét này đã được chính quyền Biden xem  rất nghiêm túc: “Từ vài tuần nay, thông tin từ Washington là nói rằng đó không phải là lập khối trong khuôn khổ một cuộc chiến tranh lạnh mới. Đó là việc tập hợp các quốc gia lại để chống lại sự suy giảm dân chủ, xoay quanh các vấn đề chiến đấu chống tham nhũng, vấn đề nhân quyền hay là quyền tự do ngôn luận trên Internet ”. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.