Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Dân Mỹ vẫn lo âu cho nền dân chủ, một năm sau vụ tấn công Quốc Hội

Cách nay một năm ngày 06/01/2021, một vụ tấn công dữ dội của hàng trăm người ủng hộ tổng thống thất cử Donald Trump vào trụ sở Quốc Hội Hoa Kỳ trên đồi Capitol, biểu tượng của nền dân chủ Mỹ, đã gây chấn động trong dư luận Mỹ và thế giới. Một năm sau, người Mỹ vẫn lo âu cho nền dân chủ của họ, nhất là trong bối cảnh một phần ba người dân cho rằng việc sử dụng vũ lực đôi khi có thể được coi là chính đáng để để bảo vệ ý tưởng của họ. 

Ảnh tư liệu : Người biểu tình ủng hộ tổng thống Trump tràn vào chiếm nhà Quốc Hội trên đồi Capitol, Washington, hôm 06/01/2021.
Ảnh tư liệu : Người biểu tình ủng hộ tổng thống Trump tràn vào chiếm nhà Quốc Hội trên đồi Capitol, Washington, hôm 06/01/2021. © AP /Jose Luis Magana
Quảng cáo

Theo hãng tin Pháp AFP, dù cuộc tấn công có thể gọi là vào nền dân chủ đó đã thất bại, nhưng hai cuộc thăm dò dư luận công bố hôm Chủ Nhật 02/01/2022, cho thấy là người Mỹ vẫn chưa hết lo âu.

Trong cuộc thăm dò dư luận do kênh truyền thông Mỹ CBS News thực hiện, 2/3 trong số những người được hỏi cho rằng cuộc tấn công mà những người ủng hộ Donald Trump tiến hành trên Đồi Capitol là “một dấu hiệu của bạo lực chính trị gia tăng” và nền dân chủ Mỹ ngày nay vẫn đang bị “đe dọa”. 

Còn theo một cuộc điều tra do nhật báo Washington Post phối hợp với Đại Học Maryland tiến hành, thì “niềm tự hào” của người Mỹ đối với nền dân chủ của họ, đã giảm đáng kể, chỉ còn 54% so với mức 90% vào năm 2002. 

Cả hai cuộc khảo sát đều cho cung cấp cơ sở cụ thể cho mối lo ngại: Trong cuộc thăm dò của CBS, 28% người được hỏi tin rằng vũ lực có thể được sử dụng để bảo vệ kết quả của một cuộc bầu cử. Còn trong nghiên cứu của Washington Post, 34% cho là hành động bạo lực chống lại chính phủ đôi khi có thể được biện minh. 

Các cuộc thăm dò nói trên cũng nêu bật tình trạng phân hóa, chia rẽ sâu sắc trong xã hội Mỹ, điều mà tân tổng thống Joe Biden đã hứa sẽ “xóa nhòa”. 

Hai phần ba cử tri của ông Donald Trump vẫn tiếp tục tin rằng đảng Dân Chủ đã chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2020 một cách bất hợp pháp và gian lận đã diễn ra trên bình diện rộng trong cuộc bỏ phiếu, đúng như các luận điệu không có bằng chứng mà người tiền nhiệm của tổng thống Biden tiếp tục đưa ra. 

Ngay trước cuộc tấn công vào Đồi Capitol, ông Trump đã trực tiếp phát biểu với những người ủng hộ để nhắc lại rằng cuộc bầu cử đã bị “đánh cắp” và kêu gọi họ “chiến đấu hết mình”. Do đó, khoảng 60% người Mỹ nghĩ rằng ông có trách nhiệm lớn trong việc những phần tử ủng hộ ông xâm nhập vào Quốc Hội khi các thượng nghị sĩ chứng nhận chiến thắng của Joe Biden. 

Tuy nhiên, một lần nữa, các ý kiến lại khác hẳn nhau tùy theo đảng phái: 83% cử tri ủng hộ ông Trump cho rằng ông không có, hoặc có rất ít trách nhiệm trong sự cố, theo cuộc thăm dò của Washington-Post. Và theo CBS, 26% người Mỹ thậm chí muốn Donald Trump đại diện cho mình vào năm 2024. 

Để xác định vai trò chính xác của ông Trump và giới thân cận, Hạ Viện trong tay đa số thuộc đảng Dân Chủ, đã thành lập một ủy ban điều tra đặc biệt, bất chấp sự thiếu hợp tác từ những người thân cận của cựu tổng thống. Ủy Ban đã thực hiện hơn 300 cuộc phỏng vấn và thu thập hàng nghìn tài liệu thông tin. 

Theo dân biểu Bennie Thompson, chủ tịch Ủy Ban Điều Tra hôm 02/01 vừa qua trên đài ABC, những bằng chứng thu thập được cho thấy là có rất nhiều người đã âm mưu “phá hoại tính toàn vẹn của nền dân chủ Mỹ” và đó là một điều rất đáng lo ngại. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.